Theo người dân trong khu vực, cách đây một tuần, tại khu vực giao nhau giữa đường Hai Bà Trưng và Nguyễn Văn Trỗi (thị trấn Di Linh) đã xuất hiện một vết nứt. Lúc đầu chỉ rạn khoảng 2cm, rồi mỗi ngày một rộng thêm, đến nay đã rộng 10cm. Vết nứt dài khoảng 500m, kéo theo hàng loạt nhà dân bị xé nền, nứt tường và đã có căn bị sập.
Nhiều người hiếu kỳ tập trung xem vết nứt trên đường Nguyễn Văn Trỗi
Bà Bùi Thị Thê (78 tuổi, ở tổ 5, khu phố 1) cho biết: “Tôi ở đây đã hàng chục năm rồi nhưng đây là lần đầu tiên thấy hiện tượng lạ như vậy nên rất lo lắng. Hiện tường và nền nhà cứ mỗi ngày một nứt thêm, chưa biết nhà bị sập lúc nào”.
Cách đó không xa, căn nhà rộng 30m² của bà Nguyễn Thị Huệ đã bị sập hoàn toàn vào sáng 1-5. Bà Huệ cho biết, tuần trước, tường nhà xuất hiện vết rạn nứt và chỉ 3 ngày sau nhà đã sập. Rất may, vào thời điểm nhà sập, 3 thành viên trong gia đình đều đã ra ngoài nên không ai bị thương.
Bà Nguyễn Thị Huệ bên căn nhà vừa bị sập
Theo báo cáo nhanh của UBND huyện Di Linh, đến chiều 3-5, đã có 16 căn nhà bị ảnh hưởng, trong đó, một số hộ đã phải sơ tán khỏi nhà. Ông Nguyễn Canh, Chủ tịch UBND huyện Di Linh nhận định: Đây là một hiện tượng hoàn toàn bất thường. Trước mắt, huyện yêu cầu người dân chủ động bảo quản tài sản và đảm bảo an toàn tính mạng. Nếu tình hình tiếp tục diễn biến theo chiều hướng xấu thì huyện có phương án di dời dân khỏi khu vực nguy hiểm.
Ông Lương Văn Ngự, Phó giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Lâm Đồng (hiện đang khảo sát hiện trường) cho biết, theo nhận định ban đầu, hiện tượng nứt đất tại huyện Di Linh có thể do tụt mực nước ngầm. Hiện nay, nước sinh hoạt của thị trấn Di Linh được khai thác từ nguồn nước ngầm, trong mùa khô hạn, nước ngầm tụt sẽ dẫn đến tụt nứt đất. Đây là một hiện tượng ngoại sinh chứ không phải do các chuyển động kiến tạo (như động đất, núi lửa). Theo ông Ngự, hiện tượng này từng xảy ra tại xã Hiệp An (huyện Đức Trọng) vào năm 2002. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cũng không chủ quan mà sẽ khảo sát, nghiên cứu để đưa ra kết luận cụ thể.
Nguồn Báo SGGP