Tuy nhiên, Dự án môi trường bền vững các thành phố duyên hải - Tiểu dự án Tp. Phan Rang - Tháp Chàm (Dự án môi trường thành phố) hiện đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, tiến độ thi công và giải ngân rất chậm. Để đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành kịp thời hạn của dự án theo mục tiêu đề ra, cần phải có giải pháp quyết liệt và hiệu quả trong thời gian tới.
Dự án môi trường Tp. Phan Rang - Tháp Chàm với 14 hạng mục, có tổng mức đầu tư trên 1.960 tỷ đồng (vốn ODA của Ngân hàng Thế giới (WB) 1.680 tỷ đồng và vốn đối ứng trong nước), chia làm 2 giai đoạn, triển khai từ năm 2017 đến 2022. Tuy nhiên, qua hơn nửa chặng đường thực hiện dự án, nhiều hạng mục hiện vẫn còn dang dở và “dậm chân tại chỗ”, tỷ lệ giải ngân vốn kế hoạch năm 2020 chỉ đạt dưới mức 30%, một số hạng mục có khả năng không kịp thực hiện trước khi thời hiệu của dự án bị đóng lại vào cuối năm 2022.
Một trong những khó khăn lớn nhất của dự án đó là công tác thu hồi đất và giải phóng mặt bằng để thi công các hạng mục dự án. Theo số liệu của Ban Xây dựng năng lực và thực hiện các dự án ODA ngành nước (BQL dự án), trong tổng số 1.006 hộ dân bị ảnh hưởng của dự án, mới chỉ có hơn 15% số hộ nhận tiền đền bù và giao mặt bằng. Ngay cả những gói thầu đã khởi công thực hiện 1 năm nay như hẻm 105, Đường 21 Tháng 8, các nhà thầu vẫn chưa có đủ mặt bằng sạch để thi công. Chính vì vậy, dự án này mới chỉ triển khai được 300 m phần nền đường, trong tổng chiều dài toàn tuyến gần 1 km và hiện công trình không thể thi công do không có mặt bằng. Nhiều hạng mục dự án khác cũng đang trong tình trạng tương tự, triển khai rất ì ạch với tiến độ hầu hết các phần việc đều bị trễ so với kế hoạch đề ra.
Thi công hạ tầng khu tái định cư Phan Đăng Lưu, một trong những hợp phần
quan trọng của dự án nhằm bố trí đất ở cho người dân trong diện di dời giải tỏa.
Không chỉ chậm trong công tác giải phóng mặt bằng thi công, mà trong quá trình đánh giá đấu thầu, phê duyệt ký hợp đồng các gói thầu cũng bị chậm. Đặc biệt 2 hợp đồng quan trọng nhất là tư vấn thiết kế giai đoạn 2 và tư vấn giám sát thi công đã kéo dài đấu thầu đến gần một năm, làm ảnh hưởng đến tiến độ chung. Theo đánh giá của đoàn công tác Ngân hàng Thế giới, Ban Quản lý dự án hạn chế về năng lực đánh giá đấu thầu, xử lý các tồn tại chưa kịp thời, dẫn đến nhiều gói thầu chậm được ký giao thầu; có gói thầu phải điều chỉnh thiết kế, gia hạn nhiều lần, rất mất thời gian. Đơn cử như gói thầu cải tạo kênh Đông Nam, Tấn Tài, cống chung cấp 3 giai đoạn chờ Bộ Xây dựng thẩm định cũng đã bị chậm khoảng 10 tháng. Ở giai đoạn 2 (phần còn lại chiếm 70% tổng mức đầu tư dự án), hiện còn 6 hợp đồng chưa đấu thầu.
Ông Lê Duy Hưng, Trưởng đoàn công tác số 6, Ngân hàng Thế giới cho biết: Dự án này đang tiếp tục bị chậm tiến độ nhiều hơn so với kế hoạch, tỷ lệ giải ngân thấp, kết quả thực hiện từng hạng mục chưa đạt yêu cầu đề ra. Nguyên nhân khách quan do áp dụng Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công dẫn đến việc phân bổ vốn trung hạn bị chậm 18 tháng; phần do ảnh hưởng dịch COVID-19 và tình hình mưa bão. Nhưng nguyên nhân chủ quan là do công tác đền bù, giải phóng mặt bằng quá chậm. Mặt khác, khâu thiết kế, đấu thầu và công tác quản lý, sự phối hợp giữa các bên liên quan với các ban, ngành chưa đạt yêu cầu đề ra. So với các tỉnh khác cùng thực hiện dự án này, tiến độ thực hiện tại Ninh Thuận bị chậm hơn rất nhiều, ảnh hưởng chung đến cả dự án. Với tình hình này, Tiểu dự án Tp. Phan Rang - Tháp Chàm sẽ không thể kết thúc các hạng mục đã thiết kế vào thời điểm đóng dự án, trong khi đó đây là dự án không được phép gia hạn.
Nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, giải ngân kịp thời nguồn vốn, UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án cùng các đơn vị sở, ngành liên quan tăng cường sự phối hợp trong giải quyết các vướng mắc, tồn tại, sớm tổ chức đấu thầu các gói hợp đồng còn lại. Trong quá trình thẩm định hồ sơ, cần có sự ưu tiên, linh hoạt để rút ngắn thời gian. Mặt khác, đẩy nhanh tiến độ thu hồi, giải phóng mặt bằng, đảm bảo đủ điều kiện bàn giao mặt bằng thi công công trình; huy động các nguồn lực, tạo điều kiện cao nhất để thi công đạt tiến độ. Với các nhà thầu không đủ điều kiện, năng lực, cần có biện pháp xử lý kiên quyết theo điều khoản hợp đồng đã ký kết.
Ông Đỗ Khoa Danh, Giám đốc Ban xây dựng năng lực và thực hiện các dự án ODA ngành nước cho biết: Do nhân lực hạn chế, vừa yếu lại vừa thiếu, trong khi đó chi phí Ban Quản lý dự án thấp, lương thấp nên không thể tuyển được cán bộ kỹ thuật có có đủ năng lực để quản lý dự án. Do đó trong thời gian tới cần phải cải tổ bộ máy Ban năng lực, tăng cường chuyên gia hỗ trợ, cải thiện tiền lương, điều chỉnh tăng chi phí Ban Quản lý dự án. Mặt khác UBND tỉnh cần có sự phân công nhiệm vụ rõ ràng đối với từng đơn vị sở, ngành, địa phương, từ công tác quản lý thực hiện dự án, đến công tác tổ chức triển khai bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư. Việc thực hiện công tác giải phóng mặt bằng sẽ không thể đạt theo yêu cầu, nếu không có sự chỉ đạo mạnh mẽ từ UBND tỉnh và sự phối hợp chặt chẽ các các biện pháp đồng bộ, quyết liệt của các sở, ngành, các bên liên quan.
Theo kế hoạch, vào tháng 3-2021, đoàn công tác các giám sát giữa kỳ của Ngân hàng Thế giới sẽ đánh giá toàn diện mọi mặt thực hiện dự án. Với các hạng mục không đạt được các kết quả đề ra, sẽ tiến hành tái cơ cấu và có thể hủy vốn dự án, do đó các cấp, các ngành và nhất là Ban Quản lý dự án cần có giải pháp khả thi, quyết liệt, đồng bộ với quyết tâm cao nhất để tăng tốc, đưa dự án “về đích” kịp thời, đáp ứng kỳ vọng của người dân và mục tiêu thực hiện của dự án quan trọng này.
Anh Tuấn