Ninh Hải: Khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế biển

Huyện Ninh Hải có 58 km chiều dài bờ biển, với nhiều bãi biển đẹp và có Đầm Nại diện tích trên 800 ha; có Quốc lộ 1A đi qua, kết nối với tuyến đường ven biển, nên tương đối thuận tiện về giao thông. Với địa hình vừa có núi, có biển, nhiều điểm du lịch nổi tiếng; có cảng biển, khu đóng tàu và hoạt động sản xuất muối nên được coi là địa phương có tiềm năng để phát triển kinh tế biển...

Theo đánh giá của UBND huyện, trong giai đoạn 2016-2020, nhất là trong năm 2020, cùng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và hỗ trợ kịp thời của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các sở, ngành; Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Ninh Hải đã tập trung khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế của địa phương, đưa hoạt động kinh tế biển từng bước phát triển, đóng góp chung vào sự tăng trưởng của huyện theo hướng nhanh và bền vững..

Một góc Đầm Nại thuộc thị trấn Khánh Hải (Ninh Hải). Ảnh: Phan Bình

Điểm ghi nhận trước tiên, cũng là một trong những thế mạnh của huyện đang được tập trung đầu tư, khai thác và có hướng phát triển trong thời gian tới, đó là, lĩnh vực nuôi trồng và khai thác thủy - hải sản. Về nuôi trồng thủy sản, đến nay, toàn huyện có diện tích bình quân hằng năm trên 600 ha; trong đó, diện tích nuôi tôm thương phẩm 500 ha/năm, đạt sản lượng 2.100 tấn/năm; diện tích nuôi cá, cua, ốc hương, hàu… trên 100 ha, sản lượng trên 500 tấn/năm. Về sản xuất giống thủy sản, địa phương đang tập trung đầu tư và có hướng phát triển mạnh, với 316 cơ sở sản xuất, sản lượng bình quân 19,6 tỷ post/năm. Riêng trong năm 2020, sản lượng tôm giống đạt 27,2 tỷ post/6,5 tỷ post, đạt 418,46% kế hoạch năm, tăng 36% so với cùng kỳ. Lĩnh vực khai thác hải sản, năng lực tàu thuyền hiện có 834 chiếc/132.590 CV, công suất bình quân 158,98 CV/chiếc, so với năm 2016 giảm 190 chiếc, nhưng công suất lại tăng 69.627 CV, sản lượng hải sản khai thác đạt 25.065 tấn/năm. Đến nay, ngư dân trong huyện đã đầu tư đóng mới và hạ thủy 13 tàu thuyền theo Nghị định 67, 89 và 17 của Chính phủ. Đặc biệt về diêm nghiệp, Ninh Hải có bước phát triển khá đồng bộ. Qua thống kê, diện tích muối của diêm dân hiện đang canh tác khoảng 652 ha, trong đó có 60 ha muối trải bạt. Sản lượng muối trong diêm dân và muối trong công nghiệp bình quân đạt 290.000 tấn/năm, so với năm 2016, diện tích tăng 108 ha, sản lượng tăng bình quân 177.000 tấn/năm. Ngoài ra trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, từ năm 2016 đến nay đã chuyển đổi 380 ha đất không chủ động nước sang cây trồng có giá trị kinh tế như: Nho, hành, tỏi, măng tây, vừa tiết kiệm được 30-50% lượng nước tưới vừa tạo thuận lợi cho phát triển du lịch gắn với nông nghiệp tại các địa phương.

Lĩnh vực dịch vụ, du lịch có bước phát triển đáng kể, gắn với khai thác lợi thế kinh tế biển, đóng góp quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện. Đến nay, huyện đã quy hoạch phát triển không gian du lịch theo vùng, với các loại hình du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch trải nghiệm và du lịch tâm linh tại các điểm như: Thiền viện Trúc lâm viên ngộ, Chùa Trùng Sơn, Kim Sơn hay du lịch gắn với nông nghiệp: Vườn nho, măng tây xanh ở thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, Xuân Hải... Tại các điểm du lịch, du khách được trải nghiệm làm nông vừa thưởng thức các món ăn, nước uống từ nho và mua về làm quà, so cùng một diện tích trồng nho, nhưng gắn với du lịch đã đem lại lợi nhuận cho nông dân tăng gấp 2,5 lần. Trong 5 năm qua, ngành Du lịch của huyện đã đón 5,1 triệu lượt khách, tăng 160% lượt khách so với giai đoạn trước, doanh thu đạt trên 2.887 tỷ đồng, giải quyết trên 8.800 lao động địa phương...

Điểm du lịch Hang Rái - Vườn Quốc gia Núi Chúa (Ninh Hải) thu hút đông du khách đến tham quan. Ảnh: V.Miên

Để đạt được kết quả trên, huyện Ninh Hải đã nhận diện được tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương; tập trung quy hoạch phát triển vùng như: Thị trấn Khánh Hải, xã Tri Hải theo loại hình du lịch tâm linh; xã Vĩnh Hải, Xuân Hải theo loại hình du lịch gắn với nông nghiệp, du lịch trải nghiệm. Bên cạnh đó, huyện tăng cường phối hợp giữa các cấp, các ngành trong công tác chỉ đạo, hỗ trợ hướng dẫn, công tác đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ du lịch phát triển theo hướng chuyên nghiệp. Trong 5 năm qua các dự án du lịch đã đầu tư vào huyện trên 40 triệu USD, như: Khách sạn Sài Gòn - Ninh Chữ, Sunrise, khu đón tiếp dịch vụ du lịch Vĩnh Hy; khu du lịch sinh thái Bãi Rùa đẻ Thái An; Trung tâm Du lịch Sinh thái Vườn Quốc gia Núi Chúa; riêng khu nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp Núi Chúa giai đoạn I, được đầu tư với số vốn 33,5 triệu USD, đạt tiêu chuẩn 5, đây cũng là điểm nhấn du lịch ven biển của tỉnh ...

Trong thời gian tới, để đảm bảo hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra, trong đó trọng tâm là khai thác tốt tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế biển, Ninh Hải tiếp tục đề ra các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu sau: Tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển các ngành, lĩnh vực then chốt của huyện và tranh thủ các nguồn vốn của Trung ương, của tỉnh; khai thác các nguồn vốn của doanh nghiệp, huy động vốn trong Nhân dân để đầu tư phát triển kinh tế biển. Đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá xúc tiến du lịch đi vào chiều sâu, nâng cao thương hiệu du lịch của huyện nhất là các địa danh: Ninh Chữ, Vĩnh Hy… Trên cơ sở đó, hình thành các loại hình du lịch đặc thù, độc đáo, tạo điểm nhấn riêng biệt của huyện, gắn với phát triển kinh tế, phát triển sản xuất; kết nối các tuyến du lịch trong và ngoài tỉnh để Ninh Hải trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế. Song song đó, huyện cũng tập trung đầu tư để phát triển ngành thuỷ sản theo hướng bền vững. Đề ra các giải pháp: Quy hoạch và tổ chức sản xuất lại vùng sản xuất tôm giống Nhơn Hải; khai thác tiềm năng lợi thế về kinh tế biển cả về khai thác, nuôi trồng, chế biến và phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá. Từng bước chuyển dịch nghề nuôi trồng theo hướng tăng dần tỷ trọng nuôi trên biển; phát triển thủy sản gắn với phát triển du lịch và phát triển công nghiệp ven biển gắn với bảo vệ môi trường, tài nguyên biển.