Học sinh ở trọ thời tăng giá

Giá điện, xăng tăng kéo theo sự leo thang giá cả nhiều mặt hàng, dịch vụ trong đó có nhà trọ. Trọ học xa nhà, ngoài áp lực học tập, xa gia đình…trong thời buổi tăng giá hiện nay, những học sinh đang trọ học trên địa bàn TP. Phan Rang – Tháp Chàm còn phải đối mặt với nhiều thách thức khác.

(NTO) Theo quy định về khu vực tuyển sinh của Sở Giáo dục&Đào tạo tỉnh ta, thì TP. Phan Rang – Tháp Chàm có 2 trường tuyển sinh trên phạm vi toàn tỉnh, đó là Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn và THPT Dân tộc nội trú Phan Rang. Ngoài ra, các Trường THPT Tháp Chàm, THPT Chu Văn An, THPT Nguyễn Trãi và THPT bán công Trần Quốc Toản tuyển học sinh của TP. Phan Rang-Tháp Chàm và học sinh các xã An Hải, Phước Hải, Phước Thuận của huyện Ninh Phước. Như vậy, hàng năm đều có số lượng học sinh ở các xã, vùng nông thôn vào thành phố trọ học.

Khi giá phòng và mọi khoản chi tiêu đều tăng

Em Phan Ngọc Diệp, học sinh lớp 12 quê ở xã An Hải, Ninh Hải thuê phòng trọ trên đường 21 Tháng 8 từ năm lớp 10. Em cho biết, bình thường chủ nhà tăng giá phòng theo học kỳ, cứ mỗi học kỳ tăng lên 100-150 Ngàn đồng tùy theo. Riêng năm nay, mặc dù cũng vừa tăng giá phòng từ đầu năm, nhưng khi xăng và điện tăng giá nhà trọ của Diệp cũng đã thông báo tăng từ 450 lên 500 ngàn/tháng.

Bên canh điện, xăng và giá phòng trọ tăng, học sinh ở trọ còn phải đối mặt với nhiều thứ tăng giá khác. Phạm Huỳnh Bảo Trân, (học sinh Trường THPT Chu Văn An) bắt đầu cuộc sống ở trọ từ năm lớp 6. Nhà Trân ở xã Phước Vinh, huyện Ninh Phước, cách xa trường gần 14km nên phải chấp nhận thuê trọ, sống xa gia đình. “Ở trọ không có ba mẹ bên cạnh, em phải tự lo tất cả từ việc ăn uống đến giặt giũ, đến quản lý chi tiêu...”. với thời buổi giá cả tăng từng ngày như hiện nay, việc chi tiêu của Trân lại càng phải cân nhắc kỹ lượng. Phòng trọ của Trân hiện có 3 người, giá 350.000 đồng/ tháng, điện giá 3.000 đồng/ kwh. Ngoài tiền nhà, tiền ăn… mỗi tuần ba mẹ còn phải cho thêm tiền tiêu vặt, sinh hoạt, cộng với 400 ngàn tiền học thêm mỗi tháng. Gia đình không mấy khá giả, cuộc sống ở trọ của Trân vốn đã khó khăn lại càng chật vật hơn vào thời điểm tăng giá như hiện nay. “Em và các bạn trong phòng tiết kiệm hơn, giảm những nhu cầu không cần thiết, những gì có thể về nhà lấy được thì về lấy thêm để đỡ tốn kém…”

Hai chị em Song Yến, Ngọc Yến (Trường THPT Chu Văn An) thì cuộc sống ở trọ thời tăng giá vất vả hơn rõ rệt khi 2 chị em hằng ngày đều tự đi chợ nấu ăn. Bình thường, mỗi tuần 2 chị em đi chợ hết khoảng 200-250 Ngàn. Nhưng thời gian gần đây do giá cả tăng nên mặc dù khoản tiền ăn gia đình chu cấp cho 2 chị em tăng lên nhưng 2 chị em cũng phải chi tiêu tiết kiệm lại ngay cả trong bữa ăn của mình. Ngoài tiền ăn, tiền nhà, điện nước, học thêm… 2 chị em còn phải tốn thêm tiền xe buýt mỗi tuần về quê. Trung bình mỗi tháng 2 chị em tiêu tốn khoảng hơn 2 triệu đồng, một số tiền không nhỏ đối với những giá đình nông thôn.

Ở đông để tiết kiệm

Đến thăm căn phòng trọ của một nhóm học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn trên đường Nguyễn Trãi mới hiểu hết được những khó khăn, thiếu thốn của cuộc sống học sinh trọ học xa nhà. Đỗ Kim Tùng, quê ở Mỹ Tân, Thanh Hải, Ninh Hải cùng 8 học sinh nữa thuê lại căn phòng nhỏ trên gác xép của một người quen để đi học. Tùng cho biết: Vì là chỗ quen nên giá rẻ hơn so với những nơi khác, lại được chủ nhà lo luôn cơm nước, mỗi tháng 800 ngàn/người. Tuy nhiên, phòng ở đông, không có không gian nên mỗi người đều phải có ý thức thì mới học tốt được. Phòng trọ tổng cộng có 9 người, trong đó có 2 em là học sinh lớp 9, còn lại đều là học sinh 12, đang trong thời gian ôn thi. Vậy nhưng, đến chỗ ngủ của các em cũng thiếu, nên không có cách nào khác là các em tự tổ chức học nhóm với nhau. “Học nhóm chúng em sẽ thống nhất được thời gian, môn học, không làm ảnh hưởng đến nhau mà lại nhanh hiểu bài, hiệu quả hơn”- Kim Tùng chia sẻ.

Rủ nhau ở chung phòng để tiết kiệm phong trọ nhưng không phải ai cũng hợp nhau, ai cũng có ý thức học tập nên dễ xảy ra va chạm, vừa gây mất đoàn kết, vừa ảnh hưởng đến tâm lý học hành. Bên cạnh đó, không phải ai cũng may mắn thuê được nhà người quen và được lo cho cơm nước hàng ngày như Tùng và nhóm bạn.

Trong khi bạn bè cùng trang lứa đang được gia đình chăm lo từng bữa ăn thì với những học sinh ở trọ này, các em phải tự lập, tự thu xếp, cân nhắc cho mọi chi tiêu trong cuộc sông của mình. Phần lớn học sinh ở các, xã, huyện lên thành phố trọ học đều là con em nhà nông thôn, kinh tế gia đình không mấy khả giả. Cuộc sống ở trọ thời tăng giá thật sự khó khăn như lời của một em học sinh chia sẻ: “giá cả tăng cao nên... tụi em đành hạ bớt "số lượng" và chất lượng bữa ăn của mình vậy!”




  

 
  • Nguyễn Văn Bắc
    Bài viết có sự phát hiện vấn đề rất nhân văn. Tôi nghĩ Báo nên có nhiều bài viết dạng phát hiện như thế này. Hay như bài "Những ca từ đánh mất tuổi thơ" của chị Bích Thủy cũng đáng để người đọc suy nghĩ.
    bacnguyen56@gmail.com