Theo khảo sát, đánh giá của ngành chức năng tại các chợ lớn trên địa bàn Tp. Phan Rang - Tháp Chàm và chợ tại các huyện, hầu hết hàng hóa sản xuất trong nước chiếm trên 95%. Hàng hóa bày bán phong phú, đa dạng từ vải, quần áo, giày dép, đồ điện các loại đến thực phẩm, rau, củ, quả tươi…đều mang nhãn hiệu Việt Nam. Nhiều tư thương cho rằng, những năm gần đây, nhà sản xuất trong nước đã quan tâm hơn tới chất lượng, mẫu mã sản phẩm, giá cả lại phải chăng, nên hàng Việt Nam bán chạy hơn so với các mặt hàng nhập khẩu từ nước ngoài. Hơn nữa, người tiêu dùng cũng chủ động lựa chọn mua hàng Việt, có nhãn mác, thời gian sử dụng rõ ràng và không lo bị tẩm hóa chất gây hại cho sức khỏe. Bà Nguyễn Thị Lành, tiểu thương bán trái cây tại chợ Phan Rang (Tp. Phan Rang – Tháp Chàm), cho biết: Tôi chủ yếu bán trái cây của các nhà vườn trong nước trồng, chứ ít bán trái cây nhập ngoại, riêng hàng trái cây Trung Quốc thì tôi không dám nhập về bán vì không có người mua. Trái cây trong nước mình giờ toàn đồ tươi ngon, giá thành rẻ, lại không lo chất bảo quản nên khách hàng thích mua hơn.
Người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn các sản phẩm do Việt Nam sản xuất tại siêu thị Co.opmart Thanh Hà.
Trách nhiệm, vai trò của nhà sản xuất và doanh nghiệp cũng là một trong những nhân tố then chốt quyết định đến sự thành bại của cuộc vận động. Thực tế đó đòi hỏi các nhà sản xuất phải tích cực áp dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, thay đổi mẫu mã, kiểu dáng, hạ giá thành sản phẩm, thiết lập các kênh phân phối, đặc biệt là tìm cách đưa hàng vào hệ thống siêu thị. Các DN cũng có cơ chế hỗ trợ tối ưu.
Là DN tiên phong trong việc thúc đẩy phát triển hàng Việt, siêu thị Co.opmart Thanh Hà ưu tiên liên kết với các hợp tác xã, cơ sở, hộ nông dân tại địa phương, hiện siêu thị tiêu thụ mặt hàng rau củ quả của các cơ sở: Nguyễn Đức Ngà, Nguyễn Văn Trinh, hộ Nguyễn Linh đều ở phường Văn Hải (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm)…
Chị Nguyễn Thị Ánh Đào, Phó Giám đốc phụ trách Siêu thị Co.opmart Thanh Hà, cho biết: Hiện tại, hơn 95% hàng Việt được bày bán tại siêu thị được người dân trên địa bàn tỉnh tin yêu, sử dụng. Trên cơ sở nắm bắt và hiểu được thị hiếu của người tiêu dùng, đơn vị hướng dẫn, ký cam kết với các nhà cung cấp, hợp tác xã, hộ nông dân trong việc sản xuất, sơ chế, đóng gói sản phẩm phải đảm bảo các tiêu chí an toàn chất lượng nhằm tăng giá trị sản phẩm và tạo sự yên tâm cho khách hàng. Ngoài ra, để phục vụ người dân trên địa bàn tỉnh được sử dụng hàng Việt, đơn vị đã đẩy mạnh chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, nhất là các khu vực vùng sâu, vùng xa. Gặp ông Mai Văn Dũng, ở phường Văn Hải (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) đang mua sắm tại siêu thị Co.opmart Thanh Hà, phấn khởi: Bây giờ nhiều đơn vị sản xuất trong nước quan tâm đến mẫu mã, chất lượng, có hướng dẫn sử dụng rõ ràng, giá cả lại phù hợp nên gia đình tôi ưu tiên chọn mua hàng Việt.
Những năm gần đây hàng Việt Nam đã được nhiều gia đình lựa chọn ưu tiên mua sắm. Đây là một thành công của các DN trong việc tuyên truyền quảng bá về thương hiệu sản phẩm của mình. Trong thành công đó, còn có sự vào cuộc của Ban Chỉ đạo CVĐ. Ông Lê Văn Bình, UVTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Phó Ban Thường trực - Ban Chỉ đạo CVĐ, cho biết: Thành công lớn nhất của CVĐ chính là sự thay đổi nhận thức, thói quen của người dân trong việc sử dụng và ủng hộ hàng Việt Nam, góp phần tạo chỗ đứng vững chắc cho sản phẩm nội địa trên thị trường ở tỉnh ta. Từ nhiều năm gần đây, CVĐ đã đi vào đời sống xã hội. Người tiêu dùng nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm, quyền lợi khi mua sắm hàng hóa trong nước; nhà sản xuất, kinh doanh đã có nhiều điều kiện thuận lợi để thiết lập kênh phân phối đưa hàng hóa mang thương hiệu Việt Nam đến người tiêu dùng. Các DN cũng chủ động đầu tư, áp dụng công nghệ, quan tâm công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Cùng với đó là công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng kém chất lượng của các cơ quan, lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh được tăng cường. Chỉ tính riêng năm 2020 các lực lượng chức năng thông qua công tác kiểm tra, kiểm soát đã phát hiện 688 vụ việc vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại, khởi tố hình sự 7 vụ, thu phạt và truy thu thuế với số tiền trên 20,5 tỷ đồng. Đồng thời, các cấp, các ngành thường xuyên tăng cường công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức và các tầng lớp Nhân dân hưởng ứng tham gia, chính vì thế CVĐ đã tác động tích cực đến toàn xã hội, tạo chỗ đứng vững chắc cho hàng Việt trên thị trường tỉnh.
Để CVĐ tiếp tục lan tỏa sâu rộng đến với đông đảo Nhân dân trên địa bàn tỉnh, các cấp, các ngành, địa phương cần tăng cường tuyên truyền để cán bộ và các tầng lớp Nhân dân tiếp tục hưởng ứng CVĐ bằng những hoạt động thiết thực như ưu tiên sử dụng hàng sản xuất trong nước và tại địa phương. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức các hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn, các mặt hàng phải đảm bảo chất lượng và đáp ứng được nhu cầu thị trường; cổ vũ các điển hình tiên tiến, nhất là các tổ chức, cá nhân sử dụng hàng hóa nội địa khi thực hiện mua sắm công; kiên quyết xử lý hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng, tạo lòng tin và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Hồng Nguyệt