Ninh Thuận quan tâm đến công tác hỗ trợ người khuyết tật

Thực hiện Quyết định số 1019/QĐ-TTg ngày 5-8-2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án trợ giúp người khuyết tật (NKT) giai đoạn 2012-2020. Trong thời gian qua, các ngành, địa phương trong tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động để hỗ trợ NKT theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, địa phương.

Nhiều hoạt động đã được triển khai thực hiện như công tác thông tin, tuyên truyền Luật Người khuyết tật, các chính sách hỗ trợ cho NKT và các văn bản có liên quan được các ngành, đơn vị tích cực tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Công tác phát hiện, can thiệp, phẫu thuật chỉnh hình và cung cấp dụng cụ trợ giúp cho NKT được ngành Y tế quan tâm thực hiện. Chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng đã triển khai 65/65 xã, phường trong toàn tỉnh. Đã thiết lập và duy trì mạng lưới phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng cho cán bộ chuyên trách xã, phường, thị trấn và trung tâm y tế các huyện, thành phố hoạt động ổn định. Nhiều hoạt động trợ giúp cho NKT về lĩnh vực tiếp cận giáo dục được triển khai; trong đó đã có 3 cơ sở chuyên tổ chức dạy học cho NKT, trẻ tự kỷ.

Người tâm thần được tập trung nuôi dưỡng tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh.

Hoạt động trợ cấp xã hội thường xuyên cho đối tượng được triển khai kịp thời, đúng đối tượng; đã có 13.971 NKT được xét duyệt, thực hiện trợ cấp hàng tháng tại cộng đồng theo Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21-10-2013 của Chính phủ. Toàn tỉnh có 5 cơ sở bảo trợ xã hội công lập và ngoài công lập, hiện đang nuôi dưỡng, chăm sóc khoảng hơn 1.600 lượt đối tượng, trong đó có gần 200 đối tượng là người tâm thần đang được tiếp nhận nuôi dưỡng, chăm sóc tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh. Các hoạt động hỗ trợ phẩu thuật miễn phí cho NKT như sứt môi, hở hàm ếch; dị tật bẩm sinh vùng hàm mặt... đã được phối hợp các bệnh viện, đoàn từ thiện thực hiện. Hoạt động trợ giúp học nghề, tạo việc làm cho NKT để thực hiện nhằm tạo điều kiện cho NKT có thu nhập, ổn định cuộc sống. Việc trợ giúp tiếp cận và tham gia giao thông; trợ giúp tiếp cận và sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông; trợ giúp pháp lý và trợ giúp NKT trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch được quan tâm thực hiện.

Với việc triển khai các hoạt động hỗ trợ cho NKT; nhiều chỉ tiêu quan trọng đã đạt so với kế hoạch thực hiện đề ra như: Có 70% NKT được tiếp cận các dịch vụ y tế dưới các hình thức khác nhau; 65,4% trẻ khuyết tật có khả năng học tập được tiếp cận giáo dục; 60% gia đình có NKT được tập huấn về kỹ năng, phương pháp chăm sóc phục hồi chức năng; 100% NKT được trợ giúp pháp lý khi có nhu cầu; 80% cán bộ làm công tác trợ giúp NKT được tập huấn nâng cao năng lực về quản lý, chăm sóc, trợ giúp NKT; 30% NKT được hỗ trợ tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật và 40% NKT được hỗ trợ tham gia các hoạt động và luyện tập thể dục, thể thao. Nhìn chung, các hoạt động trợ giúp cho NKT trong thời gian qua đã giúp cho NKT có điều kiện hòa nhập với cộng đồng, hỗ trợ NKT phát huy khả năng để đáp ứng nhu cầu bản thân; từng bước tạo điều kiện để NKT vươn lên tham gia bình đẳng vào các hoạt động kinh tế - xã hội, nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của NKT, góp phần xây dựng phát triển gia đình, hòa nhập cộng đồng và xã hội.