Trong những năm qua, thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp, toàn ngành Giáo dục ra sức, nỗ lực, tập trung thực hiện tốt chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, nâng cao chất lượng giáo dục, hiệu quả đào tạo; coi trọng công tác giáo dục nghề nghiệp phục vụ cho phát triển chất lượng nguồn nhân lực có tay nghề cao, đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH), bảo đảm quốc phòng-an ninh và hội nhập quốc tế. Chất lượng giáo dục toàn tỉnh có nhiều chuyển biến và đi vào chiều sâu, tỷ lệ học sinh tiểu học hoàn thành chương trình tiểu học được duy trì hằng năm là 99,9%; tỷ lệ tốt nghiệp cấp THCS toàn tỉnh hằng năm trên 99,5%, tỷ lệ học sinh THPT tốt nghiệp toàn tỉnh tăng hàng năm trên 95%; tỷ lệ học sinh THPT đỗ vào các trường đại học, cao đẳng hàng năm trên 65%; các phong trào mũi nhọn được duy trì, số học sinh đạt giải hằng năm tăng qua các kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia... Chất lượng giáo dục miền núi có nhiều chuyển biến, hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú được duy trì, tăng cường đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất để nhà trường tổ chức tốt các hoạt động giáo dục phù hợp đối tượng học sinh là người dân tộc thiểu số, thu hẹp dần khoảng cách chất lượng giáo dục giữa các vùng trong tỉnh.
Giờ lên lớp của cô và trò Trường THPT Nguyễn Trãi. Ảnh: Phan Bình
Công tác giáo dục hướng nghiệp, định hướng nghề nghiệp, phân luồng sau bậc THCS thực hiện theo đúng lộ trình và đạt kết quả đáng khích lệ đã góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực có tay nghề cao theo Chỉ thị số 37-CT/TW của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao. Công tác xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp học phổ thông, giáo dục nghề nghiệp luôn được quan tâm, đảm bảo đủ số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đạt chuẩn nghề nghiệp, có phẩm chất đạo đức, trình độ chính trị, thật sự tâm huyết với nghề, năng động, sáng tạo đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, nhất là chuẩn bị tốt đội ngũ để triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới theo Nghị quyết của Quốc hội bắt đầu lớp 1 từ năm học 2020-2021, tăng cường đội ngũ nhà giáo và quản lý đào tạo nhân lực có tay nghề cao tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh. Nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao, nhằm chung tay phát triển nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ cho mục tiêu phát triển KT-XH nhanh, bền vững; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại trong thời kỳ công nghiệp 4.0.
Đồng chí Nguyễn Huệ Khải, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Để thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, ngành đang triển khai đồng bộ các giải pháp, tăng cường hơn nữa việc nâng cao chất lượng GD&ĐT, nguồn nhân lực đáp ứng nhiệm vụ phát triển KT-XH của địa phương giai đoạn 2020-2025 và những năm tiếp theo. Cụ thể, thực hiện tốt các nội dung yêu cầu, nhiệm vụ trong Chỉ thị số 37-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao; Kế hoạch số 210-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục triển khai Chỉ thị số 37-CT/TW. Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền; sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành và hệ thống chính trị đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao theo tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, lồng ghép vào chương trình, kế hoạch hoạt động hàng năm trong cấp ủy đảng, chính quyển, cơ quan, đơn vị. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chú trọng đổi mới, đa dạng hóa nội dung, hình thức; đẩy mạnh hơn nữa phương pháp tuyên truyền giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên và Nhân dân, đặc biệt là người đứng đầu cần xác định đúng vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Chỉ đạo thực hiện có hiệu quả việc đổi mới công tác giáo dục hướng nghiệp, định hướng nghề nghiệp trong trường phổ thông, thực hiện tốt công tác phân luồng sau bậc trung học cơ sở và nhu cầu thị trường lao động theo lĩnh vực ngành nghề và trình độ tương xứng. Chú trọng kết hợp nâng cao trình độ học vấn với dạy nghề, làm nền tảng cho học viên sau khi ra trường đảm bảo có đủ tri thức, tác phong công nghiệp và kiến thức phổ thông. Tổ chức điều tra, khảo sát, nâng cao năng lực dự báo nguồn nhân lực có tay nghể cao thuộc các lĩnh vực, ngành nghề, nhất là ngành nghề thuộc lĩnh vực mũi nhọn, công nghiệp hỗ trợ thuộc 6 nhóm ngành kinh tế trụ cột. Xây dựng hệ thống thông tin nhu cầu năng lực theo cấp trình độ, ngành nghề và thường xuyên cập nhật kịp thời để cơ quan quản lý đào tạo và các cơ sở sử dụng có hiệu quả. Thực hiện phân công nhiệm vụ GD&ĐT gắn với khoa học công nghệ theo yêu cầu các ngành kinh tế thuộc lĩnh vực ưu tiên của tỉnh; tăng cường thực hiện việc kiểm định và tự kiểm định chất lượng đào tạo; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và đào tạo; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý đào tạo nhân lực có tay nghề cao theo chuẩn trình độ. Tăng cường công tác phối hợp, gắn kết giữa các cơ sở giáo dục, đào tạo với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong và ngoài tỉnh; đẩy mạnh công tác xã hội hóa trên lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, khuyến khích tăng cường các điều kiện đảm bảo đào tạo theo tiêu chí chất lượng cao.
Để thực hiện được mục tiêu trên, bên cạnh sự nỗ lực của ngành, Sở GD&ĐT cũng kiến nghị với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tăng cường hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông từ lớp 1 đến lớp 12 theo lộ trình từ năm học 2020-2021 đến năm học 2024-2025 trên địa bàn tỉnh thành công, đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, biên chế, đội ngũ giáo viên để ngành Giáo dục tập trung nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của các cấp học, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh.
Xuân Bính