Nghề chơi lắm công phu
Nghệ thuật bonsai là dùng kỹ thuật để tạo tác ra một một cây cảnh mang dáng dấp cổ thụ thu nhỏ. Để tạo dáng một cây bonsai, người chơi mất khoảng từ 5 năm trở lên, trong đó đòi hỏi sự khéo léo trong khâu tạo dáng, uốn cành, đặc biệt cây mà có bộ gốc và rễ đẹp thì sẽ có giá trị hơn và trong nghệ thuật chơi bonsai, lá cây được người chơi tìm cách thu nhỏ, càng nhỏ càng hay. Theo anh Huỳnh Kim Sơn, người chơi bonsai ở thị trấn Phước Dân (Ninh Phước), cho biết: Một cây cảnh bonsai “độc” phải có đầy đủ các yếu tố “Cổ - kỳ - mỹ”. “Cổ” ở đây là lâu năm, ý chỉ cây cảnh cổ thụ; “Kỳ” là kỳ lạ, kỳ công và kỳ thú; “Mỹ” là vẻ đẹp riêng của cây cảnh. Ở tỉnh ta thì chủng loại cây để chơi bonsai rất nhiều như: linh sam, sam núi, sơn liễu… Bất kỳ cây nào cũng có thể làm bonsai được, dưới bàn tay của các nghệ nhân thì họ sẽ “biến” cây tự nhiên thành cây cảnh bonsai, tùy vào cảm nhận của các nghệ nhân” để tạo dáng.
Anh Huỳnh Kim Sơn, ở thị trấn Phước Dân (Ninh Phước) tỉa lá cho tác phẩm
“Hoàng Anh thượng sơn mộc”.
Cây bonsai có 4 dáng cơ bản: dáng trực (thẳng), dáng hoành (ngang), dáng khuynh (xiêu) và dáng huyền (đổ xuống). Tuy nhiên, từ 4 dáng cơ bản, người chơi có thể tạo tác thêm các dáng như trực lắc, thác đổ, gió lùa… Đặc biệt, độc đáo của việc chơi cây cảnh bonsai là ngoài tạo hình người chơi còn tạo được sự hòa quyện âm - dương. Đó là lũa của phần thân cây đã chết khô hóa gỗ, tượng trưng cho phần âm, những chồi non và lá sẽ tượng trưng cho phần dương, mang thông điệp sức sống vươn lên mãnh liệt của thiên nhiên, tạo hóa của bonsai, tùy vào cách cảm nhận mà mỗi người chơi sẽ có cách tạo dáng cây khác nhau. Cho nên, bonsai là thú vui không có điểm kết thúc, mỗi tác phẩm bonsai là câu chuyện, truyền tải một thông điệp, đến với người thưởng thức.
Ngoài hoa mai vàng, hoa cúc,… thì cây bonsai có thể chơi được quanh năm, trong khi mai vàng chỉ chơi được trong dịp Tết. Những cây bonsai có kích thước nhỏ có thể trang trí trên bàn làm việc hay những nơi có diện tích nhỏ. Để trang trí Tết, các nghệ nhân còn tạo dáng bonsai các loại cây ăn quả như: khế, ổi, cóc, sung… Các loại cây có quả này thường thu hút người chơi vì tạo sự sung túc, phát tài cho gia chủ, có thể làm quà tặng cho bạn bè hoặc người thân.
Món quà ý nghĩa dịp Tết
Cây cảnh bonsai không chỉ mang lại giá trị kinh tế, mà còn đem đến giá trị tinh thần. Vào dịp đầu xuân, những cây như: Lộc vừng bonsai, mai chiếu thủy bonsai, mai vàng bonsai… thường được nhiều người mua làm quà tặng bạn bè, người thân với mong muốn, mang lại sự may mắn, tài lộc đầy ý nghĩa.
Vì thế, những năm gần đây, các loại cây bonsai đang được thị trường đón nhận, nhất là vào thời điểm cuối năm, khá nhiều khách hàng lựa chọn làm quà Tết. Bên cạnh nhiều mặt hàng đắt đỏ được người tiêu dùng chọn lựa làm đồ trang trí nhà cửa dịp Tết hay quà biếu tặng thì cây bonsai cũng đang tạo nên cơn “sốt” với các thế dáng mới lạ và đẹp và bởi ưu điểm ít tốn diện tích, giá cả phải chăng.
Mặc dù, là người mới “tập chơi” bonsai được 5 tháng, nhưng anh Đinh Thắng, phường Đài Sơn (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) cho biết, thường mọi năm tôi hay mua các chậu hoa cúc, hoa mai hoặc cây kim tiền… nhưng Tết năm nay, tôi muốn lựa mua các cây bonsai về để chưng và đi tặng anh em bạn bè vì ngoài việc nó có giá trị thẩm mỹ cao thì còn biểu hiện cho sự an khang, thịnh vượng cho gia chủ. Sau khi chơi Tết thì mình vẫn trồng và tạo dáng theo sở thích được.
Mỗi khi Tết đến, xuân về, còn gì tao nhã hơn khoảnh khắc thư thái, bên ấm trà cùng gia đình trong không khí ban mai se lạnh ngồi ngắm nhìn gốc bonsai căng tràn nhựa sống của hoa, lá mùa xuân.
Lê Cường