Trách nhiệm công dân trong phòng, chống dịch COVID-19

Hiện nay, công tác phòng, chống dịch COVID-19 ở nước ta vẫn đang được triển khai đồng bộ và trong vòng kiểm soát. Song, sự nỗ lực của chính quyền các cấp và cơ quan chuyên môn có thể “đổ sông đổ bể” bởi một số công dân thiếu ý thức trách nhiệm trong phòng, chống dịch. Hơn bao giờ hết, trong thời điểm này, ý thức và trách nhiệm công dân phải được đặt lên hàng đầu.

Quản lý được dịch và các nguồn lây

Hiện nay, dịch COVID-19 trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp, bùng phát trở lại trong mùa đông tại nhiều quốc gia với số trường hợp mắc liên tục gia tăng. Ở nước ta, sau 88 ngày không ghi nhận trường hợp mắc tại cộng đồng, ngày 30-11, 1-12-2020, TP. Hồ Chí Minh đã phát hiện một số ca nhiễm COVID-19 mới gồm ca bệnh số 1347, 1348, 1349.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, lần này dịch xảy ra tại TP Hồ Chí Minh liên quan đến bệnh nhân 1342 là tiếp viên hàng không. Tuy nhiên, so với các lần trước, lần này ta phát hiện được nguồn bệnh (F0) rất sớm nên sự lây lan không lớn. Do kinh nghiệm truy vết quyết liệt của Bộ Y tế, TP. Hồ Chí Minh, các bộ ngành, cộng với khả năng xét nghiệm nên phần lớn phát hiện được các trường hợp F1, F2. Do đó, chúng ta quản lý được dịch, các nguồn lây. Hiện trong xét nghiệm mấy nghìn mẫu mới chỉ có vài trường hợp dương tính, nhất là những trường hợp F1 mới đây cũng không thấy dương tính nữa.

Sáng 7-12, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hồ Chí Minh (HCDC) cho biết, tất cả trường hợp tiếp xúc với bốn ca nhiễm là bệnh nhân 1342, 1347, 1348 và 1349 đều có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. Cụ thể, trong 3.263 mẫu xét nghiệm, có 861 trường hợp tiếp xúc gần F1, 1.400 trường F2. Bên cạnh đó, ngành y tế thành phố đã mở rộng đối tượng xét nghiệm với 1.002 mẫu, kết quả, tất cả mẫu giám sát này đều âm tính.

Trước đó, ngày 2-12, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị tiếp tục thực hiện mạnh mẽ chiến lược từng mang lại hiệu quả tốt, đó là kiểm soát chặt nguy cơ lây bệnh từ bên ngoài, khoanh vùng, dập dịch triệt để từ bên trong, chữa trị hiệu quả. Đề cao cảnh giác, thực hiện tốt "Thông điệp 5K", trước hết là khử khuẩn tay và đeo khẩu trang, nhất là những nơi đông người, phương tiện công cộng. Thực hiện cách ly xã hội đối với những khu vực có nguy cơ cao, khoanh vùng hợp lý, chặt chẽ, không làm quá rộng mà tê liệt các hoạt động kinh tế-xã hội trên địa bàn, trong đó, TP.HCM cơ bản vẫn hoạt động kinh tế-xã hội như bình thường, "không hoang mang nhưng không được chủ quan".

Tối 2-12, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 1699/CĐ-TTg về tăng cường thực hiện phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp chỉ đạo kiểm tra, quyết liệt đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch đã đề ra, nhất là các biện pháp như đeo khẩu trang, khử khuẩn và tại các nơi có nguy cơ cao xảy ra lây nhiễm dịch bệnh; thường xuyên tổ chức kiểm tra, xử lý trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị, cơ sở vi phạm, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định tại Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28-9-2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế…

Không được lơ là, chủ quan

Hiện nay năng lực phòng, chống dịch của ta rất tốt, chiến lược phòng, chống dịch đã ổn định. Trong các vấn đề như: ngăn chặn, phát hiện, khoanh vùng, cách ly, dập dịch và điều trị tích cực chúng ta đã có kinh nghiệm, nhất là cách làm tại 2 đợt dịch lần trước đã khẳng định khả năng chống dịch của Việt Nam.

Tuy nhiên nguy cơ dịch xâm nhập và lây lan cũng rất cao khi trên thế giới đang diễn biến phức tạp, số người mắc tăng không ngừng nhất là trong giai đoạn mùa đông. Không kiểm soát được, dịch sẽ bùng phát. Đó là điều người dân không được lơ là. Theo PGS.TS Trần Đắc Phu chúng ta không được lơ là, chủ quan. Vì cũng có thể có ca bệnh trong cộng đồng mà chúng ta không phát hiện được. Bởi vì, có những bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng nhẹ, hoặc không có triệu chứng nhưng vẫn có khả năng lây bệnh. Họ không đến các cơ sở y tế nên chúng ta không phát hiện được và có thể “luẩn khuất” trong cộng đồng khi đó có thể làm lây lan dịch. Đặc biệt hiện nay tình hình dịch COVID-19 trên thế giới đang tăng rất mạnh và khả năng xâm nhập vào Việt Nam cũng rất cao.

Trước tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, cùng với việc thực hiện nghiêm, quyết liệt các giải pháp ứng phó, ngăn chặn dịch thì ý thức và tinh thần trách nhiệm, sự tự giác... của mỗi cá nhân là yếu tố quan trọng trong việc phòng ngừa, và ngăn chặn dịch bệnh lan rộng. Có thể thấy, một trong những yếu tố căn bản để Việt Nam kiểm soát được dịch COVID-19, số người nhiễm bệnh và tử vong không cao là nhờ vào sự chấp hành tốt các quy định phòng dịch của người dân. Khi cơ quan y tế khuyến cáo mang khẩu trang, rửa tay thường xuyên thì đa số người dân thực hiện. Khi chính quyền ra lệnh cách ly xã hội, hầu như người dân tuyệt đối chấp hành. Ðó chính là thể hiện ý thức, trách nhiệm công dân trước mối nguy lớn từ đại dịch.

Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, người dân trong công tác phòng, chống dịch thì vẫn còn một bộ phận người dân vẫn thiếu ý thức trách nhiệm, phản ứng bất hợp tác, không chấp hành nghiêm những khuyến cáo của ngành y tế; cố tình vi phạm như, trốn cách ly, không tuân thủ quy định cách ly, tụ tập đông người, khai gian trong hồ sơ khai báo y tế... Việc xuất hiện ca nhiễm mới tại TP. Hồ Chí Minh cho thấy, nguy cơ lây nhiễm bệnh COVID-19 vẫn luôn hiện hữu nếu như chúng ta lơ là, không tuân thủ nghiêm biện pháp phòng, chống dịch.

Có thể nói, hơn bao giờ hết, trong thời điểm này, ý thức và trách nhiệm công dân phải được đặt lên hàng đầu. Trách nhiệm đó trước hết là biết cách tự bảo vệ mình và gia đình, bảo vệ cộng đồng; là bình tĩnh, chủ động phòng tránh dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Đặc biệt, tự nguyện khai báo y tế trung thực và thực hiện cách ly khi cần thiết. Ý thức, trách nhiệm công dân còn là sự tỉnh táo khi tiếp nhận thông tin từ mạng xã hội; không chia sẻ, đăng lại hoặc cổ xúy cho những quan điểm sai lệch, bài viết không được kiểm chứng, hình ảnh giả mạo trên các trang mạng xã hội. Mỗi người hãy là một công dân trách nhiệm với chính bản thân mình và với cộng đồng, quốc gia. Chúng ta coi chống dịch COVID-19 như chống giặc nên đây là cuộc chiến của toàn dân, không riêng của ngành y tế hay của chính quyền. Cuộc chiến này cần có sự chung sức đồng lòng của toàn thể nhân dân để tạo ra sức mạnh tổng hợp.

Tiếp tục thực hiện tốt Thông điệp 5K

- KHẨU TRANG: Đeo khẩu trang vải thường xuyên tại nơi công cộng, nơi tập trung đông người; đeo khẩu trang y tế tại các cơ sở y tế, khu cách ly.

Người dân Tp. Phan Rang-Tháp Chàm thường xuyên đeo khẩu trang khi tham gia giao thông. Ảnh: Văn Nỷ

- KHỬ KHUẨN: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay. Vệ sinh các bề mặt/ vật dụng thường xuyên tiếp xúc (tay nắm cửa, điện thoại, máy tính bảng, mặt bàn, ghế…). Giữ vệ sinh, lau rửa và để nhà cửa thông thoáng.

- KHOẢNG CÁCH: Giữ khoảng cách khi tiếp xúc với người khác.

- KHÔNG TỤ TẬP đông người.

- KHAI BÁO Y TẾ: thực hiện khai báo y tế trên App NCOVI; cài đặt ứng dụng BlueZone tại địa chỉ https://www.bluezone.gov.vn để được cảnh báo nguy cơ lây nhiễm COVID-19. Khi có dấu hiệu sốt, ho, khó thở hãy gọi điện cho đường dây nóng của Bộ Y tế 19009095 hoặc đường dây nóng của y tế địa phương để được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn đi khám bệnh đảm bảo an toàn.

Thực hành tốt Thông điệp 5K chính là “lá chắn thép” để bảo vệ chúng ta trước đại dịch COVID-19.