Đây không phải lần đầu tiên các nhà khoa học Nga đề cập đến các thiết bị bay kiểu mới, hình dạng giống chiếc đĩa bay như mô tả của các nhà UFO học. Nửa năm trước, tại Ulianovsk, họ đã khẳng định chương trình 5 năm thiết kế máy bay nhiệt đạn đạo (thermoballastic), hình dạng đĩa bay, tạm gọi là ATLA.
Không quân Nga sẽ được trang bị đĩa bay. Ảnh minh họa.
Theo các nhà thiết kế, đó là một vật thể kích thước lớn, hình hai chiếc đĩa úp vào nhau, đường kính tới 250 mét, chiều cao 100 mét. Giá thành một thiết bị bay như vậy có thể lên đến 2 tỉ rúp.
Về thực chất ATLA là một khinh khí cầu thế hệ mới. Sở dĩ gọi là thiết bị bay nhiệt đạn đạo vì ngoài thể tích heli trong khoang máy, còn có một khoang chứa không khí nóng và không khí lạnh. Cách kết cấu của các thiết bị đã được tính toán, cho phép điều khiển lực nâng, tác dụng lên khinh khí cầu, khi bay theo chiều thẳng đứng và khi hạ cánh.
Đĩa bay АТLА sử dụng động cơ điện. Ngoài ra, ở các mép của thiết bị có bố trí những cánh nhỏ, nhằm bảo đảm sự cân bằng để nó giữ được ổn định trước sức đẩy của gió khi đang “treo” ở một điểm trên không, thí dụ khi đang cẩu lên một trọng tải đến 600 tấn.
Đây cũng không phải chỉ là ý tưởng “độc quyền” của các nhà kỹ thuật Nga. Vào năm 2008, các mô hình thiết bị bay mới cũng xuất hiện tại Mỹ. Trường Đại học Florida đã đăng ký sáng chế về dự án “thiết bị bay điện từ không có cánh” – hình dạng đĩa bay .
“Chiếc đĩa bay Florida” là một thiết bị độc đáo dựa trên nguyên lý từ thuỷ động học (magnitohydrodynamic), sử dụng chất lỏng dẫn động, khí ion hoá trong sự có mặt của từ trường. Các điện cực bố trí dày đặc trên bề mặt của đĩa bay Florida và không khí bao quanh bề mặt của đĩa bay bị ion hoá, chuyển thành những dòng plasma. Hiệu ứng này cho phép đĩa bay chuyển động (kể cả chuyển động thẳng đứng) và treo lơ lửng trên không.
Theo Vietnamnet