Khuyến nông và khuyến công tạo động lực thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp

Giai đoạn 2016-2021, Trung tâm Khuyến nông tỉnh lồng ghép các nguồn lực hỗ trợ của trung ương, các nguồn vốn từ các chương trình, dự án triển khai nhân rộng hàng chục mô hình sản xuất có hiệu quả. Những thành tựu ngành Khuyến nông đạt được đang trở thành động lực thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp.

Đối với trồng trọt, đáng kể là mô hình tưới tiết kiệm nước, sau 5 năm triển khai đến nay nhân rộng được 1.500 ha cho các loại cây trồng: Mía, nho, táo, mãng cầu, cỏ chăn nuôi, rau màu. Mô hình san phẳng đồng ruộng bằng thiết bị laser, mô hình bao trái trên cây nho bằng túi chuyên dụng, mô hình thâm canh cây ăn quả tuy mới được triển khai gần đây nhưng cũng đã khẳng định được ưu thế vượt trội. Theo báo cáo của ngành Nông nghiệp, các mô hình cho năng suất và lợi nhuận tăng từ 20-30% so với sản xuất theo phương thức truyền thống.

Riêng lĩnh vực chăn nuôi, các mô hình như: Mô hình cải tạo chất lượng đàn bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo; mô hình cải tạo dê, cừu bằng phương pháp hoán đổi giống đực được áp dụng rộng rãi đã góp phần vào thực hiện thành công đề án cơ cấu lại ngành chăn nuôi theo hướng liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị. Đến nay, toàn tỉnh đã hình thành được 5 chuỗi giá trị liên kết chăn nuôi dê, cừu, heo, gà, vịt.

Thu mua măng tây xanh tại Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú. Ảnh: Sơn Ngọc

Qua 5 năm thực hiện chương trình khuyến nông, nhờ các ngành, các cấp đẩy mạnh tuyên truyền nên ý thức của người dân được nâng lên, không trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, mà tự thân năng động đầu tư thực hiện nhiều mô hình mới. Ngoài các mô hình khuyến nông từ nguồn kinh phí ngân sách Nhà nước, các doanh nghiệp, cá nhân cũng đã tham gia những mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị như mô hình chuỗi giá trị nho do Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Xuân Hải (Ninh Hải) liên kết với Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại nông sản Thái Thuận.

Đồng chí Nguyễn Tin, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, cho biết: Mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị có sự tham gia của doanh nghiệp đang là xu thế mới. Tỉnh khuyến khích, hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp, HTX mở rộng liên kết sản xuất, nhất là sản xuất các sản phẩm đặc thù quy mô tập trung. Tín hiệu đáng mừng, đến nay đã có một số doanh nghiệp lớn đi đầu trong thực hiện các mô hình hiệu quả. Đơn cử, mô hình hợp tác giữa các trang trại chăn nuôi heo với Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam chi nhánh Ninh Thuận và Công ty TNHH CJ ViNa Agri thực hiện tại các huyện Bác Ái, Ninh Sơn, Ninh Phước, Thuận Bắc; mô hình nuôi tôm siêu thâm canh hai giai đoạn kết hợp cho ăn bằng máy tự động của nhóm G9 tạo đột phá trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Cùng với khuyến nông, các chương trình khuyến công mà trọng tâm là hỗ trợ chuyển giao máy móc, thiết bị chế biến nông sản cũng đươc quan tâm thực hiện. Từ nguồn vốn khuyến công quốc gia, 5 năm qua, có 11 doanh nghiệp trong tỉnh được hỗ trợ hơn 2,6 tỷ đồng đế lắp đặt các dây chuyền chế biến tôm xuất khẩu, rau câu, măng tây xanh, nha đam... Tranh thủ nguồn kinh phí của Tổ chức Phát triển Hà Lan, tỉnh đã hỗ trợ xây dựng thương hiệu phát triển sản phẩm của 4 doanh nghiệp, HTX nông nghiệp, gồm: HTX Kinh doanh tổng hợp Xuân Hải, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Mộc Thành Quả, HTX Sản xuất và Thương mại nông nghiệp An Xuân, HTX Dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú. Qua đó, giúp các HTX kết nối thị trường có hiệu quả cho chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.

Giai đoạn 2021-2025, ngành Nông nghiệp được bố trí 20 tỷ đồng để thực hiện chính sách hỗ trợ cho hoạt động khuyến nông. Bám sát định hướng của tỉnh về phát triển nông nghiệp trong giai đoạn mới, thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tập trung triển khai nhân rộng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhất là mô hình chăn nuôi, trồng trọt dưới tấm pin mặt trời gắn với du lịch sinh thái cộng đồng.