(NTO) Hàng năm, ở tỉnh ta có gần 1.000 bộ đội xuất ngũ trở về địa phương. Đây là lực lượng lao động trẻ, có tính kỷ luật cao đã được rèn luyện trong quân ngũ. Tuy nhiên, phần lớn lực lượng này vừa rời ghế nhà trường tham gia nghĩa vụ quân sự nên chưa được trang bị kiến thức nghề nghiệp, vì vậy cơ hội tìm kiếm việc làm sau khi xuất ngũ rất khó khăn.
Giờ học nghề của các chiến sĩ trẻ.
Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia Xóa đói, giảm nghèo và giải quyết việc làm, ngày 29-12-2004, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định số 9237/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Dạy nghề trong hai ngày nghỉ cuối tuần cho bộ đội trong thời gian tại ngũ giai đoạn 2005-2010. Qua 6 năm triển khai, Đề án Dạy nghề cho bộ đội trong thời gian tại ngũ đã mang lại hiệu quả thiết thực. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã phối hợp với Trường Trung cấp nghề tỉnh tuyển sinh, đào tạo nghề cho 600 học viên, đạt 100% kế hoạch, trong đó có 108 học viên là con em đồng bào các dân tộc thiểu số, đã có 538 học viên được công nhận tốt nghiệp và cấp chứng chỉ nghề, đạt tỷ lệ 96,8%. Trong đó, nghề sửa chữa xe máy 98 học viên, tin học văn phòng 194 học viên, điện dân dụng 153 học viên, kỹ thuật hàn 21 học viên, kỹ thuật nề 72 học viên được cấp bằng công nhân kỹ thuật bậc 3/7.
Qua khảo sát sơ bộ trong tổng số 455 bộ đội xuất ngũ đã tốt nghiệp các lớp dạy nghề, có 57 người đang lao động trong các khu công nghiệp tại Tp.Hồ Chí Minh, 21 người đang tiếp tục học trung cấp, cao đẳng, đại học, 112 người đang công tác tại UBND các xã, phường, thị trấn trong tỉnh và 137 người chuyển chế độ ở lại phục vụ trong quân đội và quản lý các lớp dạy nghề. Kết quả trên cho thấy, tỷ lệ bộ đội xuất ngũ được đào tạo nghề có việc làm và tiếp tục học lên bậc học cao hơn chiếm trên 70%.
Đề án Dạy nghề trong hai ngày nghỉ cuối tuần cho bộ đội thực sự mạng lại hiệu quả thiết thực, tạo điều kiện cho quân nhân sau khi xuất ngũ có nhiều cơ hội tìm được việc làm ổn định cuộc sống, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội của tỉnh.
Nguyễn Anh Minh