Kỷ niệm ngày Kiến trúc Việt Nam 27-4

Xây dựng nền kiến trúc đa dạng, đáp ứng tình hình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương

Tháng 4 năm 1948, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đang diễn ra ác liệt, nhưng để chuẩn bị lực lượng cho công cuộc kiến thiết đất nước sau ngày thắng lợi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương tập hợp số Kiến trúc sư (KTS) Việt Nam được đào tạo tại Trường Mỹ thuật Đông Dương trước Cách mạng Tháng Tám, đang làm việc phân tán tại nhiều nơi ở vùng tự do và chiến khu Việt Bắc, để thành lập tổ chức đầu tiên của giới KTS Việt Nam. Ngày 27-4, tại Thản Sơn, Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Yên (nay là xã Liễn Sơn, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc), được sự chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ, một nhóm KTS tiêu biểu đã tiến hành Hội nghị thành lập Đoàn KTS Việt Nam, tiền thân của Hội KTS Việt Nam ngày nay. Hội nghị đã vinh dự được Bác Hồ gửi thư động viên và căn dặn. Người viết: “ Trong 4 điều quan trọng cho dân sinh: ở và đi là hai vấn đề cũng cấp thiết như ăn với mặc. Vì vậy việc kiến trúc là việc rất quan hệ… Tôi mong Hội nghị sẽ đi tới những kế hoạch thiết thực với tình thế hiện tại, và những chương trình kiến thiết hợp với tương lai, kế hoạch và chương trình đúng với tinh thần đời sống mới. Tôi lại mong Hội nghị chú trọng đặc biệt tới vấn đề nhà ở tại thôn quê, tìm ra những kiểu nhà giản dị và cao ráo, sáng sủa và rẻ tiền.”

 
Tượng đài 16-4. Ảnh: Xuân Bính

Những lời chỉ dạy của Bác dù cách đây đã 63 năm, nhưng vẫn mãi là kim chỉ nam, là ánh sáng soi đường cho đội ngũ kiến trúc trong sáng tạo và phát triển kiến trúc hôm nay. Suốt hơn 63 năm được Đảng và Bác Hồ tổ chức, lãnh đạo, KTS Việt Nam không chỉ là người nghệ sỹ sáng tạo không gian và môi trường sống cho con người và xã hội mà còn là người chiến sỹ trên mặt trận văn hóa - văn nghệ của đất nước. Ngày nay, sự nghiệp đổi mới của Đảng đã tạo ra cơ hội thuận lợi cho kiến trúc phát triển. Đội ngũ KTS đã nỗ lực trong lao động sáng tạo, góp sức xây dựng nền kiến trúc phát triển đa dạng, làm thay đổi từ nhận thức đến thực tiễn. Nhiều nhân tố mới xuất hiện, nhiều chuẩn mực và giá trị văn hóa kiến trúc mới đang hình thành. Kiến trúc là một nghệ thuật được nhân dân quan tâm, quý trọng. Vị thế của KTS ngày càng được khẳng định trong xã hội, Hội KTS Việt Nam đã trở thành một tổ chức được nhân dân tin cậy.

Cùng với đội ngũ KTS cả nước, từ khi thành lập và đi vào hoạt động đến nay, đội ngũ KTS tỉnh nhà cũng đang ra sức phấn đấu, học tập và làm theo lời dạy của Bác. Hiện nay, toàn Hội KTS tỉnh có 34 hội viên, trong đó 21 là hội viên chính thức Hội KTS Việt Nam với đa số là các KTS trẻ, tuổi đời trung bình 28. Những đóng góp của giới KTS cho sự phát triển tỉnh nhà sau 19 năm tái lập là không thể phủ nhận, diện mạo đô thị và nông thôn đã “thay da, đổi thịt”, kiến trúc nhà ở đã có nhiều thay đổi, người dân bắt đầu thừa nhận tầm quan trọng và dấu ấn của các KTS khi xây dựng tổ ấm của mình. Sự trưởng thành của các KTS cũng dần được khẳng định qua nhiều công trình, quy hoạch đã và đang thực hiện đã góp phần tạo nên bức tranh sinh động nhiều màu sắc về sự phát triển của tỉnh nhà. Đại diện cho KTS là Hội KTS cũng đã tích cực tham gia vào các hoạt động quản lý nhà nước như tham gia hội đồng cấp chứng chỉ hành nghề, tham gia hầu hết hoạt động phản biện các đồ án quy hoạch xây dựng lớn trên địa bàn như quy hoạch chung xây dựng Tp.Phan Rang-Tháp Chàm, quy hoạch chung các huyện, các đồ án quy hoạch chi tiết, các cuộc thi tuyển kiến trúc những công trình quan trọng của địa phương. Hội đã phối hợp cùng Sở Xây dựng tổ chức các hội nghị, Hội thảo khoa học chuyên đề Kiến trúc, Quy hoạch, Xây dựng, công tác quy hoạch xây dựng, tổ chức các hội nghị hướng dẫn các Nghị định của Chính phủ, Thông tư của các Bộ và Quy định hướng dẫn của tỉnh, Hội tham gia với Sở Xây dựng giúp UBND tỉnh ban hành quy chế Quản lý Kiến trúc - Quy hoạch trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên hoạt động hành nghề KTS hiện nay, ngoài yếu tố cạnh tranh từ bên ngoài như đã nêu còn bị chi phối bởi nhiều yếu tố khác dẫn đến chất lượng thiết kế của một số công trình không đạt yêu cầu thẩm mỹ, giá trị sử dụng; lực lượng KTS hiện nay còn phân tán, hình thức tổ chức của các đơn vị tư vấn còn nhỏ lẻ, chưa tập trung, vì vậy khả năng đảm đương các dự án công trình có quy mô lớn, có yêu cầu thẩm mỹ, kỹ thuật cao còn hạn chế. Tình trạng sao chép, chạy theo tiến độ và yêu cầu thời gian và chủ quan áp đặt của chủ đầu tư, sự quản lý chưa tốt của các cơ quan quản lý nhà nước về kiến trúc đã dẫn đến sự ra đời của không ít công trình có giá trị thẩm mỹ kém, đơn điệu, sao chép, không phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, phong tục tập quán của địa phương.

Trong thời gian tới, Hội KTS tỉnh tiếp tục đẩy mạnh xây dựng môi trường làm việc mới, đẩy mạnh công tác đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, làm tốt công tác tư vấn phản biện xã hội, nâng cao nhận thức toàn xã hội về kiến trúc. Ngoài những vấn đề nêu trên, Hội tiếp tục xây dựng tổ chức vững mạnh, vận động anh em KTS tham gia vào những vấn đề quan trọng, có ý nghĩa với xã hội; bên cạnh vấn đề đô thị cấp thiết hiện nay như nhà ở cho người có thu nhập thấp, người nghèo đô thị, cần tập trung quan tâm nghiên cứu Quy hoạch xây dựng nông thôn mới, đề xuất các mô hình nhà ở vùng ngập lũ, nhà ở cho đồng bào dân tộc thiểu số để bảo tồn và lưu giữ những giá trị văn hoá, kiến trúc các vùng miền trên địa bàn tỉnh. Kỷ niệm Ngày Kiến trúc Việt Nam, ôn lại những lời dạy của Bác Hồ kính yêu, càng biết ơn sâu sắc công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự lãnh đạo và quan tâm chăm sóc của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với sự nghiệp kiến trúc, với giới KTS, cũng như nhận thức sâu sắc vai trò và trách nhiệm nặng nề nhưng rất vẻ vang của mình trước xã hội; tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua học tập tư tưởng Hồ Chí Minh, không ngừng phấn đấu trong lao động sáng tạo, trong hoạt động nghề nghiệp để đóng góp nhiều hơn nữa, hiệu quả hơn nữa cho sự nghiệp CNH-HĐH đất nước, góp phần xây dựng nền kiến trúc Việt Nam xanh, hiện đại và bản sắc trong thế kỷ XXI.