36 năm thành tựu và thách thức

Công tác Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) được Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành TW Đảng khóa VII và Nghị quyết 47 của Bộ Chính trị xác định là một bộ phận quan trọng của chiến lược phát triển đất nước, là một trong những vấn đề kinh tế-xã hội hàng đầu của nước ta nói chung và tỉnh ta nói riêng

Đối với tỉnh ta, qua 36 năm phát triển, nhất là trong khoảng thời gian 5 năm trở lại đây công tác DS-KHHGĐ có nhiều chuyển biến tích cực, tác động trực tiếp đến việc phát triển kinh tế, xã hội. Ban thường vụ Tỉnh ủy, HĐND, UBND đều có các văn bản chuyên đề, các chủ trương về DS-KHHGĐ phù hợp với tình hình và yêu cầu thực tế của tỉnh. Nguồn đầu tư cho công tác DS-KHHGĐ ở các cấp được tăng cường. Công tác DS-KHHGĐ ngày càng mang tính xã hội hóa cao; nhận thức của người dân về DS-KHHGĐ được nâng lên rõ rệt. Nhờ vậy, từ một tỉnh có mức sinh cao đứng thứ 3 khu vực Duyên hải miền Trung, đến nay đã chính thức đạt mức sinh thay thế với số con trung bình của 1 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ từ những ngày đầu tái lập tỉnh (4-1992) là 3,8 con đến năm 2010 dưới 1,9 con.

 

Cổ động tuyên truyền hưởng ứng Ngày Dân số Thế giới.

Có được điều này là nhờ liên tục trong nhiều năm qua, tỉnh ta đã kiên trì thực hiện mục tiêu xây dựng quy mô gia đình ít con (có 1 hoặc 2 con). Các chính sách DS-KHHGĐ được triển khai rộng khắp trong tỉnh, nhất là vùng sâu, vùng xa đã có sự tác động kìm hãm mức tăng sinh và giảm sinh con thứ ba trở lên, chất lượng dân số từng bước được cải thiện.

Những thành tựu trên, là kết quả của sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân nhưng trước hết là kết quả của sự phấn đấu không ngừng của những người làm công tác DS-KHHGĐ từ tỉnh đến cơ sở; trong đó có đội ngũ cán bộ chuyên trách và lực lượng cộng tác viên DS-KHHGĐ. Những kết quả đó đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, góp phần tích cực vào việc xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn tỉnh. Tỉnh ta đang bước vào thực hiện Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011-2020, chương trình mục tiêu quốc gia DS-KHHGĐ giai đoạn 2011-2015, công tác DS-KHHGĐ tỉnh ta vẫn còn những hạn chế và thách thức không nhỏ: mục tiêu giảm sinh trên địa bàn tỉnh chưa thực sự bền vững; một bộ phận nhỏ người dân vùng sâu, vùng xa chưa chấp nhận quy mô gia đình ít con (Từ 1 đến 2 con); tỷ số giới tính khi sinh của trẻ em trai trên trẻ em gái của tỉnh thuộc diện còn cao so với các tỉnh vùng Duyên hải miền Trung và đang có xu hướng tăng lên. Theo số liệu thống kê tỉnh ta là: 110 trẻ em nam/100 trẻ em gái, làm tiềm ẩn nguy cơ mất cân bằng giới tính trong tương lai. Điều này đang đặt ra nhiều thách thức cho các nhà hoạch định chính sách trong việc quản lý công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn tỉnh trong những năm tới đây. Mặt khác, với dân số không ổn định việc di cư đã ảnh hưởng đến công tác dân số, trong đó số phụ nữ bước vào tuổi sinh đẻ tăng hàng năm đang tạo áp lực lớn trong việc giảm mức tăng sinh của tỉnh. Phong trào vận động xã, phường, thị trấn không có người sinh con thứ 3 tuy triển khai thực hiện đã nhiều năm nhưng kết quả chưa đạt so với mục tiêu mong muốn. Chất lượng dân số tỉnh ta còn thấp về tinh thần cả thể lực, trí tuệ. Chỉ số phát triển con người của tỉnh (HDI) ở mức xấp xỉ trung bình của cả nước, thấp hơn so với các tỉnh trong khu vực Duyên hải miền Trung. Công tác chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi chưa được chú trọng đúng mức…

 Chiến dịch truyền thông DS-KHHGĐ ở vùng có mức sinh cao.

... và hướng dẫn thuốc tránh thai an toàn.

Đó thực sự là những thách thức không nhỏ của Chương trình DS-KHHGĐ tỉnh ta trong giai đoạn từ 2011-2020, đòi hỏi cần tiếp tục nhận được những cam kết mạnh mẽ từ các cấp, các ngành và các địa phương, cũng như những đóng góp nhiều hơn nữa của đội ngũ cán bộ chuyên trách, cộng tác viên chương trình DS-KHHGĐ để dân số tỉnh ta duy trì với quy mô dân số phù hợp, chất lượng dân số ngày càng được cải thiện, đáp ứng nguồn nhân lực có chất lượng cho thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.