Tập trung nâng cao chất lượng và tăng trưởng tín dụng

Trong hai tháng đầu năm 2021, mặc dù nền kinh tế của tỉnh còn gặp khó khăn do ảnh hưởng đại dịch COVID-19, nhưng với sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Chi nhánh Ngân hàng nhà nước (NHNN) tỉnh, hoạt động tín dụng trong hệ thống ngân hàng tiếp tục ổn định và có bước tăng trưởng khá, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế-xã hội tỉnh nhà và đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.

Những kết quả đạt được trong tăng trưởng

Để hoạt động tín dụng của hệ thống ngân hàng được duy trì ổn định, ngay từ đầu năm, Chi nhánh NHNN tỉnh đã quán triệt, triển khai kịp thời các chủ trương, chính sách chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, của NHNN Việt Nam và của tỉnh liên quan đến tiền tệ và hoạt động ngân hàng. Đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 và giám sát các tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; đẩy mạnh thực hiện các chủ trương, chính sách, chương trình tín dụng trọng điểm của tỉnh mang lại một số kết quả tích cực, góp phần tăng thêm nguồn lực cho nền kinh tế của tỉnh.

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Công Thương - Chi nhánh Ninh Thuận. Ảnh: Phan Bình

Trên lĩnh vực đầu tư tín dụng cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn, đến cuối tháng 2, đạt 12.650 tỷ đồng, với 130.550 lượt khách hàng còn dư nợ, tăng 116 tỷ đồng so với cuối năm 2020. Trong đó, cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP, đạt 10.470 tỷ đồng, với 44.255 lượt khách hàng, chiếm 82,8%, cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đạt 2.180 tỷ đồng, với 86.295 lượt khách hàng, chiếm 17,2%. Cho vay hỗ trợ giảm tổn thất trong sản xuất nông nghiệp theo Quyết định 68/2013/QĐ-TTg của Chính phủ, luỹ kế từ đầu chương trình đến nay đạt gần 110 tỷ đồng. Cho vay xuất khẩu đạt 760 tỷ đồng; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn, đạt 6.300 tỷ đồng, tăng 242 tỷ đồng so với cuối năm 2020. Trong chương trình cho vay hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP, đến nay còn 377,53 tỷ đồng, với 43 tàu cá. Trong đó, 14 tàu cá hoạt động có hiệu quả, trả gốc/lãi đúng theo cam kết, với dư nợ trên 120,5 tỷ đồng; 28 tàu cá hoạt động cầm chừng, với dư nợ 256,9 tỷ đồng....

Trong chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp, thực hiện các biện pháp hỗ trợ khách hàng vay khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các tổ chức tín dụng đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và tạm thời giữ nguyên nhóm nợ cho 280 khách hàng, với dư nợ 344 tỷ đồng, trong đó khách hàng là doanh nghiệp 182 tỷ đồng, khách hàng là hộ kinh doanh, hộ gia đình 162 tỷ đồng; cho vay mới đạt doanh số 6.572 tỷ đồng, với 6.231 lượt khách hàng; miễn, giảm lãi vay cho 11 khách hàng, với số tiền 0,24 tỷ đồng...

Nâng cao chất lượng tín dụng

Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Chi nhánh NHNN tỉnh cho biết, để nâng cao chất lượng tín dụng, các ngân hàng thương mại trong tỉnh đã thực hiện nghiêm túc quy định về lãi suất huy động vốn và giảm dần lãi suất cho vay theo quy định; tăng cường thực hiện các biện pháp mở rộng và nâng cao chất lượng dịch vụ tín dụng, đảm bảo hoạt động thanh toán được an toàn và thông suốt. Tính đến cuối tháng 2, toàn hệ thống huy động đạt 16.700 tỷ đồng, bằng 88,8% so với kế hoạch năm 2021. Trong đó, tiền gửi tiết kiệm từ dân cư, ước đạt 11.440 tỷ đồng, chiếm 68,5% trong tổng nguồn vốn huy động; tiền gửi thanh toán, đạt 5.020 tỷ đồng, chiếm 30,06%. Riêng hoạt động tín dụng, đến cuối tháng 2, đạt 30.700 tỷ đồng, tăng 321 tỷ đồng, tăng 1,06% so với cuối năm 2020, bằng 87,9% kế hoạch năm 2021. Điểm đáng ghi nhận, số dư nợ xấu trên địa bàn chỉ còn 190 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,62% so với tổng dư nợ, giảm 0,02% so với tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2020. Trong đó, nhóm ngân hàng thương mại nhà nước nợ xấu còn 99 tỷ đồng, chiếm 52,02% trong tổng nợ xấu; nhóm ngân hàng thương mại cổ phần 60 tỷ đồng, chiếm 31,53 %; ngân hàng Chính sách xã hội 30,8 tỷ đồng, chiếm 16,18%; các Quỹ tín dụng nhân dân còn 0,5 tỷ đồng, chiếm 0,26% trong tổng nợ xấu.

Khách hàng giao dịch tại Chi nhánh Vietcombank Ninh Thuận. Ảnh: Văn Nỷ

Trong thời gian tới, Chi nhánh NHNN tỉnh tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại triển khai quyết liệt các biện pháp xử lý và tăng cường các biện pháp phòng ngừa, hạn chế nợ xấu mới gia tăng. Thực hiện tốt công tác giám sát từ xa các tổ chức tín dụng trên địa bàn, tập trung giám sát vào hoạt động tín dụng, huy động vốn, chất lượng tín dụng, thực trạng tài chính, việc chấp hành các quy định an toàn hoạt động, quy định về phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro, việc chấp hành các kết luận sau kiểm tra, thanh tra nhằm phát hiện, cảnh báo sớm và xử lý kịp thời những rủi ro tiềm ẩn, dấu hiệu bất thường và vi phạm pháp luật. Theo dõi, giám sát các tổ chức tín dụng trên địa bàn trong thực hiện hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Công tác quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng thực hiện kịp thời, chặt chẽ, tuyệt đối an toàn, không để xảy ra sai sót, sự cố.