Trung tâm hiện là “ngôi nhà chung” của 63 trẻ từ 1 đến 15 tuổi bị các dạng tật như: chậm phát triển trí tuệ, khiếm thính, tự kỷ, Down… Bằng lòng yêu nghề, mến trẻ, các thầy, cô giáo nơi đây đã và đang tận tâm, nỗ lực áp dụng nhiều phương pháp giáo dục chuyên biệt để các bé sớm tự tin hòa nhập cộng đồng.
Thầy giáo Tôn Thất Nhật, Giám đốc Trung tâm, cho biết: Là đơn vị có nhiệm vụ dạy văn hóa, kỹ năng sống và giáo dục hướng nghiệp cho trẻ em khuyết tật nên học viên đến Trung tâm thường có nhiều độ tuổi khác nhau, đa phần trẻ mắc các khuyết tật như: Khiếm thính, trí tuệ, vận động, hội chứng Down, tự kỷ, đa tật… Với nhiều dạng tật và lứa tuổi như vậy nên việc dạy và học tại trung tâm hoàn toàn khác so với các trường mầm non, tiểu học bình thường. Trước khi nhập học, các em được kiểm tra sức khỏe để đánh giá, xác lập phương pháp học tập và trị liệu phù hợp.
Giờ học vẽ của cô và trò Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh.
Nhằm giúp trẻ phát triển trí tuệ, kết hợp học văn hóa và rèn luyện kỹ năng, mỗi giáo viên (GV) ở Trung tâm phải xây dựng kế hoạch giảng dạy cụ thể, phù hợp với từng đối tượng. Đối với trẻ khuyết tật dưới 6 tuổi và khuyết tật nặng, GV dạy mỗi trẻ 4 tiết/tuần theo chương trình can thiệp sớm và phát triển kỹ năng cơ bản với 4 nội dung chính, gồm: Vận động thô, vận động tâm, nhận thức và ngôn ngữ xã hội giúp các em thay đổi hành vi theo hướng tích cực, có kỹ năng tự phục vụ trong sinh hoạt hằng ngày. Đối với trẻ khuyết tật độ tuổi tiền học đường không thể theo học ở các trường bình thường, các em học tập theo chương trình chuyên biệt của Bộ Giáo dục và Đào tạo với thời lượng 2 buổi/ngày và cuối mỗi học kỳ, các em sẽ được đánh giá kết quả học tập trên các môn học: Tiếng Việt, Toán, Tự nhiên - xã hội, Đạo đức, Thủ công, Mỹ thuật, Thể dục, Luyện nghe - Âm nhạc, Phát triển giao tiếp và Ngôn ngữ ký hiệu.
Năm học này Trung tâm có 63 học sinh được chia thành 5 lớp: 1 lớp khuyết tật trí tuệ-tự kỷ 15 em; 1 lớp khiếm thính 11 em; 2 lớp can thiệp sớm 20 em độ tuổi từ 1 đến 6 tuổi và 2 lớp phát triển kỹ năng cơ bản với 12 em khuyết tật nặng trên 6 tuổi. Để các em tiếp thu bài hiệu quả, GV tăng cường sử dụng thiết bị, đồ dùng dạy học trực quan, vừa dạy, vừa tổ chức trò chơi để các em thoải mái, hứng thú với việc học. Riêng với trẻ khuyết tật dưới 6 tuổi và khuyết tật nặng, GV giảng dạy theo phương thức chia nhóm và giáo dục cá nhân (1 cô, 1 trẻ, 1 phụ huynh), vừa dạy trẻ, vừa hướng dẫn phụ huynh cách dạy con ở nhà để tăng cường hiệu quả, giúp trẻ duy trì và hình thành thói quen tốt.
Cô giáo Đoàn Thị Thanh Thủy, phụ trách lớp can thiệp sớm A, chia sẻ: Cùng trong 1 lớp học nhưng các bé lại khác nhau độ tuổi, chứng bệnh, trí tuệ, nhận thức, tâm sinh lý cũng không giống nhau, chính vì vậy, các cô phải chia nhóm, áp dụng nhiều phương pháp giáo dục chuyên biệt và phải kiên trì, nhẫn nại, đầy tình yêu thương.
Điều thú vị là trong kế hoạch bài giảng của GV không có khái niệm thời gian hoàn thành nội dung dạy và học; thậm chí, một nội dung bài học có thể kéo dài vài tháng. Bên cạnh đó, điều các bé cần nhất là xóa đi mặc cảm khuyết tật để tự tin giao tiếp, tự tin nói lên suy nghĩ, cảm xúc và thể hiện bản thân. Do đó, đòi hỏi các cô phải tự trau dồi nhiều kỹ năng, nhất là trong ngôn ngữ trị liệu và tâm lý giáo dục để gần trẻ, thấu hiểu trẻ hơn. Cô Thủy kể về trường hợp bé Đ.M.Q. ở Tp. Phan Rang - Tháp Chàm, mắc chứng rối loạn phụ tự kỷ, vào Trung tâm lúc bé gần 3 tuổi. Như những bạn cùng chứng bệnh, ngày đầu tiên đến Trung tâm, bé sợ hãi, bỏ chạy. Là GV phụ trách bé Q, cô Thủy tìm cách tiếp cận bé và cách cô chọn là chạy đồng hành. Khuôn viên Trung tâm gần 20 ha, cô Thủy và trò Q đã cùng nhau chạy ròng rã nhiều tuần liền, quá trình chạy mỗi ngày cô Thủy bắt gặp ánh mặt Q ngoái nhìn mỗi khi cô dừng lại. Dần dà, bé tin tưởng vào “người bạn đồng hành” này và chịu trò chuyện cùng cô. Qua 3 năm học tập, rèn luyện tại Trung tâm, Q và mẹ được sự hỗ trợ nhiệt tình của các thầy cô, Q tiến bộ thực sự và đầu năm học 2020-2021, Q đã nhập học lớp 1 ở Trường iSchool Ninh Thuận đúng độ tuổi và được nhà trường phản hồi tích cực khi Q học khá giỏi môn tiếng Anh. Với cô Thủy cũng như bao GV ở Trung tâm, các bé được hòa nhập tốt với cộng đồng, được học tập trong môi trường giáo dục phổ thông hay đơn giản chỉ là sự biết tự chăm sóc bản thân của các em học sinh chính là niềm vui, là món quà vô giá của những người lái “chuyến đò đặc biệt”!
Theo thầy Nhật, giai đoạn từ 0 đến 3 tuổi được xem là “giai đoạn vàng” để phát hiện các khiếm khuyết, dị tật và tập luyện cho trẻ hòa nhập. Do đó, thời gian qua, trung tâm đã liên kết với các bệnh viện Nhi đầu ngành ở TP.Hồ Chí Minh nhằm tầm soát, phát hiện và giới thiệu phụ huynh có con em bị các dạng tật đến trung tâm để được hỗ trợ, can thiệp sớm, được hướng dẫn các phương pháp giáo dục hòa nhập tại nhà cho bé, để các bé được hưởng một cách đầy đủ và trọn vẹn quyền trẻ em, được học tập, vui chơi và được xã hội trân trọng. Lợi ích của các bé khi vào Trung tâm học tập là được tiếp cận với phương pháp giáo dục can thiệp khoa học, được trị liệu, được trang bị các kỹ năng cần thiết để tự lập và hòa nhập, đặc biệt là gia đình sẽ không phải đóng bất cứ một mức phí nào. Đây chính là chính sách ưu đãi, sự quan tâm của Nhà nước dành cho các bé không may mắn có được một cơ thể, một trí tuệ bình thường. Đến nay, qua 5 năm thành lập và đi vào hoạt động, trung bình mỗi năm học, Trung tâm tiếp nhận giáo dục hòa nhập từ 60 đến 65 trẻ; có 219 trẻ đã hoàn thành chương trình giáo dục ở Trung tâm và đang học hòa nhập; trong đó có 92 trẻ can thiệp sớm đang học hòa nhập tại các trường mầm non và 30 trẻ đang học hòa nhập tốt các tại các trường tiểu học. Là người quản lý Trung tâm từ những ngày đầu thành lập đến nay, thầy Tôn Thất Nhật có một điều trăn trở về cái nhìn của xã hội đối với những đứa trẻ khiếm khuyết và về nhận thức của một số ít trường phổ thông tiếp nhận học sinh khuyết tật vào học hòa nhập. Thầy Nhật bộc bạch: Trẻ khuyết tật có thể bị khiếm khuyết một phần cơ thể hoặc trong trí tuệ, nhưng bù lại, các em có những khả năng thiên bẩm mà cần có một môi trường phù hợp để đánh thức tài năng, khả năng đó. Tôi chỉ mong xã hội hãy đón nhận các em bằng cái nhìn bình thường, yêu thương, chia sẻ và giúp đỡ, đồng hành cùng các em trên con đường trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.
Diễm My