Nhiệm kỳ 2016-2021: Nhiều lĩnh vực kinh tế tăng trưởng mạnh nhờ ban hành kịp thời các nghị quyết

Trong nhiệm kỳ 2016-2021, hoạt động của HĐND tỉnh đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, nhất là việc nâng cao chất lượng ban hành các nghị quyết và hoạt động giám sát, tăng cường tiếp xúc, lắng nghe và đôn đốc giải quyết những vấn đề cử tri, Nhân dân phản ánh, kiến nghị. Qua đó, tạo lòng tin, sự đồng thuận cao trong xã hội, góp phần thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Một trong những đổi mới rõ nét trong hoạt động của HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021 là tập trung nâng cao chất lượng ban hành các nghị quyết về cơ chế, chính sách, phù hợp tình hình thực tế địa phương, tạo hành lang pháp lý để thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh và bền vững, nhất là các lĩnh vực: Xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước; phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh; phát triển kinh tế đô thị, xây dựng Tp. Phan Rang - Tháp Chàm trở thành thành phố thông minh; tăng cường công tác quản lý và sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, khoáng sản, bảo vệ môi trường; giải pháp đẩy mạnh thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng nông thôn mới... Trong đó, quan trọng nhất là đã ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Thuận 5 năm 2016-2020, làm cơ sở để các cấp, ngành, địa phương triển khai các nhiệm vụ, phấn đấu đạt mục tiêu “Đưa quy mô nền kinh tế tăng 1,7 lần so với năm 2015, tạo chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ; coi trọng phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới”.

Công trình thủy lợi hồ Tân Mỹ góp phần giúp Ninh Thuận chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Văn Miên

Tranh thủ sự ủng hộ của trung ương, sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 31-8-2018 về một số chính sách hỗ trợ Ninh Thuận giai đoạn 2018-2023, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết triển khai thực hiện Nghị quyết số 115. Trong đó, xác định tập trung xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước. Từ đây, các sở, ngành, địa phương đã tham mưu tỉnh rà soát các quy hoạch để xây dựng đồng bộ danh mục các dự án năng lượng tái tạo điện gió, điện mặt trời; ban hành tiêu chí lựa chọn các nhà đầu tư có chiến lược, năng lực, kinh nghiệm; đẩy mạnh công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, giúp nhà đầu tư triển khai thuận lợi, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án. Để giải phóng mặt bằng hơn 553 ha, thuộc 3 xã Phước Minh, Nhị Hà và Phước Ninh (Thuận Nam), tạo điều kiện cho nhà đầu tư triển khai Dự án Trạm biến áp, đường dây 500 kV kết hợp Nhà máy Điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam 450 MW đúng tiến độ, HĐND tỉnh đã kịp thời ban hành các nghị quyết phê duyệt danh mục các công trình, dự án thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất hàng năm trên địa bàn tỉnh.

Một góc Trạm biến áp, đường dây 500 kV kết hợp Nhà máy Điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam 450 MW tại xã Phước Minh. Ảnh: Văn Nỷ

Thực hiện nghị quyết, các ngành, địa phương đã nỗ lực vận động Nhân dân đồng thuận với chủ trương của tỉnh, chỉ sau khoảng 3 tháng, toàn bộ diện tích mặt bằng được giải phóng, bàn giao cho chủ đầu tư. Tương tự, Dự án Cảng biển tổng hợp Cà Ná - công trình khởi đầu đặc biệt quan trọng, giúp vùng kinh tế động lực phía Nam của tỉnh hình thành lên một trung tâm logistics về sản xuất điện khí lên đến 6.000 MW điện trong tương lai, cũng được triển khai nhanh chóng. Đến nay toàn tỉnh có 3 dự án điện gió đưa vào vận hành, với tổng công suất 229 MW, tổng sản lượng điện khoảng 467 triệu kWh; 32 dự án điện mặt trời đã phát điện lên lưới, với tổng công suất trên 2.212 MW, tổng sản lượng điện khoảng 2.400 triệu kWh. Với việc đưa vào vận hành các dự án năng lượng tái tạo đã tác động, lan tỏa giúp Ninh Thuận, nơi giàu tiềm năng nắng và gió vươn lên mạnh mẽ ngay cả trong điều kiện khó khăn, chịu tác động “kép” của hạn hán và dịch COVID-19.

Là vùng đất “thiếu mưa, thừa nắng”, sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao, để phát triển nông nghiệp bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, tại kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh khóa X đã ban hành Nghị quyết về cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với ứng phó biến đổi khí hậu đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Từ chủ trương đúng đắn, sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, nền kinh tế nông nghiệp tỉnh đã chuyển trạng thái sang chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; tạo sự thay đổi về phương thức tổ chức sản xuất và giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích; nông dân trong tỉnh đã chuyển 7.500 ha đất lúa sản xuất không hiệu quả sang cây trồng cạn; hình thành 12 dự án nông nghiệp công nghệ cao, 32 liên kết hợp tác sản xuất cánh đồng lớn gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị với quy mô hơn 4.000 ha. Những vùng đất hoang hóa hoặc một thời độc canh cây lúa nay đã thay bằng những cánh đồng măng tây, nha đam, nho, táo trĩu quả. Qua đó, làm phong phú và đa dạng các giống cây trồng, giúp giá trị sản xuất đất canh tác nông nghiệp đạt 125,5 triệu đồng/ha/năm, tăng 30,8 triệu đồng/ha so với năm 2015.

Có thế khẳng định, các nghị quyết được HĐND tỉnh thông qua trong nhiệm kỳ qua, đã có tác động tích cực đến việc phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao mức sống của người dân trong tỉnh. Năm 2020, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt 2 con số 12,17% ; tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 3.900 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 25.760 tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm 1,41%, còn 5,33%; GRDP bình quân đầu người 60,7 triệu đồng/người/năm... Trong không khí phấn khởi, Ninh Thuận cùng với cả nước vừa tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Nhân dân trong tỉnh tiếp tục kỳ vọng, tin tưởng trong nhiệm kỳ HĐND tỉnh mới sẽ tiếp tục có sự bứt phá, tăng tốc để trở thành tỉnh có nền kinh tế phát triển khá của khu vực và cả nước trong giai đoạn 2021-2026.