Măng tây xanh (MTX) là 1 trong 12 sản phẩm đặc thù, có lợi thế cạnh tranh của tỉnh, được bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận (NHCH) năm 2018 đã góp phần đem lại thay đổi về thị trường, hình thức tổ chức sản xuất, diện tích canh tác và sản lượng tiêu thụ ngày càng được mở rộng. Đơn vị chủ sở hữu NHCN là Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã chọn Công ty TNHH Linh Đan Ninh Thuận áp dụng thí điểm mô hình liên kết phát triển sản phẩm mang NHCN theo chuỗi giá trị.
Thực hiện mô hình liên kết MTX, doanh nghiệp (DN) được hỗ trợ xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu cho sản phẩm, xúc tiến chương trình marketing. Với những hoạt động thiết thực, chỉ sau thời gian ngắn thực hiện mô hình, danh tiếng và chất lượng sản phẩm được nâng cao, khuyến khích nông dân mở rộng diện tích trồng từ gần 160 ha vào năm 2019 tăng lên khoảng 300 ha hiện nay. Kết quả mang lại rất khả quan, hộ trồng 1 ha sau khi trừ chí phí thu lãi từ 200 đến 300 triệu đồng/năm, đặc biệt có hộ thu lãi 600 triệu đồng/năm. Ngành chức năng, các địa phương có nhiều chương trình hoạt động giúp nông dân chuyển đổi canh tác như hỗ trợ đầu tư máy móc, nguyên vật liệu, cây giống. DN, cơ sở sản xuất hỗ trợ nông dân trong chuyển giao kỹ thuật vào sản xuất, đưa các sản phẩm MTX vào một số siêu thị, cơ sở bán lẻ ở Thủ đô Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và xuất khẩu.
Theo ông Phạm Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, tham gia vào chuỗi giá trị MTX đưa lại lợi ích cho các bên. Đối với cá nhân, DN, tiết kiệm được khoản chi phí liên quan đến vận chuyển và lưu kho; sản phẩm cung ứng cho thị trường có giá trị cao hơn so với phân phối thông thường; đồng thời, có thông tin cần thiết để hoàn thiện chuỗi liên kết sản phẩm trong tương lai cũng như việc áp dụng chiến lược marketing nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, từ đó tạo ra lợi thế cạnh tranh. Đối với người tiêu dùng, sử dụng các sản phẩm của DN có chuỗi liên kết biết được những thông tin mà mình dự định mua, tránh sử dụng nhầm những sản phẩm kém chất lượng.
Tại Hội thảo về mô hình liên kết phát triển sản phẩm mang NHCN “Măng tây Ninh Thuận” theo chuỗi giá trị do Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức vừa qua, PGS.TS. Lê Thị Nam Giang, cố vấn cao cấp Công ty TNHH Sở hữu trí tuệ AGL cho rằng: Ninh Thuận có những thuận lợi khi thực hiện chuỗi liên kết MTX nhờ điều kiện tự nhiên thuận lợi cho việc canh tác. Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các chính sách ưu đãi thu hút DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, cũng có những khó khăn nhất định liên quan đến chất lượng sản phẩm, cũng như sự kiểm tra, giám sát của các bên tham gia vào chuỗi liên kết MTX. Đối với người dân, đa số các hộ sản xuất nhỏ, lẻ, manh mún. Trong khi đó, mặc dù DN đóng vai trò chủ đạo nhưng chỉ quan tâm một phần nhỏ trong chuỗi liên kết và việc trao đổi thông tin chỉ mới dừng lại ở khâu thu mua, dẫn đến hạn chế khi xâm nhập, phát triển thị trường lớn. Sản phẩm MTX chủ yếu chỉ dừng ở mức xuất thô, nên giá trị chưa cao.
Cũng theo PGS.TS. Lê Thị Nam Giang, để phát triển chuỗi liên kết MTX, DN phải tăng cường hơn nữa các chương trình đào tạo, hướng dẫn người dân khi canh tác MTX đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Mở rộng sản xuất MTX thông qua việc tìm hiểu nhu cầu của khách hàng tại các thị trường lớn; hoàn thiện trang mạng xã hội mang chiến lược nhằm đảm bảo tính truyền thông và khả năng nhận diện thương hiệu của MTX. Về phía cơ quan quản lý nhà nước, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền về khả năng phát triển của sản phẩm trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế; tập huấn nâng cao trình độ cho cán bộ khi giao nhiệm vụ quản lý và phát triển chuỗi liên kết là điều cần được quan tâm, chú trọng.
Thúc đẩy chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp được xem là giải pháp quan trọng để nâng cao giá trị sản phẩm một cách bền vững. Trong bối cảnh nông nghiệp của tỉnh đang có hướng phát triển mạnh mẽ, việc cơ cấu lại nông nghiệp gắn với phát triển chuỗi giá trị MTX là cần thiết.
Anh Tùng