Phát huy tinh thần "Gắn kết và chủ động thích ứng", trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN của Việt Nam, ASEAN đã thể hiện bản lĩnh vững vàng, đoàn kết, thống nhất trước khó khăn, trở ngại duy trì đà hợp tác, ứng phó hiệu quả với những tác động từ đại dịch COVID-19 và củng cố hơn nữa vai trò trung tâm, nâng cao vị thế trong khu vực và trên quốc tế. Đến nay, ASEAN đã cơ bản đạt được các mục tiêu đề ra. Đúng như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Gắn kết và chủ động thích ứng không chỉ đơn thuần là chủ đề của năm 2020 mà điều đó cùng với tinh thần chủ động và trách nhiệm đã trở thành “thương hiệu” của ASEAN, giúp chúng ta tay trong tay, ngẩng cao đầu đối diện với khó khăn thách thức, đoàn kết cùng vượt sóng gió, tự tin tiến lên”.
Tiếp tục phát huy những giá trị, bản sắc của ASEAN
Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các Hội nghị Cấp cao liên quan là dịp để ASEAN đánh giá một cách tổng thể những kết quả hợp tác trong năm cả trong nội khối cũng như với các đối tác, đề ra định hướng ưu tiên cho giai đoạn tiếp theo. Đây cũng là dịp duy nhất trong năm, Lãnh đạo ASEAN họp với Lãnh đạo hầu hết các đối tác quan trọng của ASEAN.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 và các Hội nghị Cấp cao liên quan. Ảnh: TTXVN
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm mới của đại dịch COVID-19 tiếp tục tác động nghiêm trọng đến đời sống kinh tế - xã hội trong khi các nỗ lực “mở cửa” trở lại và từng bước phục hồi của các quốc gia còn gặp thách thức. Bên cạnh đó, là diễn biến phức tạp của môi trường chiến lược khu vực và toàn cầu, các vấn đề an ninh truyền thống, phi truyền thống đe dọa an ninh, ổn định ở khu vực. Do đó, Hội nghị là dịp quan trọng để Lãnh đạo các nước ASEAN khẳng định cam kết, quyết tâm chính trị mạnh mẽ nhằm duy trì đà hợp tác, liên kết khu vực, ứng phó hiệu quả với đại dịch COVID-19, củng cố vai trò trung tâm, vị thế của ASEAN cũng như định hướng phát triển phù hợp cho ASEAN trong một thế giới đang chuyển động nhanh chóng, phức tạp, khó đoán định.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho rằng, đây là giai đoạn “Lửa thử vàng, gian nan thử sức” của ASEAN. ASEAN cần thể hiện sự đoàn kết, gắn bó để có thể hoàn tất các ưu tiên sáng kiến của năm ASEAN 2020, hiện thực hóa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, đồng thời ứng phó hiệu quả với các thách thức đang nổi lên, đặc biệt là đại dịch COVID-19.
Về chương trình, dự kiến có 20 hoạt động ở cấp cao, trong đó có Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37, các Hội nghị Cấp cao ASEAN+1 với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Liên hợp quốc, Australia và cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ Đối tác ASEAN - New Zealand, Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 lần thứ 23, Hội nghị Cấp cao Đông Á lần thứ 15, Hội nghị Cấp cao các nước tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Dịp này cũng sẽ diễn ra các Hội nghị Cấp cao Mê Công - Nhật Bản, Mê Công - Hàn Quốc.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sẽ tham dự và phát biểu chào mừng tại Lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN 37. Lễ bế mạc Hội nghị và chuyển giao vai trò Chủ tịch ASEAN sẽ diễn ra vào ngày 15/11/2020. Trên thực tế, Việt Nam tiếp tục đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN đến hết ngày 31/12/2020.
Sau Phiên họp toàn thể cấp cao ASEAN lần thứ 37 sẽ là Lễ công bố kết quả đánh giá giữa kỳ các kế hoạch tổng thể thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và Khung phục hồi tổng thể ASEAN, cùng với đó là Công bố lập Kho dự phòng vật tư y tế ASEAN để ứng phó các tình huống y tế khẩn cấp. Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN - Nhật Bản lần thứ 23, ASEAN và Nhật Bản sẽ công bố kế hoạch thành lập Trung tâm ASEAN về các tình huống y tế khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi với sự hỗ trợ của Nhật Bản.
Ngoài ra, trong khuôn khổ Hội nghị lần này, lần đầu tiên sẽ diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Lãnh đạo nữ ASEAN dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, với sự tham dự của đại diện Lãnh đạo nữ 10 nước ASEAN và Lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ các nước ASEAN với chủ đề “Vai trò của phụ nữ trong xây dựng một Cộng đồng ASEAN gắn kết, năng động, bền vững và bao trùm trong thế giới hậu COVID-19”. Đại diện cho Lãnh đạo nữ Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sẽ tham dự và phát biểu tại Hội nghị.
Các hoạt động khác được tổ chức trong khuôn khổ các Hội nghị cấp cao lần này có: Phiên đối thoại với đại diện Hội đồng Kinh doanh Đông Á, Lễ khởi động chuỗi Logistics công nghệ cao ASEAN, Hội nghị thượng đỉnh Đầu tư và Kinh doanh ASEAN (ABIS).
Tại Hội nghị lần này, dự kiến các Nhà Lãnh đạo sẽ thông qua, ghi nhận, công bố hơn 80 văn kiện. Đây là số lượng văn kiện nhiều nhất từ trước tới nay. Trong số hơn 80 văn kiện này, đáng chú ý có các văn kiện quan trọng là đề xuất của nước Chủ tịch Việt Nam và được các nước ASEAN và các Đối tác ủng hộ như: Tuyên bố Hà Nội về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025; Tuyên bố Hà Nội về tăng cường công tác xã hội hướng đến một Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng; Tuyên bố của các Nhà Lãnh đạo ASEAN+3 về tăng cường năng lực tự cường kinh tế - tài chính trước các thách thức nổi lên...
Chủ động công tác bảo đảm an ninh, trật tự, y tế
Về công tác chuẩn bị phục vụ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các Hội nghị cấp cao liên quan, mọi khâu chuẩn bị đã được hoàn tất với sự tham gia đầy đủ tất cả các bộ, ngành cũng như Ban Thư ký ASEAN quốc gia 2020. Với kinh nghiệm dày dặn, hạ tầng công nghệ hiện đại trong việc tổ chức các Hội nghị trực tuyến quan trọng của ASEAN trong năm qua, chất lượng đường truyền, hình ảnh, âm thanh sẽ được đảm bảo thông suốt, ổn định. Công tác phòng, chống dịch COVID-19 đang triển khai tích cực, thực hiện nghiêm túc các quy định hiện hành.
Việc chuẩn bị tốt Hội nghị thể hiện vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam, một thành viên tích cực, chủ động, có trách nhiệm trong Cộng đồng ASEAN cũng như quốc tế, đồng thời góp phần quảng bá hình ảnh, vị thế của Việt Nam. Đến nay, Việt Nam đã sẵn sàng tổ chức Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các Hội nghị Cấp cao liên quan một cách chu đáo, bảo đảm an ninh, an toàn, nỗ lực hoàn thành các mục tiêu, chương trình nghị sự đề ra trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp trên toàn cầu.
Trước đó, Tiểu ban An ninh - Y tế ASEAN 2020 đã được thành lập bao gồm, các thành viên của Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông... Trong 3 tháng qua, các cơ quan, đơn vị là thành viên Tiểu ban đã chủ động, tích cực triển khai, cơ bản hoàn thành tốt các nhiệm vụ bảo đảm tuyệt đối an ninh, y tế các hội nghị của Năm ASEAN 2020 theo hình thức trực tuyến, trọng tâm là Đại hội đồng liên Nghị viện các nước Đông Nam Á lần thứ 41 (AIPA 41), Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN lần thứ 53 (AMM 53) và nhiều hội nghị quan trọng khác tại Hà Nội. Qua đó, tiếp tục góp phần củng cố vị thế, vai trò của Việt Nam trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020.
Về Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020 quán triệt, phải đảm bảo ở cấp độ cao nhất, cả về mặt nội dung và mặt lễ tân, an ninh, y tế, nhất là về mặt nội dung... Do đó, trong những ngày qua, Tiểu ban An ninh - Y tế ASEAN 2020 đã tăng cường công tác, huy động toàn bộ lực lượng, phương tiện bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn, góp phần phục vụ tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37.
Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an, Phó Trưởng Tiểu ban Thường trực Tiểu ban An ninh - Y tế ASEAN 2020 cho biết, với vai trò thường trực Tiểu ban, Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị an ninh mạng, kỹ thuật nghiệp vụ, đặc biệt là Công an Hà Nội quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia; chủ động xây dựng, triển khai các kế hoạch, phương án bố trí, phân công lực lượng cụ thể bảo đảm an ninh, y tế cho khoảng 36 sự kiện, phiên họp trong khuôn khổ Hội nghị, trọng tâm là Phiên khai mạc, bế mạc và các Phiên họp toàn thể, các cuộc họp cấp Bộ trưởng tại Trung tâm Hội nghị quốc tế.
Đặc biệt, Bộ Công an đã ban hành quy trình xử lý các tình huống liên quan đến an ninh, trật tự có thể nảy sinh; đồng thời tổ chức hướng dẫn, bố trí, phân công lực lượng, tăng cường phương tiện, thiết bị kỹ thuật để sẵn sàng xử lý các tình huống hết sức cụ thể, trọng tâm là ứng cứu sự cố thông tin, tấn công mạng Hội nghị trực tuyến Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 với nhiều tình huống, cấp độ khác nhau.
Bên cạnh đó, Bộ Công an chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tăng cường phát hiện, đấu tranh, vô hiệu hóa từ sớm, từ xa mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các phần tử chống đối và các loại tội phạm; chủ động phương án rà soát, giải tỏa người khiếu kiện vượt cấp, không đúng nơi quy định tại các mục tiêu, khu vực Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37; tổ chức giao thông, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông các tuyến đường đón dẫn đại biểu và xung quanh khu vực tổ chức Hội nghị; tăng cường bảo đảm an ninh mạng, phối hợp chặt chẽ bảo đảm an toàn thông tin, chất lượng hệ thống đường truyền Internet, hệ thống thiết bị, nền tảng kỹ thuật phục vụ tổ chức Hội nghị.
Thiếu tướng Tô Ân Xô nhấn mạnh, đến nay mọi mặt công tác bảo đảm an ninh, trật tự, y tế phục vụ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 đã được triển khai rất chủ động, tích cực và khẩn trương, củng cố vững chắc môi trường an ninh, an toàn, thuận lợi, sẵn sàng đóng góp tích cực cho thành công của các Hội nghị.
Bên cạnh đó, Phòng báo chí của Hội nghị được đặt tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế mở từ ngày 9 - 15/11/2020 với số lượng đáp ứng khoảng 200 phóng viên. Hình và ảnh về các hoạt động của hội nghị sẽ được cung cấp miễn phí cho các cơ quan báo chí trong và ngoài nước.
Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các Hội nghị Cấp cao liên quan là dịp quan trọng để Việt Nam và các nước thành viên ASEAN đưa ra những quyết sách, chỉ đạo quan trọng về hợp tác ASEAN và quan hệ với các đối tác, đối sách của ASEAN đối với các vấn đề khu vực và quốc tế tác động đến khu vực trong thời gian tới, cũng như nâng cao sự chủ động của ASEAN trước các thách thức hiện nay, trong đó có dịch COVID-19. Đây cũng là đợt hoạt động mang ý nghĩa đặc biệt, khép lại nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020.
Theo TTXVN/Báo Tin tức