Là người con của đồng bào dân tộc Raglai, cô giáo Chamaléa Thị Khuyên đã mang cả tâm huyết và tuổi trẻ để truyền dạy kiến thức cho các em học sinh vùng cao Phước Thành (Bác Ái). Năm 2007, về công tác tại Trường Tiểu học Phước Thành A, với 96% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, nơi cuộc sống của người dân còn rất khó khăn, nhưng cô giáo Khuyên đã vượt qua, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ “trồng người”. Cô Chamaléa Thị Khuyên chia sẻ: Trở ngại lớn nhất đối với những giáo viên vùng cao không phải ở việc đi lại, điều kiện sinh hoạt mà thử thách lớn nhất ở việc vận động, duy trì tỷ lệ học sinh đến lớp đều đặn. Là giáo viên người Raglai, tôi hiểu rõ hoàn cảnh của các em học sinh, các em ở đây thường nghỉ học giữa chừng theo bố mẹ đi làm rẫy. Để các em đến lớp học đều đặn, ngay từ đầu năm học, chúng tôi tìm hiểu hoàn cảnh từng em, đến tận nhà, thậm chí lên rẫy gặp, động viên phụ huynh học sinh dù khó khăn đến mấy cũng phải khắc phục cho con đi học. Đối với các em, chúng tôi xác định mình như là “người mẹ thứ hai” của các em, dạy các em bằng tất cả tình yêu thương, lúc đó các em có tình cảm quý mến sẽ đi học đầy đủ.
Cô giáo Chamaléa Thị Khuyên tận tâm chăm lo dạy dỗ học sinh xã vùng cao Phước Thành.
Bằng sự tâm huyết với nghề, cô giáo Khuyên luôn ý thức cao trong nhiệm vụ dạy học. Khi dạy trên lớp cô luôn tìm những phương pháp tốt nhất giúp các em tự tin trong học tập và đặc biệt quan tâm những học sinh khó khăn để kịp thời giúp đỡ. Cô giáo còn tìm hiểu áp dụng nhiều phương pháp giảng dạy sáng tạo như dạy học toán lớp 1 thông qua trò chơi vui học toán, vận dụng mô hình trường học mới vào việc trang trí, tổ chức lớp học, vẽ hình ảnh kết hợp bài giảng, tổ chức các trò chơi tập thể, đố vui để kích thích khả năng sáng tạo, giúp các em tiếp thu bài học nhanh hơn. Với tất cả sự say mê, yêu nghề, cộng với sự cố gắng nỗ lực của bản thân, nhiều năm liền cô giáo Chamaléa Thị Khuyên được công nhận giáo viên dạy giỏi các cấp, được UBND tỉnh, ngành Giáo dục và Đào tạo Ninh Thuận tặng thưởng vì những đóng góp cho sự nghiệp giáo dục. Mười ba năm gắn bó với nghề, dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng cô giáo Chamaléa Thị Khuyên vẫn một lòng nhiệt huyết với sự nghiệp trồng người.
Là tấm gương điển hình trong phong trào Thi đua yêu nước, dạy tốt, học tốt, giai đoạn 2015-2020 của tỉnh, cô giáo Lê Thị Ánh Linh, Tổ trưởng Tổ Ngữ văn, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn cũng là niềm tự hào của ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh nhà. Tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, cô giáo Lê Thị Ánh Linh luôn gần gũi với học sinh và được các em quý mến. Với 17 năm công tác, cô giáo Ánh Linh dành hết tâm huyết với nghề, không ngừng nghiên cứu, đổi mới phương pháp giảng dạy để dạy tốt môn Văn học và kết hợp giáo dục học sinh về các kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp ứng xử, làm việc nhóm, tương tác xã hội và làm chủ cảm xúc... Với phương châm “lấy học sinh là trung tâm, học sinh yếu biết cách làm bài, học sinh giỏi biết sáng tạo”, cô giáo Ánh Linh luôn xây dựng và thiết kế bài giảng dựa vào đặc điểm và năng lực của học sinh để truyền cảm hứng yêu Văn học đến các em, từ đó, học tập hiệu quả. Với những nỗ lực của mình, nhiều năm qua, cô đã đạt thành tích xuất sắc trong các kỳ thi giáo viên dạy giỏi và có nhiều sáng kiến được công nhận ở cấp tỉnh. Năm học 2019-2020, cô giáo Lê Thị Ánh Linh đạt giải 3 tại Hội thi Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh và tham gia dạy bồi dưỡng học sinh giỏi môn Ngữ văn, có nhiều học sinh đạt giải cấp tỉnh, cấp quốc gia và giải chuyên đề trong cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” toàn quốc.
Những tấm gương bình dị, những “bông hoa” thơm ngát luôn nỗ lực vượt qua khó khăn vất vả, trau dồi kiến thức để “gieo con chữ” tới các thế hệ học sinh, là những người chủ tương lai của đất nước. Còn rất nhiều những tấm gương nhà giáo khác nữa, đang âm thầm miệt mài cống hiến với một tấm lòng “tất cả vì học sinh thân yêu”, đáng được tri ân.
Anh Tuấn