Kết quả thực hiện chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội giai đoạn 2011-2020

Triển khai Quyết định số 852/QĐ-TTg ngày 10-7-2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội giai đoạn 2011-2020, thời gian qua, Ngân hàng chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Ninh Thuận đã tham mưu cho Ban đại diện Hội đồng quản trị ban hành Chương trình hành động tổ chức thực hiện đạt được nhiều kết quả tích cực.

Theo báo cáo của NHCSXH tỉnh, qua 10 năm tổ chức thực hiện Quyết định 852 của Thủ tướng Chính phủ, chi nhánh đã phát triển lớn mạnh cả về quy mô lẫn chất lượng hoạt động. Đội ngũ cán bộ trưởng thành đủ năng lực chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Quy mô tín dụng tăng trưởng gấp 2,59 lần so với trước khi thực hiện Quyết định, đạt 2.266 tỷ đồng, tăng 1.392,3 tỷ đồng, đáp ứng cơ bản nhu cầu vay vốn người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Chất lượng tín dụng được nâng lên, nợ quá hạn giảm 1,32%; các sản phẩm, dịch vụ do NHCSXH tỉnh cung cấp cho khách hàng ngày càng phát triển đa dạng, quy trình nghiệp vụ được đơn giản hóa.

Để tạo thuận lợi cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách dễ dàng trong thực hiện các thủ tục vay vốn, trả nợ, NHCSXH tỉnh đã mở điểm giao dịch tại 65/65 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, hoạt động ngày càng đi vào nền nếp, chất lượng, hiệu quả. Cấp ủy, chính quyền các cấp đã vào cuộc chỉ đạo tổ chức thực hiện tín dụng chính sách xã hội; các sở, ngành, hội, đoàn thể nhận ủy thác thường xuyên quan tâm phối hợp với NHCSXH tỉnh để triển khai thực hiện tín dụng chính sách đạt hiệu quả. Phương thức ủy thác cho vay, mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động ngày càng có hiệu quả, giúp vốn vay được quản lý chặt chẽ, đến đúng đối tượng thụ hưởng. Công tác kiểm tra, kiểm soát được tăng cường cả chiều rộng lẫn chiều sâu, giúp cho việc thực hiện tín dụng chính sách đảm bảo đúng quy định, đúng chính sách, hạn chế tối đa những tiêu cực, sai phạm phát sinh.

Cán bộ NHCSXH tỉnh giải ngân vốn cho người dân Thuận Nam. Ảnh: Văn Nỷ

Cùng với đó, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, giúp cấp ủy, chính quyền, cán bộ, Nhân dân và đối tượng thụ hưởng nắm bắt, hiểu rõ hoạt động tín dụng chính sách để chỉ đạo, kiểm tra, giám sát và thực hiện. Công tác hiện đại hóa các hoạt động nghiệp vụ, áp dụng công nghệ mới được chú trọng giúp nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc phục vụ ngày càng tốt hơn khách hàng vay vốn. Công tác phối hợp, lồng ghép hoạt động tín dụng chính sách xã hội với hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, khuyến công, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư và hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội được quan tâm thực hiện thường xuyên, giúp vốn vay phát huy hiệu quả.

Trong 10 năm thực hiện Quyết định số 852 của Chính phủ, đã giúp 288.400 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH tỉnh, với doanh số cho vay trên 4.700 tỷ đồng. Hiện nay, số khách hàng còn dư nợ là 75.784 hộ, 95.968 món vay, với tổng dư nợ đạt 2.266 tỷ đồng. Vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo bình quân hàng năm từ 1,5 đến 2%; hơn 28.800 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; tạo việc làm cho hơn 15 nghìn lao động từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm. Tín dụng chính sách xã hội đóng góp quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới; đồng thời, góp phần phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) tỉnh, đảm bảo an ninh chính trị địa phương.

Ông Hoàng Liên Sơn, Giám đốc NHCSXH tỉnh, cho biết: Bám sát chương trình, mục tiêu phát triển KT-XH của tỉnh giai đoạn 2021-2025, NHCSXH tỉnh đã xây dựng kế hoạch tín dụng phù hợp nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Trong đó, quan tâm đến việc nâng cao mức vay nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư của hộ vay. Đẩy mạnh công tác huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân, nhất là huy động tiền gửi tiết kiệm tại điểm giao dịch xã. NHCSXH tỉnh xác định giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của chiến lược phát triển KT-XH nhằm cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống của người nghèo, trước hết ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện ở các vùng nghèo; thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng, các dân tộc và các nhóm dân cư .