Quyền sở hữu công nghiệp (SHCN) là một trong những đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ. Đăng ký các quyền SHCN không những thúc đẩy hoạt động quảng bá thương hiệu, góp phần tạo lòng tin đối với khách hàng, đối tác mà còn giúp cá nhân, doanh nghiệp (DN) bảo vệ quyền lợi của mình trước những hành vi trái phép, các tranh chấp pháp lý liên quan, bảo đảm sự cạnh tranh lành mạnh.
Anh Nguyễn Phương, ở phường Phước Mỹ (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) là người đam mê nghiên cứu khoa học. Một số sản phẩm của anh đã giành được giải thưởng cao tại các Hội thi Sáng tạo kỹ thuật cấp tỉnh và cấp quốc gia. Với anh Phương, mỗi sản phẩm là cả quá trình dày công nghiên cứu, như những đứa con tinh thần cần được “khai sinh” hợp pháp, đảm bảo các các quyền sở hữu tài sản trí tuệ và tránh hệ quả đáng tiếc khi xảy ra tranh chấp pháp lý.
Năm 2014, anh làm hồ sơ đăng ký bảo hộ độc quyền dưới hình thức giải pháp hữu ích đối với sản phẩm Máy chế tác khối cầu và máy đánh bóng khối cầu sau khi giành giải cao ở Hội thi Sáng tạo kỹ thuật cấp tỉnh. Năm 2019, anh tiếp tục đăng ký bằng bảo hộ giải pháp hữu ích với sản phẩm Gương mặt trời lật tự động theo ngày và nghiêng theo mùa.
Nói về việc thực hiện các giải pháp đảm bảo quyền SHCN tại đơn vị mình, ông Lê Văn Quê, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư S.6, cho biết: S.6 là DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất tôm giống theo hướng chất lượng cao. Ngay từ khi thành lập, bên cạnh xác định tạo dựng cho mình bộ nhận diện thương hiệu riêng, S.6 còn triển khai đăng ký quyền bảo hộ nhãn hiệu tôm giống S.6. Điều này, giúp S.6 có lợi thế trước các đối thủ cạnh tranh trong hoạt động sản xuất và kinh doanh, ngăn cản không cho họ sử dụng, khai thác quyền sở hữu đã đăng ký. Mặt khác, cho phép DN thu lợi thông qua việc chứng minh được uy tín nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm tôm giống.
Trong sản xuất kinh doanh việc đăng ký các quyền sở hữu công nghiệp mang lại cho doanh nghiệp nhiều lợi ích.
Ông Phạm Thanh Hưng, Trưởng phòng Quản lý công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ), cho biết: Những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã quan tâm, chỉ đạo, tập trung công tác xây dựng và ban hành các văn bản pháp luật về sở hữu trí tuệ, trong đó có SHCN; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về SHCN; đẩy mạnh hỗ trợ DN về SHCN; quan tâm tới công tác quản lý, phát triển thương hiệu, sản phẩm đặc thù; tạo cơ chế khuyến khích các hoạt động nghiên cứu đổi mới sáng tạo khoa học và công nghệ. Đặc biệt, trong năm 2016 và 2017 đã tổ chức 30 lớp tập huấn, hội thảo chuyên đề về SHCN, hỗ trợ kinh phí cho 38 DN, tổ chức thực hiện các quyền SHCN; triển khai các nhiệm vụ khoa học công nghệ thông qua đặt hàng thực hiện 4 đề tài, dự án... với tổng kinh phí gần 10 tỷ đồng. Riêng năm 2020, sở đã tổ chức 7 lớp tập huấn, hội thảo chuyên đề; hướng dẫn và nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ quyền SHCN cho 20 lượt cá nhân, DN; hỗ trợ triển khai mới 3 dự án bảo hộ các quyền SHCN với tổng kinh phí 2,7 tỷ đồng.
Mặc dù nhận được sự hỗ trợ tích cực từ phía cơ quan chức năng, nhưng nhiều cá nhân, DN vẫn còn chưa quan tâm trong vấn đề đăng ký các quyền SHCN. So với 3.672 DN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, thì còn số 3 giải pháp hữu ích, 11 kiểu dáng công nghiệp, 116 nhãn hiệu, 2 chỉ dẫn địa lý, 10 nhãn hiệu tập thể, 11 nhãn hiệu chứng nhận được cá nhân, DN đăng ký từ trước đến nay có thể nói là quá khiêm tốn.
Theo ông Phạm Thanh Hưng, hầu hết DN trên địa bàn tỉnh là DN vừa và nhỏ nên ít quan tâm đến vấn đề này; năng lực chuyên môn của cán bộ làm công tác SHCN ở địa phương còn hạn chế; hoạt động hỗ trợ về SHCN còn dàn trải, chưa tập trung và chưa thật sự mang lại hiệu quả; vấn đề khai thác giá trị sau khi đăng ký vẫn còn bỏ ngỏ, chưa tạo sự khác biệt, đột phá giữa sản phẩm có đăng ký bảo hộ và sản phẩm không đăng ký bảo hộ.
Trở ngại lớn nhất là thời gian thẩm định hồ sơ đăng ký ở Cục Sở hữu trí tuệ kéo dài quá lâu. Một số nhãn hiệu đăng ký phải chờ gần 2 năm mới có thông báo từ chối cấp bằng. Những sản phẩm được cấp bằng, chứng nhận bảo hộ mất hơn 5 năm chờ đợi. Điều này không chỉ làm cho cá nhân, DN nản chí mà còn gây lãng phí nguồn lực phát triển tài sản trí tuệ.
Thời gian tới, bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền, tập trung hỗ trợ cá nhân và DN, Sở Khoa học và Công nghệ sẽ kiến nghị Cục Sở hữu trí tuệ nghiên cứu giải pháp nâng cao năng lực của công tác thẩm định đơn đăng ký quyền SHCN để rút ngắn thời gian thẩm định nhằm đáp ứng nhu cầu, giảm thiểu tổn thất cho các tổ chức, cá nhân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; đồng thời, giảm bớt các thủ tục gây tốn kém không cần thiết.
Việt Nam là thành viên của Công ước Paris về bảo hộ SHCN và Thỏa ước Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu hàng hóa, đồng thời là thành viên của tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới. Đặc biệt, trong điều kiện nước ta hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế với 14 hiệp định thương mại tự do có hiệu lực, việc thực hiện các quyền SHCN càng trở nên cần thiết. Cá nhân, DN dù lớn hay nhỏ cũng cần phải nhận thức đúng vị trí, tầm quan trọng của SHCN để chủ động bảo vệ chính mình và tận dụng tốt lợi thế tài sản trí tuệ để phát triển bền vững.
Ngọc Diệp