Không phải doanh nghiệp nào cũng được gia hạn nộp thuế TNDN

Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Quyết định số 21/2011/QĐ-TTg ngày 06/4/2011 về việc gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) của doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế năm 2011.

Để giúp cho các DN nắm rõ hơn về mục đích, điều kiện và đối tượng được hưởng gia hạn nộp thuế TNDN, Trang thông tin điện tử Cục Thuế tỉnh Ninh Thuận giới thiệu nội dung bài trả lời phỏng vấn của ông Nguyễn Văn Phụng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế - Bộ Tài chính trên Thời báo Tài chính về các nội dung có liên quan đến việc gia hạn nộp thuế TNDN theo Quyết định nêu trên..

• Thưa ông, mục đích của việc gia hạn nộp thuế TNDN cho các DN là gì?

- Trong thời gian gần đây, nhất là trong năm 2011, DN gặp nhiều khó khăn về vốn so với các năm trước (do lãi suất còn tương đối cao, quá sức chịu đựng của DNNNN). Vì vậy, Chính phủ đã đồng ý với đề xuất của Bộ Tài chính về gia hạn nộp thuế TNDN cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa với thời hạn 1 năm. Việc gia hạn nộp thuế là thể hiện sự quan tâm, chia sẽ của Chính phủ với DN trong bối cảnh khó khăn như hiện nay. Việc gia hạn nộp thuế lần này được coi như Chính phủ cho DN vay một khoản từ ngân sách mà không tính lãi. Đặc biệt, việc gia hạn nộp thuế sẽ kích thích DN nỗ lực vượt qua khó khăn, tìm hướng kinh doanh hiệu quả hơn.

• Tiêu chí nào xác định DN được gia hạn nộp thuế, thưa ông?

- DN được gia hạn nộp thuế TNDN là những DN hạch toán kế toán rõ ràng, minh bạch, đầy đủ về doanh thu, chi phí, nộp thuế theo kê khai và DN phải có lãi (DN không có lãi chưa phải nộp thuế). Theo đó, đại bộ phận DN nhỏ và vừa, siêu nhỏ sẽ được gia hạn nộp thuế. Số lượng DN được gia hạn nộp thuế phụ thuộc vào kê khai thuế của DN. Trên cơ sở đó mới xác định được cụ thể có bao nhiêu DN được gia hạn nộp thuế. Theo ước tính, số DN được gia hạn nộp thuế lần này chiếm khoảng 97% - 98% trong tổng số hơn 400 nghìn DN nhỏ và vừa, siêu nhỏ đang hoạt động với số thuế khoảng 7.000 tỷ đồng.

• Thưa ông, điểm khác biệt của việc gia hạn nộp thuế lần này so với việc gia hạn nộp thuế theo Nghị quyết số 30/NQ-CP (NQ 30) của Chính phủ?

- Điểm khác biệt của việc gia hạn nộp thuế lần này so với gia hạn nộp thuế theo NQ 30 của Chính phủ trước đây ở chỗ: không phải DN nhỏ và vừa nào cũng được gia hạn nộp thuế. Đối tượng gia hạn nộp thuế lần này là DN nhỏ và vừa theo quy định tại Nghị định số 56 ngày 30/6/2009 của Chính phủ về trợ giúp phát triển DN nhỏ và vừa. Đối tượng này không bao gồm DN kinh doanh bất động sản; DN hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, công ty tài chính, công ty chứng khoán; công ty xổ số kiến thiết; DN được xếp hạng I, hạng đặc biệt của các tập đoàn kinh tế; DN là các công ty tổ chức theo mô hình công ty mẹ - công ty con mà công ty mẹ không phải là DN nhỏ và vừa nắm giữ trên 50% vốn chủ sở hữu của công ty con; DN chủ yếu kinh doanh hàng hóa nhập khẩu thuộc diện hàng tiêu dùng không thiết yếu.

• Theo quy định, DN hoạt động nhiều ngành nghề, lĩnh vực nhưng số thuế được gia hạn không bao gồm số thuế tính trên phần thu nhập khác như: thu nhập từ kinh doanh bất động sản, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán. Vì sao, thưa ông?

Sở dĩ các khoản thu nhập này không được tính gia hạn nộp thuế vì các loại hình kinh doanh đó đã tự điều chỉnh, tự cân bằng được vốn để kinh doanh (trong khi quỹ cho việc gia hạn nộp thuế có hạn). Do đó, những đối tượng này sẽ không được ưu tiên như những DN khác có hoạt động trực tiếp sản xuất ra của cải vật chất. Hơn nữa, DN có thể hoạt động ở nhiều lĩnh vực, những lĩnh vực nào thuộc chủ trương điều hành kinh tế vĩ mô của Nhà nước thì không được gia hạn nộp thuế.

• Để việc gia hạn nộp thuế TNDN theo Quyết định của Thủ tướng sớm đến với DN, Bộ Tài chính đã chuẩn bị những văn bản hướng dẫn như thế nào, thưa ông?

Bộ Tài chính đã soạn thảo văn bản hướng dẫn gia hạn nộp thuế để sớm ban hành. Các văn bản hướng dẫn về gia hạn nộp thuế phải thực sự cụ thể, chi tiết giúp DN tự làm, tự kiểm và tự biết để thực hiện. Cho đến nay, các văn bản hướng dẫn đã chuẩn bị sẵn sàng. Nhưng do Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật yêu cầu trình tự, thủ tục phải qua rất nhiều bước, nên không thể ban hành ngay. Tuy nhiên, trong khi chưa có văn bản hướng dẫn, Bộ Tài chính sẽ hướng dẫn cho DN thực hiện theo dự thảo Thông tư để DN chuẩn bị thực hiện.

(Theo Cục Thuế tỉnh Ninh Thuận)