Nghề làm đũa ở Tân Sơn

Nghề làm đũa ở thị trấn Tân Sơn (Ninh Sơn) đã nổi tiếng từ rất lâu. Đũa ở đây được nhiều người ưa chuộng và tin dùng vì sản phẩm đẹp và bền. Ngày nay nghề làm đũa ở Tân Sơn ngày càng phát triển, trở thành nghề ăn nên làm ra, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ gia đình.

Đũa mun Tân Sơn

Nếu ai đến Tân Sơn hôm nay hỏi về nghề làm đũa, đặc biệt là đũa mun thì không ai là không biết. Bởi nghề làm đũa mun đã có vào những năm thập niên 80 của thế kỷ XX, thời đó đũa gỗ mun Tân Sơn đã được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng vì vẻ đẹp và chất lượng của nó. Đũa gỗ mun ở đây nổi tiếng đến mức những gia đình khá giả đều tìm mua và chỉ dùng trong những bữa tiệc gia đình đãi những vị khách quý mà thôi.

Đũa gỗ mun Tân Sơn để càng lâu càng lên nước bóng rất đẹp, đó là đặc điểm đặc biệt để người tiêu dùng ưa chuộng. Trải qua hàng chục năm phát triển và thay đổi, khi những rừng gỗ mun cạn kiệt thì người làm đũa ở đây đã tạo ra sản phẩm mới được làm từ những nguồn cây khác nhau mà vẫn đảm bảo được mẫu mã và chất lượng. Đặc biệt là đũa làm từ cây dừa, tuy nhiên để có đủ nguyên liệu đáp ứng cho nhu cầu sản xuất, người làm đũa ở Tân Sơn đã đến các tỉnh lận cận để tìm mua những cây dừa đủ tiêu chuẩn để làm đũa, đây cũng là sản phẩm rất độc đáo và được nhiều người yêu thích hiện nay.

Nghề làm đũa mang lại giá trị truyền thống và nét văn hóa
đặc sắc của vùng đất Tân Sơn

Duy trì và phát triển

Ngày nay, cùng với sự phát triển của các nghề truyền thống khác thì nghề làm đũa ở Tân Sơn đã thay đổi để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của khách hàng về chất lượng sản phẩm, bao bì đẹp… Vào những ngày cuối năm các cơ sở sản xuất đũa ở đây luôn tất bật sản xuất nhằm đáp ứng thị trường Tết. Chị Huỳnh Thị Phương Trâm, chủ Cơ sở đũa Hương Giang, ở khu phố 2, thị trấn Tân Sơn chia sẻ: Vào dịp tết Tân Sửu 2021 nhu cầu mua sắm của khách hàng có tăng nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên số lượng khách hàng năm nay giảm so với các năm trước. Nghề làm đũa tuy vất vả cộng thêm ảnh hưởng dịch bệnh, giãn cách xã hội, có thời điểm phải đóng cửa xưởng, nhưng chị Trâm vẫn quyết tâm bám trụ, xây dựng lại sau dịch. Nhờ làm đũa mà kinh tế gia đình hiện đã ổn định và giải quyết được nhiều lao động tại địa phương với thu nhập từ 3 đến 4 triệu đồng/tháng.

Để làm ra những đôi đũa đẹp thì người làm đũa ở đây phải trải qua nhiều công đoạn, quan trọng nhất vẫn là nguồn nguyên liệu từ những thanh gỗ lớn sẽ được người làm đũa cưa xẻ nhỏ ra theo đúng kích cỡ của chiếc đũa và đưa vào máy tiện cho ra sản phẩm thô. Sau đó, người thợ sẽ chà nhám để đũa nhẵn mịn, rồi mang đi khử trùng, nhuộm, sấy, phơi, cuối cùng là khâu đóng gói và cho ra thành phẩm. Đũa Tân Sơn tuy đơn giản nhưng bền, mang lại sự thoải mái khi sử dụng hàng ngày, mang đậm những giá trị văn hóa tại địa phương. Đặc biệt, đũa được sơn bằng sơn ta nên sẽ rất bóng mà đảm bảo an toàn sức khỏe cho người sử dụng. Bên cạnh người làm đũa sử dụng các loại gỗ từ các nhánh cây lớn thì việc sử dụng gỗ dừa để làm đũa được xem là nét độc đáo, vì gỗ dừa có các họa tiết đẹp và tự nhiên. Việc lựa chọn gỗ dừa cũng khá công phu, những cây dừa được sử dụng để làm đũa có tuổi thọ từ 60 năm trở lên và càng già càng tốt.

Người dân cưa cây dừa để làm đũa. Ảnh: Phan Bình

Việc phát triển nghề làm đũa không những giúp người dân thay đổi cuộc sống mà còn mang đậm nét văn hóa truyền thống đặc trưng của làng nghề nơi đây. Tuy nhiên, hiện nghề làm đũa ở Tân Sơn cũng gặp không ít khó khăn khi nguồn nguyên liệu ngày càng khan hiếm và có giá nhập cao, nhưng thị trường đòi hỏi sản phẩm làm ra luôn phải đạt chuẩn cao, đây là một thử thách rất lớn đối với người làm đũa.

Tiếng máy cắt gỗ, bào đũa pha lẫn mùi nồng của gỗ và những tiếng cười của các chị em đang đóng gói sản phẩm, báo hiệu một cái Tết đủ đầy từ nghề làm đũa. Điều đó, đã mang lại giá trị truyền thống và nét văn hóa đặc sắc của vùng đất Tân Sơn, tuy mộc mạc nhưng rất chân thành.