Cán bộ đi dạy Mã La
Ngoài cương vị là Bí thư Đảng ủy xã Phước Hà (Thuận Nam) gương mẫu, trách nhiệm với công việc, được bà con yêu mến, ông Tà Thía Banh còn được biết đến là “cây đại thụ” về nhạc cụ dân tộc Raglai. Nói thế bởi ông không chỉ đánh Mã La hay, sống động mà còn có tâm huyết trong nghiên cứu, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Raglai. Nói về lý do gắn bó và đam mê với Mã La, ông Banh chia sẻ: Chính vì từ nhỏ, tôi được gia đình quan tâm và dạy cách đánh Mã La mà đã hun đúc cho tôi niềm tự hào sâu sắc với văn hóa của dân tộc mình. Đến khi trưởng thành, tôi lại tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm nhiều kiến thức về văn hóa thông qua các già làng, nghệ nhân. Qua quá trình tìm hiểu dày công, tôi đã soạn thảo nhiều tài liệu về cách sử dụng, các bài nhạc gõ Mã La, Chapi để lưu truyền lại cho thế hệ con cháu.
Càng yêu quý những giá trị đặc sắc của văn hóa dân tộc, ông càng trăn trở phải làm thế nào để giữ gìn và phát huy nó trước nguy cơ bị mai một, thất truyền. Nghĩ đi đôi với làm, năm 2010, ông vận động các tộc họ tại địa phương lưu giữ các bộ Mã La, không để thất lạc hoặc bán ra thị trường. Đồng thời, ông cùng các nghệ nhân, tộc trưởng đứng ra mở các lớp đánh Mã La trong khu dân cư. Điều đáng ghi nhận là năm 2015, ông phối hợp với Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Phước Hà đưa nhạc cụ Mã La vào giờ sinh hoạt ngoại khóa của học sinh. Và cứ thế suốt gần 6 năm qua, thành thông lệ vào chiều thứ 3 hàng tuần, sau giờ tan học, ông cùng nghệ nhân trong xã luân phiên hướng dẫn học sinh cách đánh Mã La, cách phân biệt các bài nhạc gõ sao cho phù hợp với từng lễ, hội khác nhau. Từ những em học sinh còn bỡ ngỡ cách cầm, cách gõ nhạc cụ dân tộc mình thì nay các em đã luyện thuần thục hơn 15 bài nhạc gõ Mã La và trở thành lực lượng xung kích tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ tại địa phương cũng như trung ương. Nói không ngoa khi khẳng định xã Phước Hà là một trong những địa phương sở hữu nhiều bộ Mã La của tỉnh với 35 bộ, có đông đảo bà con biết sử dụng nhạc cụ. Những kết quả đạt được này có sự đóng góp không nhỏ của ông Banh. Năm 2015, ông vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.
Ông Tà Thía Banh dạy các em học sinh
Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Phước Hà đánh Mã La.
Mong muốn bảo tồn và phát huy Lễ báo hiếu
Lễ báo hiếu là một trong những lễ nghi truyền thống, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với đời sống tinh thần của đồng bào Raglai, thể hiện sự biết ơn của con cháu đối với đấng sinh thành và nguồn cội. Tuy nhiên, hiện nay do sự tác động mạnh mẽ của nền văn hóa hiện đại thâm nhập sâu vào đời sống mà Lễ báo hiếu không còn trở nên phổ biến như ngày trước. Nhằm bảo tồn và duy trì Lễ báo hiếu trong cộng đồng Raglai tại khu dân cư đã có những cá nhân nỗ lực hết mình để “hồi sinh” Lễ báo hiếu, trong đó phải kể đến hạt nhân đi đầu là ông Pi Năng Trách, thôn Ma Oai, xã Phước Thắng (Bác Ái).
Trong suốt nhiều năm qua, với vai trò là đảng viên của địa phương, ông Trách không chỉ phát huy tinh thần trách nhiệm trong tích cực tuyên truyền, phổ biến những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước mà còn vận động bà con phát huy những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Raglai, trong đó có Lễ báo hiếu. Khi trao đổi về các nghi thức trong lễ, ông Trách giải thích cặn kẽ cho chúng tôi về những nét đẹp, giá trị nhân văn sâu sắc mà Lễ báo hiếu mang lại, ông cho biết: Lễ báo hiếu của đồng bào mình thường được tổ chức khi con cái đã trưởng thành và lập gia đình riêng. Khi có điều kiện về kinh tế, thời gian, con cái sẽ tổ chức một buổi lễ họp mặt gia đình nhằm tri ân công lao sinh thành, dưỡng dục và thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với cha mẹ thông qua những món quà, mâm cỗ. Đây cũng là dịp mà hai gia đình nội và ngoại có dịp gặp nhau, thắt chặt thêm tình cảm.
Đồng chí Trần Văn Toàn, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bác Ái cho biết: Để Lễ báo hiếu được bảo tồn và duy trì trong cộng đồng, địa phương đã phối hợp với ông Trách tổ chức nhiều buổi diễn tái hiện lại Lễ báo hiếu thông qua các hoạt động văn hóa, nghệ thuật ở địa phương. Trong đó, nhóm đối tượng được quan tâm chính là các em học sinh, thanh niên, với mục tiêu khơi dậy trong thế hệ trẻ niềm tự hào và ý thức duy trì, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào mình. Bên cạnh tích cực duy trì lễ báo hiếu, ông Trách còn nỗ lực vận động bà con lưu giữ các bộ nhạc cụ dân tộc, tham gia truyền dạy cách đánh Mã La cho học sinh và bà con tại các khu dân cư. Năm 2019, ông được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.
Từ thực tế cho thấy việc duy trì, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống Raglai không phải là chuyện của ngày một, ngày hai có thể làm được. Đó là hành trình dài cần sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là sự cống hiến của đội ngũ nghệ nhân. Đó không chỉ là niềm đam mê và sự tự hào với các giá trị truyền thống dân tộc mà còn là tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng, là mong muốn để lại một phần “di sản” của bản thân vào sự nghiệp bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống dân tộc Raglai.
Lê Thi