Triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) năm 2020 trong bối cảnh có nhiều thuận lợi, khó khăn, thách thức đan xen, nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; tinh thần chủ động, vượt khó, của các ngành, địa phương; sự nỗ lực của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, tình hình KT-XH của tỉnh ổn định, có bước chuyển biến tích cực; tạo nhiều dấu ấn trong tăng trưởng kinh tế. Đây là tín hiệu lạc quan, tạo đà phát triển cho năm 2021- năm đầu tiên đưa Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025 vào cuộc sống.
1. Năm 2020, mặc dù gặp “khó khăn kép” vừa bị hạn gay gắt, vừa bị tác động của đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng sâu rộng đến phát triển KT-XH của tỉnh, nhưng với tinh thần vượt khó, phát huy nội lực, UBND tỉnh đã bám sát và triển khai kịp thời các chỉ thị, nghị quyết của Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh; chủ động triển khai đồng bộ 10 nhóm giải pháp chủ yếu, với 206 nhiệm vụ cụ thể, quyết liệt thực hiện “mục tiêu kép”, vừa bảo đảm mục tiêu phòng, chống đại dịch COVID-19 và ứng phó hiệu quả với hạn, vừa bảo đảm mục tiêu phát triển KT-XH, tình hình kinh tế có chuyển biến tích cực, kinh tế tăng trưởng cao, vượt mục tiêu đề ra. Trong tổng số 15 chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh giao, có 14/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Trong đó, kinh tế, có 5/5 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, với tốc độ tăng trưởng GRDP ước đạt 12,17%; GRDP bình quân đầu người đạt 60,7 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế có bước chuyển tích cực; nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 28,4%, tăng 0,67%; công nghiệp - xây dựng chiếm 34,9%, tăng 37,21%; khu vực dịch vụ chiếm 36,7%, tăng 2,08%. Qua phân tích của ngành chuyên môn, động lực chính giúp tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong năm 2020 là công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng 129,93% và ngành xây dựng tăng 15,46%, tạo thêm nhiều điểm sáng trong bức tranh kinh tế của tỉnh...
Tp. Phan Rang - Tháp Chàm trên đường phát triển. Ảnh: Thái Huy
2. Lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng ngành đã có nhiều giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả, nên kết quả sản xuất toàn ngành đạt 11.686 tỷ đồng, tăng 1,2% so với cùng kỳ. Trong đó nông, lâm nghiệp 4.728 tỷ đồng, giảm 6,3%, thủy sản 6.958 tỷ đồng, tăng 7%. Qua thống kê, diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt 68.600 ha, trong đó, cây lúa đạt 32.508,4 ha, giảm 26,7%; năng suất ước đạt 61,7 tạ/ha, tăng 2,4 tạ/ha, đạt sản lượng trên 200 ngàn tấn. Điểm đáng ghi nhận, sản lượng một số cây lâu năm có tăng so với năm trước, như: Nho đạt 26,3 nghìn tấn, tăng 3,8%; táo 36,2 nghìn tấn, tăng 2,7%; xoài 4,7 nghìn tấn, tăng 22,5%; bưởi 0,88 nghìn tấn, tăng 33,5%; điều 1,1 nghìn tấn, tăng 6,3%... đóng góp vào sự tăng trưởng chung của ngành. Riêng về thủy sản, tổng sản lượng ước đạt 128,4 nghìn tấn, tăng 3,3% so với năm 2019; trong đó, sản lượng hải sản khai thác ước đạt 118,7 nghìn tấn, tăng 4,5% so với năm trước; sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 9,7 ngàn tấn, giảm 9,6% so với năm trước. Trong chương trình xây dựng nông thôn mới, đến cuối năm, toàn tỉnh có 1 huyện Ninh Phước được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới và 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số lên 27/47 xã đạt chuẩn nông thôn mới, vượt chỉ tiêu so với kế hoạch Trung ương giao (25 xã); số tiêu chí bình quân đạt 16,5 tiêu chí/xã, vượt 1,31 tiêu chí so với chỉ tiêu Trung ương giao (15,19 tiêu chí/xã), vượt 7,4% so mục tiêu kế hoạch 5 năm và về đích trước một năm.
3. Điểm nhấn, tạo những gam màu sáng nổi bật trong bức tranh kinh tế của tỉnh, đó là ngành Công nghiệp có bước tăng trưởng cao, tổng giá trị sản xuất toàn ngành đạt 16.972 tỷ đồng, tăng 22,55% so với năm trước. Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng cao so với năm trước, như: Điện mặt trời tăng 147,8%; điện gió tăng 58,5%. Tính đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 32 dự án điện mặt trời, với tổng công suất 2.256,85MW đi vào hoạt động; về điện gió, có 3 dự án với công suất 229,5MW đi vào hoạt động; về thuỷ điện, có 3 dự án, với công suất 29,85MW đưa vào vận hành, nhờ vậy sản lượng điện sản xuất ước đạt 4.589 triệu kWh, tăng 65,5% so cùng kỳ, góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương. Theo báo cáo của UBND tỉnh, tổng thu ngân sách trong năm 2020 đạt trên 3.900 tỷ đồng, vượt 11,4% so với kế hoạch. Trong đó: Thu nội địa 2.700 tỷ đồng, đạt 100% dự toán; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 1.200 tỷ đồng, gấp 1,5 lần dự toán HĐND tỉnh giao.
Công nhân Công ty TNHH May Tiến Thuận thi đua lao động sản xuất. Ảnh: Văn Nỷ
4. Ngoài ra, năm 2020, cũng là năm đánh dấu sự phát triển và hoạt động khá hiệu quả của doanh nghiệp (DN) tỉnh nhà. Mặc dù bị ảnh hưởng đại dịch COVID-19, nhưng số DN thành lập mới tăng cả về số lượng và vốn đăng ký. Tính đến cuối tháng 12, có 647 DN thành lập mới, với số vốn đăng ký đạt 6.550 tỷ đồng, tăng 25,1% số DN và tăng 58,1% vốn đăng ký so cùng kỳ. Trong đó ở lĩnh vực sản xuất, phân phối điện phát triển mạnh, với 181 DN, số vốn đăng ký 3.512 tỷ đồng, tăng gấp 3,8 lần số DN và gấp 6,7 lần số vốn so cùng kỳ. Tổng số DN đang hoạt động đến nay có 3.664 DN, với số vốn đăng ký 67.325 tỷ đồng; bình quân trên địa bàn tỉnh có 6 DN/1.000 dân (so với cả nước 7,9 DN/1.000 dân). Đặc biệt, trong tình hình dịch COVID-19 đã có những tác động bất lợi đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của một số DN. UBND tỉnh đã có chỉ đạo các sở, ngành, địa phương đồng hành cùng DN, kịp thời có chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN. Trong đó riêng ngành Ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ và tạm thời giữ nguyên nhóm nợ cho 280 khách hàng, với dư nợ 344 tỷ đồng. Đến cuối năm, có 1.215 DN trên địa bàn tỉnh vay vốn, với dư nợ đạt 10.050 tỷ đồng, tăng 1.760 tỷ đồng, tăng 21,2% so với cuối năm 2019, qua đó tạo động lực cho các DN ổn định và mở rộng sản xuất kinh doanh, góp phần vào sự tăng trưởng chung của tỉnh.
5. Thêm dấu ấn nổi bật trong năm, đó là vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 25.760 tỷ đồng, vượt 9,6% so với kế hoạch, tăng 1,14 lần so với cùng kỳ. Đặc biệt nguồn vốn đầu tư của Tập đoàn Trung Nam vào đường dây 500 KV và Nhà máy Điện mặt trời Thuận Nam, công suất 450 MW, với giá trị đầu tư 12.000 tỷ đồng đã góp phần làm tăng vốn đầu tư của tỉnh so với năm 2019, qua đó cho thấy nền kinh tế của tỉnh dần phục hồi và có hướng phát triển trong thời gian tới.
Tuy nhiên qua phân tích và đánh giá chung, trong năm 2020, tuy tỉnh ta đạt được một số thành tựu nổi bật, tạo dấu ấn trong tăng trưởng kinh tế, nhưng vẫn còn một số khó khăn, hạn chế nhất định, cần có sự quyết tâm chính trị cao, thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp đột phá trên các lĩnh vực về năng lượng tái tạo, kinh tế biển, du lịch, nông nghiệp đặc thù ứng dụng công nghệ cao một cách quyết liệt hơn nữa để tạo động lực phát triển mọi mặt trong thời gian tới. Những kết quả đạt được trong năm 2020 còn có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần làm cho bức tranh kinh tế của tỉnh thêm khởi sắc, tạo đà phát triển để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH của tỉnh trong năm 2021.
Nhật Nguyên
Các chỉ tiêu phấn đấu năm 2021
- Tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 10-11%;
- GRDP bình quân đầu người 69-70 triệu đồng;
- Cơ cấu kinh tế: Nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 25-26%;
công nghiệp - xây dựng chiếm 36-37%; dịch vụ chiếm 37-38%;
- Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt khoảng 3.900 tỷ đồng;
- Tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 26.500 tỷ đồng
- Giảm tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều) 1,5-2%.
- Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 63,2%;
- Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế chiếm 91%;
- Tỷ lệ dân số nông thôn được cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 96%.
- Tỷ lệ che phủ rừng đạt 46,96%
Thành tựu kinh tế - xã hội năm 2020
- Tốc độ tăng trưởng GRDP ước đạt 12,17%;
- GRDP bình quân đầu người 60,7 triệu đồng;
- Cơ cấu kinh tế: Nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 28,4%; công nghiệp - xây dựng chiếm 34,9%; dịch vụ chiếm 36,7%;
- Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 3.900 tỷ đồng;
- Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 25.760 tỷ đồng
- Tỷ lệ hộ nghèo ước giảm 1,41%, riêng huyện Bác Ái giảm 5,5%;
- Giải quyết việc làm mới 17.383 lao động; đào tạo nghề cho 9.429 lao động;
- Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 91,37%;
- Tỷ lệ dân số nông thôn được cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 95%;
- Tỷ lệ che phủ rừng 46,8%