Nhìn lại năm học 2019-2020, một năm học “đặc biệt” và nhiều khó khăn đối với ngành GD&ĐT do tác động của dịch COVID-19. Tuy vậy, với lòng yêu nghề và nghị lực vượt khó, CBGV toàn ngành đã linh hoạt điều chỉnh nội dung, cách thức giảng dạy phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo hoàn thành tốt các nội dung, nhiệm vụ chủ yếu của năm học. Chất lượng giáo dục, nhất là giáo dục mũi nhọn có nhiều khởi sắc với 17 học sinh (HS) đoạt giải HS giỏi văn hóa cấp quốc gia. Đây là lần đầu tiên ngành GD&ĐT tỉnh nhà đạt thành tích cao kể từ ngày tái lập tỉnh. Đối với giáo dục Mầm non, toàn tỉnh có 100% nhóm trẻ và lớp mẫu giáo 5 tuổi tổ chức học 2 buổi/ngày; riêng trẻ em 5 tuổi đến trường đạt 99,24%, tăng 3,32% so với năm học trước; không có trường hợp vi phạm đạo đức nhà giáo, ngộ độc, mất an toàn, xâm hại thân thể trẻ... xảy ra trong các nhà trường. Đối với giáo dục phổ thông, toàn tỉnh có 99,95% HS hoàn thành chương trình tiểu học; 96,15% HS THCS và 91,96% HS THPT có học lực từ trung bình trở lên; có 8.030 HS tốt nghiệp THCS, đạt 99,79%; 5.153 HS lớp 12 đỗ tốt nghiệp THPT đạt 93,72%… Công tác rà soát, sắp xếp lại mạng lưới, trường lớp học tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh, cơ bản đạt yêu cầu và đúng tiến độ, đảm bảo sau sáp nhập, thành lập mới các hoạt động giáo dục vẫn hoạt động ổn định, không xáo trộn và không ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.
Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn được đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng tốt nhu cầu đào tạo học sinh giỏi tỉnh nhà. Ảnh: H.Nỷ
Đến nay, toàn tỉnh có 319 cơ sở giáo dục (25 cơ sở giáo dục ngoài công lập) với hơn 141.000 HS và trên 10.000 CBGV, nhân viên (giảm 14 trường công lập và tăng trên 9.000 HS so với năm 2016). Nhìn chung, đội ngũ CBGV của ngành gương mẫu chấp hành tốt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tuân thủ quy tắc ứng xử trong nhà trường, quy định đạo đức nhà giáo; tham gia học tập các lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, chính trị hè, các hội thi, cuộc thi, phát huy sáng kiến, cải tiến nâng cao chất lượng giảng dạy; hưởng ứng và triển khai có hiệu quả các phong trào thi đua, cuộc vận động: “Dạy tốt, học tốt”, “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Thông qua các phong trào thi đua, hoạt động kể trên đã góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm CBGV trong dạy và học, rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Đến nay, hầu hết CBGV của tỉnh có trình độ đạt chuẩn, có 6 CBGV được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Cũng từ thực hiện tốt hoạt động chuyên môn, các phong trào thi đua, cuộc vận động, nhiều CBGV được các cấp, các ngành tặng giấy khen, bằng khen; nhiều giáo viên trẻ như: Cô giáo Trần Thị Em, giáo viên Trường Mẫu giáo Khánh Hải (Ninh Hải); Ngô Văn Hoài Tâm, giáo viên Trường TH Ninh Chữ (Ninh Hải); Thạch Thị Ngọc Trân, giáo viên, Bí thư Đoàn Trường Phổ thông DTNT Pi Năng Tắc (Bác Ái); Nguyễn Thị Kim Dung, giáo viên, Bí thư Đoàn Trường THPT Chu Văn An (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm); Nguyễn Văn Khánh, giáo viên, Tổng phụ trách Đội Trường Phổ thông DTNT Thuận Bắc; Đạo Thị Kim Toản, giáo viên Trường THPT Tôn Đức Thắng (Ninh Hải); Lê Ngọc Lâm, giáo viên, Bí thư Đoàn Trường THPT Nguyễn Du (Ninh Sơn)… không ngừng phấn đấu, nỗ lực đạt thành tích tốt trong giảng dạy, hoạt động phong trào, được Giám đốc Sở GD&ĐT tặng Giấy khen “Giáo viên, giảng viên trẻ tiêu biểu” năm 2020.
Theo đồng chí Nguyễn Huệ Khải, Giám đốc Sở GD&ĐT, những năm học qua, công tác xây dựng, phát triển đội ngũ CBGV các cấp học phổ thông luôn được quan tâm, cơ bản đảm bảo đủ số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đạt chuẩn nghề nghiệp, có phẩm chất đạo đức, trình độ chính trị, thật sự tâm huyết với nghề, năng động, sáng tạo đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, nhất là chuẩn bị tốt đội ngũ để triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1 trong năm học 2020-2021. Trong giai đoạn 2020-2025, bên cạnh thực hiện tốt các nhiệm vụ năm học, ngành GD&ĐT tập trung triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông từ lớp 1 đến lớp 12 theo lộ trình, do đó mong sự quan tâm hơn nữa của Đảng bộ tỉnh, của các cấp, các ngành đối với công tác đầu tư cơ sở vật chất, tăng cường trang thiết bị dạy và học, đảm bảo biên chế, đội ngũ giáo viên để ngành thực hiện công tác triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh đạt kết quả, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của các cấp học, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.
Lâm Anh