Là người đã từng “xộ khám”
Anh Katơ Kinh, sinh năm 1983, là người dân tộc Raglai, sinh ra và lớn lên tại thôn Hành Rạc 2, xã Phước Bình (Bác Ái). Năm 2017, Katơ Kinh được bà con tin tưởng bầu làm Trưởng thôn Hành Rạc 1 kiêm tổ phó TCĐ bảo vệ rừng. Từ khi TCĐ phát huy vai trò bảo vệ rừng, nạn chặt gỗ của lâm tặc đã hạn chế nhiều, cùng với đó, các loại bẫy thú rừng đều được tổ tuần tra tháo dỡ, vô hiệu hóa... Với những thành tích đạt được, mới đây anh đã được bầu làm Tổ trưởng TCĐ bảo vệ rừng, cùng với các anh em trong tổ tập trung chủ yếu vào công tác tuần tra, bảo vệ rừng.
Trở thành một trong những người có tiếng nói có trọng lượng trong cộng đồng người Raglai ở thôn Hành Rạc1, thế nên hầu như đã không ai còn nhớ đến một quãng đời khá tăm tối của người giữ rừng ngày nay, thậm chí có nhiều cán bộ mới về nhận công tác của xã cũng không ngờ Katơ Kinh đã từng phải “xộ khám”. Anh cũng khá thoải mái khi kể cho chúng tôi nghe về quãng thời gian chấp hành án 4 năm tại Trại tạm giam Công an tỉnh về tội phá rừng.
Năm đó, khi ở lứa tuổi đôi mươi, Katơ Kinh phá rừng làm rẫy theo như tập tục cũ của dân làng, dù đã được cán bộ kiểm lâm vận động nhiều lần, nhưng mới cưới vợ, lại mong muốn thay đổi kinh tế gia đình, anh bất chấp để phá nhiều mảnh rừng để trồng nhiều cây bắp, cây chuối. Đến khi bị khởi tố, bắt giam, Katơ Kinh mới biết, mảnh đất rừng mình phá, nhiều cây rừng mình từng chặt là những tài sản quý giá thuộc địa phận quản lý của Vườn Quốc gia Phước Bình.
Giây phút nghỉ ngơi giữa núi rừng đại ngàn của anh Katơ Kinh (giữa)
cùng với anh em trong Tổ cộng đồng bảo vệ rừng.
Già làng Katơ Thinh, thôn Hành Rạc 1, xã Phước Bình cho biết: Mới đầu về làng nó xấu hổ lắm, rồi từ từ được nhiều người động viên, vì tuổi trẻ ai mà chẳng mắc sai lầm. Nhưng nó biết cố gắng, vợ chồng nó lo làm ăn kinh tế, trồng bưởi, trồng chuối, bây giờ nó quay trở lại tuyên truyền dân làng phải bảo vệ rừng, không đốt than, làm củi nữa.
Trở về “trả nợ” rừng xanh
Vườn Quốc gia Phước Bình có diện tích hơn 19,8 ngàn ha, là khu rừng tự nhiên với hệ sinh thái vùng núi cao. Nơi đây là khu bảo tồn thiên nhiên rộng lớn với 1.225 loài thực vật và 327 loại động vật quý hiếm. Tiêu biểu có loài bò tót đang được bảo tồn và nhân giống, đặc biệt hơn, với khí hậu và thổ nhưỡng đặc trưng nên nơi đây thích hợp để nghiên cứu và phát triển đông trùng hạ thảo phục vụ y học và phát triển kinh tế...
Với mong muốn góp phần xây dựng quê hương, giữa năm 2017, Katơ Kinh tiên phong trong việc trồng xen canh giữa cây bưởi với bắp lai và cây chuối, mô hình thu được lợi nhuận cao, từ đó, nhiều hộ dân học làm theo, Katơ Kinh tận tình hướng dẫn bà con cách trồng và chăm sóc. Đến nay, xã Phước Bình đã có nhiều hộ gia đình với sự giúp sức của Katơ Kinh, cán bộ kiểm lâm và các cán bộ có chuyên môn của Vườn Quốc gia Phước Bình đã phát triển mô hình du lịch sinh thái, tham quan vườn trái cây như bưởi, chuối…
Cùng với đó, khi được bầu làm Trưởng thôn kiêm tổ phó TCĐ bảo vệ rừng, Katơ Kinh biết đây chính là cơ hội để anh quyết tâm thay đổi, “trả nợ” lại cho rừng xanh. Ngay từ những ngày đầu, anh nhận thấy việc quan trọng nhất là thay đổi nhận thức, tập quán của bà con, vì vậy hàng ngày anh đến từng nhà tuyên truyền, có nhiều hộ đi rẫy ban ngày thì buổi tối anh lại đến để trò chuyện, tuyên truyền sao cho bà con hiểu những việc làm vi phạm pháp luật và cần phải bảo vệ rừng xanh. Dần dà, nhiều người quý mến anh và gia nhập vào TCĐ bảo vệ rừng. Khu rừng mà Katơ Kinh và các anh trong TCĐ bảo vệ rừng quản lý bắt đầu từ con suối Gia Nhông thuộc tiểu khu 30A kéo dài đến thôn Gia É. Với hơn 50 ha đất rừng thuộc Vườn Quốc gia Phước Bình mà chỉ có 10 thành viên, thế nên mỗi đợt tuần tra có khi phải đi tầm 3 đến 4 ngày.
Đường đi xã Phước Bình (Bác Ái). Ảnh: Tất Thành
Và những câu chuyện giữ rừng ngày xuân
Bên những hạt mưa xuân lất phất rơi trên núi rừng Bác Ái, Katơ Kinh kể cho chúng tôi nghe về những chuyến đi rừng của mình, đặc biệt là vào mỗi dịp Tết đến lại càng phải tăng cường đi tuần tra. Mảng rừng mà anh được giao chủ yếu là những cây gỗ lớn thuộc họ dầu, trên những tầng cao có rất nhiều loài lan rừng quý hiếm được đưa vào sách đỏ, thế nên việc trộm hoa lan hoặc chặt cây mai rừng trong những ngày gần Tết, đặc biệt nhiều đối tượng lợi dụng dịp Tết để khai thác trái phép những cây gỗ quý lâu năm, là những vấn nạn mà anh và TCĐ luôn phải đương đầu và lên phương án để phòng ngừa, ngăn chặn. Anh cho biết, vì trẻ tuổi nên lời nói của anh lúc mới lên làm trưởng thôn không mấy trọng lượng, có đêm đúng ngày 23 tháng Chạp anh đi khuyên giải người dân không nên bẻ lan hay chặt mai rừng dịp Tết vì làm thế là hủy hoại rừng, lúc trở về anh bị thanh niên đe dọa, đòi đánh. Nhờ biết vươn lên làm mô hình kinh tế giỏi, vừa kết hợp với Công an và Kiểm lâm tuyên truyền vận động đến từng nhà, bà con phần nào hiểu được giá trị của rừng, cam kết không đi bẻ hoa lan và chặt mai mỗi dịp gần Tết. Đặc biệt, đến nay nạn phá rừng làm rẫy ở đây hầu như không còn, mà đám thanh niên trong làng cũng quý trọng và thân thiết với anh hơn.
Không cứ là ngày thường mà dịp lễ Tết, việc đi tuần tra ngủ lại trong rừng đối với anh là chuyện bình thường. Tết thì đặc biệt hơn vì các anh em trong Tổ mang theo đòn bánh tét, khoanh giò, ít củ kiệu rồi tối đến cùng nhau đón Tết giữa rừng già. Có những năm Mùng 2, Mùng 3 Tết cả Tổ ngủ lại bị mắc mưa, những cơn mưa xuân mang hơi lạnh của núi rừng, nhưng các anh vẫn quây quần ngồi bên nhau với những lời chúc ấm áp của ngày đầu năm mới xua tan đi lạnh giá, sáng ra tỉnh dậy thấy rắn lục hay bọ cạp bò ngay trên đầu võng có lúc chúng núp trong xoong nồi, ba lô, túi gạo. Các anh em còn nói vui: đầu năm mà gặp rắn là hên lắm đó… Cũng có hôm gặp mưa lớn, nước trên núi đổ xuống, cả tổ tuần tra phải nhanh chóng thu gói hành trang rồi chạy thật nhanh để tránh bị lũ cuốn trôi... Mặc dù, gặp nhiều khó khăn, nhưng Katơ Kinh vẫn yêu và gắn bó với nghề hơn, các anh em cũng quyết tâm bám trụ, toàn tâm bảo vệ cánh rừng quý giá của địa phương.
Ngày đầu tiên của năm mới, Katơ Kinh vẫn tuần tra một vòng quanh khu vực rừng quen thuộc. Anh vui vẻ nói: Mặc dù phải tuần tra trong dịp Tết nhưng anh em trong Tổ luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, đảm bảo an toàn cho rừng quốc gia trước, trong và sau Tết. Đó cũng chính là niềm vui, sự may mắn cho khởi đầu một năm mới.
Không khí ngày xuân đang lan tỏa khắp nơi, đâu đó vẫn có những người hy sinh thầm lặng để giữ rừng. Các anh vẫn âm thầm, nhẫn nại để bảo vệ màu xanh của đại ngàn.
Phan Bình