• Châu Văn Huynh – Cán bộ nghiên cứu, Phòng Nghiên cứu Sưu tầm Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm:
Sinh ngày 18-9-1975, khi đất nước đã hòa bình, không còn phải đối diện với chiến tranh, nhưng chàng trai Châu Văn Huynh cũng phải nếm trải vô vàn khó khăn trong những năm đầu khôi phục đất nước. Sinh ra và lớn lên ở làng Chăm Văn Lâm, xã Phước Nam (Thuận Nam), Năm 2003, tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành Dân tộc học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh, Huynh tình nguyện lên công tác tại xã miền núi Phước Chiến, huyện Thuận Bắc theo chính sách cán bộ tăng cường phục vụ các xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Hơn hai năm công tác, Huynh không ngừng nỗ lực phấn đấu cả trong nghiệp vụ chuyên môn lẫn tu dưỡng đạo đức, phẩm chất chính trị. Ngày 29-8-2006, anh vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Sau khi hoàn thành thời gian công tác ở miền núi, Châu Văn Huynh được chuyển về làm cán bộ nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm. Công việc đúng chuyên môn, đúng mong muốn được tìm hiểu văn hóa dân tộc, nên Huynh luôn không ngừng cố gắng học tập, rèn luyện phấn đấu, 3 năm liền là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
• Nguyễn Thị Dung - Cán bộ Hội Nông dân huyện Ninh Phước:
Từ một trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ khi mới vừa lên 4, nhưng chị Nguyễn Thị Dung, sinh ngày 12-6-1975, thường trú khu phố 1, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước đã vượt lên số phận để học tập, làm việc và trở thành tấm gương cán bộ Hội Nông dân gương mẫu, có nhiều đóng góp cho sự phát triển của chi hội cơ sở.
Về Hội Nông dân huyện Ninh Phước từ năm 1997, trải qua 14 năm công tác trên nhiều cương vị khác nhau, chị Dung luôn ý thức rõ trách nhiệm của mình. Trên lĩnh vực chuyên môn, chuyên trách hay kiêm nhiệm, chị đều nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, chị còn tích cực tham gia các phong trào thi đua do Công đoàn cơ sở phát động cũng như các phong trào đảm bảo trị an ở địa phương. Hiện chị Dung đang là một cán bộ Nông dân huyện Ninh Phước, năng nổ, nhiệt tình và tâm huyết với công tác Hội. Ghi nhận những đóng góp trên, năm 2007, chị Nguyễn Thị Dung được Trung ương Hội trao tặng Kỷ niệm chương "Vì giai cấp Nông dân Việt Nam". Người cán bộ Hội chính là cầu nối nông dân với Đảng, chính quyền địa phương, phải luôn lắng nghe và phản ánh tâm tư, nguyện vọng của hội viên, gắn lợi ích của nông dân trong sự phát triển của Hội – đó là điều mà chị Dung luôn tự nhắc nhở mình.
• Đoàn Nhất Việt - Bác sĩ Khoa Hồi sức Cấp cứu Bệnh viện tỉnh:
Năm 1999, tốt nghiệp Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh, chuyên ngành bác sĩ đa khoa, năm 2000 chàng trai trẻ Đoàn Nhất Việt về công tác tại Bệnh viện tỉnh Ninh Thuận. Hơn 10 năm qua, với vai trò là bác sĩ Khoa Hồi sức cấp cứu, mỗi ngày trực trung bình anh phải khám và cấp cứu cho khoảng 100 bệnh nhân. Khối lượng công việc lớn nhưng anh vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ và chưa để xảy ra bất cứ một sai sót nào. Ngoài nhiệm vụ chuyên môn, Nhất Việt còn là cán bộ Đoàn cơ sở luôn xung kích và hăng hái tham gia nhiều hoạt động xã hội như: Khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo do Chi hội Y bác sĩ trẻ Bệnh viện tỉnh tổ chức, tích cực hưởng ứng cuộc vận động “Tuổi trẻ Việt Nam học tập và làm theo lời Bác” do Trung ương Hội và Tỉnh đoàn tổ chức... Năm 2008, anh được Trung ương Hội LHTN tặng bằng khen “Thầy thuốc trẻ sống đẹp–vì cuộc sống cộng đồng”; năm 2007 được Thành đoàn Tp. Phan Rang–Tháp Chàm tặng giấy khen vì đã hoàn thành xuất sắc công tác Đoàn thanh niên và Hội LHTN; vinh dự được tham dự Lễ tuyên dương thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2009 tại Hà Nội.
Là một bác sĩ trẻ, Nhất Việt luôn ý thức rằng phải không ngừng học hỏi và nâng cao chuyên môn nghiệp vụ của mình để có thể phục vụ bệnh nhân một cách tốt nhất, xứng với cái “Tâm” của người thầy thuốc, xứng đáng là người con sinh ra và lớn lên cùng mùa xuân quê hương.
Bích Thủy - Đức Minh - Trần Phương