Lan tỏa những việc làm tử tế

Những ngày cuối năm, khi những cơn gió lạnh ùa về cũng là thời điểm tôi dành thời gian suy ngẫm về những chuyện đã qua và tìm kiếm cho mình những điều tốt đẹp, tạo động lực phấn đấu cho một năm mới. Thật may, trong mớ ký ức lẫn lộn giữa những lo toan, khó khăn bộn bề của cuộc sống vì ảnh hưởng của dịch COVID-19, hạn hán, bão, lũ, tôi vẫn tìm thấy và mỉm cười với những câu chuyện đẹp, rất đỗi tử tế lượm lặt từ quá trình tác nghiệp của mình.

 Còn nhớ những ngày tháng 2, khi tết Nguyên đán Canh Tý 2020 vừa trôi qua, nhưng nông dân 2 huyện Ninh Sơn, Bác Ái như “ngồi trên đống lửa” vì hàng trăm tấn dưa hấu không thể xuất bán sang Trung Quốc do ảnh hưởng của dịch COVID-19, khiến người trồng phải “bán tháo, bán đổ” với mức giá từ 1.500-2.000 đồng/kg, nguy cơ thua lỗ hàng trăm triệu đồng. Thể hiện trách nhiệm đối với cộng đồng và nhằm giúp đỡ những người nông dân giảm bớt khó khăn, thiệt hại, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh đã làm cầu nối, giúp nông dân tiêu thụ dưa hấu không xuất bán được với giá thu mua tại rẫy 3.000 đồng/kg, chuyển về tập kết tại Trường Hội nhập Quốc tế iSchool Ninh Thuận, Nhà thiếu nhi tỉnh và kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp, người dân trên địa bàn tỉnh đến mua ủng hộ. Đây là việc làm phi lợi nhuận, nhận được sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng xã hội, thể hiện tinh thần “tương thân, tương ái” của người dân Ninh Thuận trong khó khăn, thử thách.

Những ngày tháng 3, khi thôn Văn Lâm 3, xã Phước Nam (Thuận Nam) thực hiện cách ly y tế theo quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh do có 2 bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2, chúng tôi đến đây và cảm nhận những điều tử tế, đầy ắp tình người tiếp tục lan tỏa khi rất nhiều những cá nhân, tổ chức, đoàn thể trong và ngoài tỉnh không ngại khó khăn, nguy hiểm đến tận nơi trao tặng tiền, quà, khẩu trang, nước sát khuẩn, gạo, mì gói, gia vị nấu ăn, rau củ quả các loại… tiếp sức cho người dân khu cách ly và những cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ chốt trực. Trong đó, có hình ảnh đẹp của chị Bá Thị Sa Ti, ở xã Phước Nam (Thuận Nam) tình nguyện xin ra chỗ đóng quân dã chiến của Công an huyện đang làm nhiệm vụ chốt trực để nấu cơm với tinh thần “Giúp các anh đến khi nào hết dịch thì thôi”…

Đoàn Thanh niên phường Mỹ Bình (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm)
và các hội, đoàn thể cắt may khẩu trang tặng người dân địa phương.

Và những ngày tháng 4, khi cả nước thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhiều cá nhân, tổ chức trong tỉnh tiếp tục mở rộng tấm lòng, chung tay cùng Đảng, Nhà nước chăm lo, giúp đỡ những người yếu thế vượt qua đại dịch COVID-19 bằng những phần quà nhỏ nhưng ấm áp nghĩa tình. Đơn cử như Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Ninh Thuận thông qua Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh đã hỗ trợ 1.586 người bán vé số dạo trên địa bàn tỉnh với số tiền 317,2 triệu đồng; Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp với Tỉnh đoàn, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh và các nhà hảo tâm tổ chức Chương trình “ATM gạo nghĩa tình” hỗ trợ trên 20 tấn gạo và một số nhu yếu phẩm cho trên 10.000 lượt người dân thật sự khó khăn trên địa bàn Tp. Phan Rang - Tháp Chàm và các huyện Ninh Sơn, Ninh Phước, Thuận Nam, Bác Ái; phối hợp với Tập đoàn T&T Group tặng 500 suất quà (1 triệu đồng/suất) cho các hộ nghèo, người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19 tại các xã Phước Ninh, Phước Minh, Phước Nam (Thuận Nam) và Vĩnh Hải (Ninh Hải) với tổng trị giá 500 triệu đồng… Hay như tấm lòng thơm thảo của chị Nguyễn Thị Trúc Phương (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) miễn tiền thuê nhà tháng 4 cho những người ở trọ; Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Thị Thanh Nhị, chị Phạm Hoàng Anh và rất nhiều những tấm lòng thơm thảo khác đã vận động trao tặng nhiều suất quà giúp người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn vượt qua đại dịch và ảnh hưởng của khô hạn.

Không chỉ trong dịch COVID-19 và khô hạn mà từ nhiều năm qua, những việc làm tử tế, xuất phát từ lòng yêu thương, đùm bọc, chia sẻ giữa người với người đã được các cơ quan, đơn vị, nhà hảo tâm triển khai, nhân rộng, góp phần giúp đỡ những mảnh đời yếu thế vươn lên trong cuộc sống, tô thắm truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam. Bên cạnh các hoạt động kể trên các tổ chức, đoàn thể, nhà hảo tâm trong tỉnh còn duy trì triển khai hiệu quả hoạt động “đỡ đầu” trợ giúp hằng tháng, hằng quý cho người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đơn cử như Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Phước Dân (Ninh Phước) duy trì đỡ đầu 2 cụ già mù, đơn thân ở khu phố 1 với số tiền 300.000 đồng/người/tháng. Đoàn phường Kinh Dinh (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) hỗ trợ định kỳ cho 1 gia đình thân nhân liệt sỹ số tiền 200.000 đồng/tháng, 10 kg gạo/tháng cho 1 gia đình thanh niên chậm tiến; đồng thời, duy trì vận động nhà hảo tâm hỗ trợ hằng tháng cho 2 học sinh có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền 7,2 triệu đồng/năm và 3 cụ già neo đơn với tổng số tiền 7,2 triệu đồng/năm. Các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ Tp. Phan Rang - Tháp Chàm nhận đỡ đầu 20 gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn; phối hợp với Đồn Biên phòng Đông Hải duy trì đỡ đầu 5 học sinh nghèo thuộc các phường ven biển số tiền 500.000 đồng/học sinh/tháng đến khi kết thúc chương trình THPT…

Những suy nghĩ, việc làm tốt đẹp, thiết thực ấy chính là sự tử tế xuất phát từ trái tim mỗi người. Mong rằng, khi thời điểm Giao thừa qua đi, một năm mới bắt đầu, những câu chuyện, việc làm tử tế ấy sẽ tiếp tục nhân lên mỗi ngày để tình người tiếp tục lan tỏa, sưởi ấm những mảnh đời bất hạnh, thắt chặt mối quan hệ đoàn kết, hướng đến xây dựng một xã hội văn minh, tốt đẹp hơn.