Kết quả đáng ghi nhận nhất trong năm qua, đó là lĩnh vực sản xuất công nghiệp (CN) với việc hoàn thành đưa vào vận hành thêm 14 dự án điện mặt trời đã đóng góp phần lớn năng lực sản xuất của ngành nói riêng và GRDP của tỉnh nói chung. Qua đánh giá, chỉ số sản xuất CN cả năm tăng mạnh so với cùng kỳ với 51,8%, đây là mức tăng cao nhất từ trước đến nay. Trong đó, tăng vượt bậc mang tính đột phá là nhóm ngành sản xuất và phân phối điện với 163,5%, chiếm 36,3% cơ cấu nội bộ ngành và tăng hơn 20% so với năm 2019. Đây cũng là lĩnh vực đóng góp chủ yếu tăng trưởng ngành CN, góp phần tạo động lực chủ yếu tăng trưởng kinh tế của tỉnh; giá trị sản xuất CN năm 2020 ước đạt 8.884,8 tỷ đồng, tăng 30,2%, đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất trong 10 năm qua.
Tiếp tục duy trì đà tăng trưởng khá đó là CN khai khoáng đạt 359,4 tỷ đồng, tăng 30%; CN sản xuất và phân phối điện đạt 3.223,9 tỷ đồng, tăng 196,8%, ngành CN cung cấp nước và xử lý rác thải đạt 227,2 tỷ đồng, tăng 22,6%. Trong năm, tuy nhóm ngành chế biến, chế tạo có tỷ trọng giảm so với năm 2019 do chịu tác động ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhưng đây vẫn là nhóm ngành dẫn đầu đạt giá trị 5.074,3 tỷ đồng chiếm 57,1% cơ cấu ngành. Về sản phẩm CN chủ yếu của tỉnh cũng có sự chuyển dịch mạnh. Trong năm 2020 có 11 sản phẩm CN tiếp tục duy trì tăng trưởng khá, 3 sản phẩm đạt xấp xỉ cùng kỳ. Cụ thể như sản phẩm muối biển, bột rau câu, tôm động lạnh, vật liệu xây dựng, khăn bông, bao bì giấy, điện sản xuất và thương phẩm đều tăng trưởng mạnh, do các DN chủ động nguồn nguyên liệu, phát huy năng lực đầu tư mới trong sản xuất.
Lĩnh vực năng lượng tái tạo tiếp tục tăng trưởng.
Lĩnh vực thương mại, xuất nhập khẩu, tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng nhờ có sự chỉ đạo kịp thời của Sở Công Thương trong năm 2020 vẫn thực hiện đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Qua công tác tuyên truyền chủ trương chính sách, các DN ngày càng nhận thấy rõ cơ hội và thách thức trong hội nhập. Tỉnh đã thu hút, hình thành chuối các siêu thị mini, cửa hàng thực phẩm an toàn trên địa bàn các huyện, thành phố góp phần tạo bộ mặt đô thị văn minh, đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng. Toàn tỉnh hiện có 35 cửa hàng và 2 siêu thị mini (gồm 25 cửa hàng Bách hóa Xanh và 10 cửa hàng Vinmart+) tăng 17 cửa hàng so với năm 2019. Nhằm đẩy mạnh xúc tiến thương mại, Sở Công Thương đã phối hợp tổ chức các hội chợ thương mại, mở nhiều gian hàng thu hút các DN trong và ngoài tỉnh tham gia; hỗ trợ nhiều lượt DN, đơn vị hợp tác xã tham gia quảng bá sản phẩm ở ngoài tỉnh; tổ chức các hội nghị kết nối cung - cầu tại các tỉnh bạn, qua đó đã hỗ trợ cho DN trong tỉnh tham gia ký 14 biên bản ghi nhớ hợp tác kinh doanh với các tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận, TP. Hồ Chí Minh... Tỉnh cũng đã tổ chức 6 phiên chợ hàng Việt tại các huyện và Phiên chợ Nông sản Phan Rang nhằm hỗ trợ DN, các đơn vị sản xuất tháo gỡ khó khăn do dịch COVID-19, kích cầu tiêu dùng nội địa, thúc đẩy sản xuất. Nhằm bình ổn hàng hóa nhân dịp Tết, đảm bảo ổn định giá cả tại các các điểm bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 Sở Công Thương đã chỉ đạo và phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức nhiều chuyến hàng bình ổn, các chuyến hàng lưu động cung cấp các hàng hóa, nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu của người dân. Trong điều kiện ứng phó với dịch bệnh, Sở Công Thương cũng đã tham mưu kế hoạch triển khai dự trữ, cung ứng hàng hóa, lương thực thực phẩm thiết yếu cho người dân. Đẩy mạnh thực hiện các đề án khuyến công đến các cơ sở CN nông thôn, thu hút được sự quan tâm của cơ sở, DN.
Trong năm, nhìn chung hoạt động ngành CN tiếp tục duy trì tăng trưởng cao, khâu đột phá về năng lượng có chuyển biến mạnh mẽ, nhiều dự án điện gió, điện mặt trời đẩy nhanh tiến độ; dự án điện khí LNG Cà Ná được bổ sung vào quy hoạch điện VII đang lập thủ tục chọn nhà đầu tư; khởi công xây dựng Cảng biển tổng hợp Cà Ná, dự án điện mặt trời 450MW kết hợp đầu tư hạ tầng truyền tải 500kV và các dự án hạ tầng truyền tải khác được tập trung đầu tư hoàn thành, đã giải quyết việc giảm phát các dự án năng lượng trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được một số lĩnh vực do Sở Công Thương quản lý còn gặp khó khăn do tác động của dịch COVID-19, hạn hán làm giảm tỷ lệ tăng trưởng; một số DN sản xuất phải hoạt động cầm chừng, lượng hàng tồn kho tương đối lớn, nhất là hàng may mặc. Một số sản phẩm như nhân hạt điều, bia lon, sản phẩm mỳ vốn có giá trị gia tăng cao, nay bị hạn chế thị trường nên sản lượng sản xuất đạt thấp. Về quy mô sản xuất sản phẩm đặc thù tỉnh còn nhỏ lẻ, manh mún, phân tán ảnh hưởng đến tổ chức liên kết chuối giá trị, sức cạnh tranh. Các DN của tỉnh chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, năng lực tài chính còn hạn chế, chậm đổi mới công nghệ chưa tạo ra sản phẩm chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao; một số dự án đầu tư mới chậm đưa vào hoạt động nên chưa tạo năng lực mới tăng thêm, ảnh hưởng chung đến tăng trưởng toàn ngành.
Năm 2021 Sở Công Thương đề ra mục tiêu phấn đấu đưa giá trị sản xuất CN đạt 10.400 tỷ đồng (tăng 17-18%); tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 27.500 tỷ đồng (tăng 15-16%); xuất khẩu đạt 100 triệu USD (tăng 11%). Để thực hiện đạt chỉ tiêu trên Sở Công Thương đề ra mục tiêu tập trung đẩy mạnh CN năng lượng tái tạo để khai thác và phà phát huy lợi thế kinh tế của tỉnh; đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa có lợi thế và phát triển hoạt động thương mại phù hợp với nhu cầu thị trường, khuyến khích mở rộng phát triển các hình thức thương mại văn minh, hiện đại, đáp ứng nhu cầu hàng hóa phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân.
Anh Tuấn