(NTO) Ông Nguyễn Quang Tú, Giám đốc Ban điều phối Hỗ trợ tam nông Ninh Thuận, khẳng định như vậy khi trao đổi với Báo Ninh Thuận về dự án này.
“Về nguyên tắc, Dự án Hỗ trợ tam nông được triển khai tại tỉnh ta từ nay đến tháng 2-2016, phải đạt được ít nhất 7 mục tiêu. Cụ thể: Xây dựng các mô hình sản xuất, quản lý sử dụng nguồn tài nguyên nông - lâm nghiệp bền vững gắn với chăn nuôi, an toàn dịch bệnh tại các xã vùng sâu, vùng xa; Phát triển kinh tế nông thôn thông qua việc phát triển chuỗi giá trị các mặt hàng nông sản và tăng cường cải tạo cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất; Đa dạng các nguồn thu nhập thông qua các chương trình đào tạo nghề, kỹ thuật, quản trị, kinh doanh cho nhóm đối tượng dự án; Tạo sự cân bằng và bình đẳng giới, lồng ghép giới trong các hoạt động của dự án; Nâng cấp và sửa chữa, làm mới các công trình cơ sở hạ tầng nông thôn, đáp ứng hoạt động sản xuất và phát triển thị trường tại các xã, thôn xóm; Nâng cao năng lực và hình thành bộ máy quản lý có hiệu quả, từng bước gắn với các dự án khác trên địa bàn; Tăng cường năng lực cấp tỉnh để thực hiện chương trình theo hướng phân cấp, phù hợp với người nghèo và phát triển nông thôn định hướng thị trường.” - ông Nguyễn Quang Tú cho biết thêm.
- Phóng viên: Để đạt được mục tiêu trên, đâu là các giải pháp cơ bản của dự án?
- Ông Nguyễn Quang Tú: Dự án được chia thành 3 hợp phần chính để triển khai. Theo đó, hợp phần 1 sẽ tăng cường năng lực thể chế để thực hiện chiến lược tam nông; hợp phần 2 nhằm thúc đẩy chuỗi giá trị vì người nghèo, thông qua các dịch vụ khuyến nông và thúc đẩy các sáng kiến kinh doanh nông nghiệp vì người nghèo và tăng cường tiếp cận các dịch vụ tài chính nông thôn; hợp phần 3 đi sâu lập và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cấp xã theo định hướng thị trường để thu hút người nghèo tham gia vào chuỗi giá trị và đẩy mạnh nguồn quỹ Phát triển cộng đồng.
- Phóng viên: Đây là một dự án có quy mô lớn, cả về nguồn lực tài chính và hiệu ứng xã hội. Để hạn chế đến mức thấp nhất những sai sót trong quá trình thực hiện, cơ chế quản lý được phân cấp thế nào?
- Ông Nguyễn Quang Tú: Hiện Ban chỉ đạo Dự án và Ban điều phối dự án tỉnh đã được thành lập. Hai ban này giúp UBND tỉnh xác lập chính sách tổng thể, kế hoạch, điều phối, kiểm soát và giám sát các hoạt động dự án. Ban điều phối dự án tỉnh (PCU) trực thuộc Sở KH&ĐT là đơn vị hỗ trợ UBND tỉnh và Ban chỉ đạo Dự án tỉnh trong việc điều phối các đơn vị thực thi, quản lý nguồn vốn vay IFAD và vốn đối ứng của Chính phủ. UBND huyện chịu trách nhiệm điều phối chung các hoạt động của dự án và đảm bảo có sự phối kết hợp giữa các phòng, ban chuyên môn và các cơ quan, đoàn thể nhằm đảm bảo có sự lồng ghép giữa dự án với chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển nông thôn mới. Tại các xã thực thi dự án, sẽ thành lập một Ban phát triển. Vai trò của Ban phát triển xã là điều phối tất cả các hoạt động của dự án, để hỗ trợ và tạo điều kiện thực hiện quy trình lập kế hoạch phát triển KT-XH địa phương theo định hướng thị trường Xã hội chủ nghĩa. Đối với cấp thôn thành lập một Ban phát triển thôn, gồm Trưởng thôn, Chủ tịch Chi hội Phụ nữ, Chủ tịch Hội Nông dân, Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, đại diện của các hộ nghèo và hộ khá trong thôn. Ban phát triển thôn chịu trách nhiệm giám sát chất lượng của các hoạt động Dự án triển khai tại thôn và các công trình do Quỹ phát triển cộng đồng tài trợ.
- Phóng viên: Cám ơn ông.
Lê Trường (thực hiện)
Dự án Hỗ trợ tam nông Ninh Thuận do Qũy Phát triển nông nghiệp Quốc tế (IFAD) và Chính phủ tài trợ, với tổng vốn 17,519 triệu USD trong đó: vốn vay ODA từ IFAD tài trợ: 12,786 triệu USD, vốn đối ứng: 4,778 triệu USD. Ngân sách Trung ương hỗ trợ địa phương: 3,258 triệu USD và người hưởng lợi đóng góp: 1,520 triệu USD.
Dự án thực hiện trên địa bàn 27 xã, cụ thể: huyện Bác Ái 9 xã, huyện Thuận Bắc 4 xã, huyện Ninh Sơn 6 xã, huyện Thuận Nam 2 xã, huyện Ninh Phước 3 xã và huyện Ninh Hải 3 xã.
Tổng số dân vùng dự án là 173.000 người với trên 37.000 hộ, trong đó có hơn 9.400 hộ nghèo. Dự án kết thúc vào tháng 2 -2016