Hiệu quả kinh tế của cây táo ở Ninh Phước

Ngoài cây trồng hằng năm, Ninh Phước còn có 1.204,4 ha cây lâu năm chủ lực, bao gồm: 467,5 ha nho và 736,9 ha táo. Đây là hai sản phẩm nông nghiệp đặc thù có giá trị kinh tế cao, song trong những năm gần đây, cây táo cho thấy vị thế mới so với nho khi diện tích trồng ngày càng tăng dần. Trao đổi với chúng tôi, nhiều nông dân địa phương khẳng định trồng táo cho thu nhập cao, được giá, dễ tiêu thụ và dễ chăm sóc.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Ninh Phước, táo được trồng phổ biến ở hầu hết các xã, thị trấn trong huyện, phân bổ nhiều nhất là tại xã Phước Sơn (225 ha), kế đó là xã Phước Hậu (146,9 ha), xã Phước Thuận (128,4 ha), xã An Hải (75 ha), xã Phước Vinh (50,2 ha), thị trấn Phước Dân (50 ha), xã Phước Hữu (27,4 ha), xã Phước Thái (22 ha) và xã Phước Hải (12 ha). Nếu nhìn ở góc độ thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), dù táo chỉ có 1 sản phẩm là táo sấy xếp hạng 3 sao, nhưng trong thực tế táo đang giúp cho nhiều nông hộ cải thiện đời sống, đơn cử ở xã Phước Hậu. Đầu tháng 5 đến đây tìm hiểu, chúng tôi được biết táo Phước Hậu trồng tập trung tại các thôn: Trường Sanh (82 ha), Trường Thọ (45 ha), Hoài Nhơn (20 ha), trong đó có diện tích 3 ha trồng theo hướng VietGAP. Riêng trong diện tích táo của Trường Thọ, có khu vực 11 ha trồng táo thành công từ đất lúa không hiệu quả chuyển đổi sang.

Cây táo trồng tại thôn Trường Thọ, xã Phước Hậu (Ninh Phước) chuẩn bị thu hoạch.

Khu vực 11 ha (Trường Thọ) trước kia vốn là vùng đất gò khó chủ động nước, sản xuất lúa kém hiệu quả, ban đầu nông dân chuyển trồng nho, nhưng sau nhờ Nhà nước hỗ trợ đầu tư hạ tầng (điện, đường giao thông, hệ thống kênh mương tưới tiêu) đã hình thành vùng chuyên canh táo. Vụ thu hoạch táo vừa qua ở đây có khá nhiều nông dân trúng đậm, đơn cử như ông Võ Thành Sung, có 2 sào táo mới thu hoạch bán được trên 100 triệu đồng. Theo anh Nguyễn Như Hùng Triết, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Hậu, người trồng táo lãi gấp 4 lần trồng lúa, có thể nói ở Phước Hậu, ai trồng táo là làm giàu. Táo trồng từ 8-12 tháng thì bắt đầu cho trái và thu hoạch quanh năm với sản lượng trung bình 5-7 tấn/sào; nếu có hơn 2 sào táo, người trồng thu được 200-300 triệu đồng là bình thường. Ở vùng 11 ha, ông Lê Thành Cát, có 1,5 sào táo trồng VietGAP đang thu hoạch, cho biết đợt đầu ông thu hoạch 3,5 tấn ( tương ứng 1/2 sản lượng), với giá bán 16.000 đồng/kg, ông thu được 56 triệu đồng. Tuy giá táo tư thương thu mua hiện tại là 15.000 đồng/kg, nhưng do táo ông là táo sạch, trái to, đẹp, có thể ăn ngay tại vườn nên giá cao hơn.

Song đó chỉ là câu chuyện cách đây hơn nửa tháng, còn hiện tại giá táo đang rớt giá một nửa. Anh Nguyễn Đức Thuận, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Ninh Phước cho biết, trong vòng 10 ngày qua, đang giá 16.000 đồng đến 18.000 đồng/kg bán tại vườn, đã giảm còn 6.000-7.000 đồng/kg nhưng vẫn không bán được. Tuy nhiên, theo anh Nguyễn Như Hùng Triết, giá táo trên có làm giảm thu nhập nhiều nhưng người trồng táo vẫn có lãi, nói dễ hiểu là ai bán táo trước đây 10 ngày là trúng đậm, còn bán thời điểm này lãi thấp hơn. Nguyên nhân giảm giá được xác định là do ảnh hưởng đại dịch COVID-19, việc vận chuyển khó khăn, thêm nữa thị trường tiêu thụ chính là TP. Hồ Chí Minh mưa lớn liên tục nên tư thương ngại mua. Như vậy giá táo vẫn trong vòng kiểm soát và tình hình tiêu thụ chưa có gì phải lo nhiều.

Công ty TNHH Sản xuất- Thương mại - Dịch vụ Ba Mọi với sản phẩm táo chất lượng đạt
chứng nhận OCOP. Ảnh: Phan Bình

Theo đồng chí Nguyễn Hữu Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước, táo là đối tượng thay thế trong chuyển đổi cây trồng ở một số địa phương trong huyện, trong đó thành công và đem lại hiệu quả kinh tế thấy rõ là ở khu vực 11 ha (Trường Thọ) nói trên. Từ nơi này, kinh nghiệm rút ra là để nâng giá trị táo lên, nông dân cần đăng ký sản xuất theo hướng VietGAP, tạo ra chuỗi giá trị sản xuất, thu mua táo sạch với doanh nghiệp (Công ty TNHH Sản xuất- Thương mại - Dịch vụ Ba Mọi). Hiện nay, nhìn tổng quan toàn huyện, đã có 47,5 ha táo sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, song so với quy mô diện tích táo Ninh Phước là vẫn còn ít. Vì vậy, để có các sản phẩm táo chất lượng đạt chứng nhận OCOP, Ninh Phước thúc đẩy nhân rộng mô hình sản xuất táo VietGAP; đồng thời tăng cường áp dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ và liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm.

Được đánh giá là 1 trong 8 sản phẩm thế mạnh, đặc thù của các địa phương trong huyện, sản phẩm táo Phước Hậu nói riêng và Ninh Phước nói chung đang từng bước hoàn thiện, nâng cấp để khẳng định vị thế mới. Để thực hiện bước đi đó, Ninh Phước khuyến khích các địa phương chú trọng đầu tư công nghệ sản xuất sạch, tiến tới xây dựng thương hiệu táo địa phương theo hướng tạo ra sản phẩm táo và chế biến từ táo đạt tiêu chuẩn tham gia xếp hạng OCOP.