(NTO) Qua giới thiệu của Hội Nông dân tỉnh, chúng tôi tìm gặp anh Phạm Minh Quang, Bí thư Chi bộ thôn Nhị Hà 3, xã Nhị Hà (Thuận Nam). Anh Quang không chỉ được mọi người biết đến là một Bí thư gương mẫu, năng động ở địa phương, mà còn là điển hình làm kinh tế giỏi.
Dẫn chúng tôi tham quan trang trại rộng hơn 10 ha của mình, anh Phạm Minh Quang cho biết: Tôi là người gốc Bình Định, nhưng lớn lên tại Tp. Phan Rang- Tháp Chàm. Khi chưa lên đây làm ăn, tôi đã từng làm nhiều việc, từ cán bộ xã rồi đến kinh doanh buôn bán…Nhưng có lẽ tôi có duyên hơn với nghề nông”. Nghiệp nông của anh bắt đầu từ năm 1996. Qua nhiều lần tiếp xúc với người chăn nuôi, thấy nghề nuôi dê, cừu có triển vọng, anh quyết định lên Nhị Hà mua 10 ha đất dưới chân đồi thôn Nhị Hà 3, đầu tư cải tạo và thả nuôi 50 con dê ban đầu. Sau đó anh tiếp tục mua thêm 10 con cừu, 10 con bò về làm giống để phát triển đàn. Không bỏ phí đất, anh tiến hành trồng lúa, trồng cỏ làm thức ăn cho cừu, dê, bò. Đến năm 2002, đàn dê, cừu của anh phát triển lên đến trên 1.000 con, đàn bò 90 con. Năm 2003, dê, cừu có giá, anh đã lãi ròng trên 800 triệu đồng. Anh tiếp tục đầu tư trên 300 triệu đồng mua thêm 3 ha đất mở rộng đồng cỏ, xây dựng chuồng trại kiên cố, lắp đặt hệ thống dẫn nước từ Sông Lu để phát triển đàn gia súc. Vài năm sau, dê cừu mất giá, trong lúc mọi người chán nản bỏ nghề, riêng anh vẫn tiếp tục duy trì, cố gắng làm tốt khâu vệ sinh chuồng trại, chăm sóc đàn gia súc để tránh dịch bệnh. Mặc dù số tiền kiếm được từ việc bán dê cừu, bò, không lớn nhưng cũng đủ để anh trang trải chi phí vượt qua khó khăn và duy trì nghề chăn nuôi cho đến ngày nay. Hiện đàn dê cừu của anh đã phát triển trên 420 con, đàn bò 130 con. Anh Quang tâm sự: Nghề chăn nuôi rất vất vả, muốn sống được với nó, người nuôi phải am hiểu kỹ thuật chăm sóc và đặc biệt phải yêu nghề, kiên trì, có kế hoạch rõ ràng, không nên thấy khó khăn, hoặc lợi nhuận trước mắt mà bỏ nghề hay làm ăn theo kiểu tự phát, như thế may ra mới tồn tại được”. Vài năm trở lại đây, giá dê, cừu đã tăng trở lại. Với giá thịt dê cừu hơi trung bình 65.000 đồng/kg, từ đàn gia súc của mình, mỗi năm anh thu lãi trên 100 triệu đồng.
Nói về hướng làm ăn trong tương lai, anh Phạm Minh Quang bộc bạch: Tôi có dự định mở rộng trang trại, liên kết một số bạn bè thành lập HTX chăn nuôi dê sạch theo tiêu chuẩn GAP. Tất cả các yếu tố như: Kỹ thuật, quy trình nuôi, chăm sóc đàn dê sạch, thậm chí cả thị trường tiêu thụ sản phẩm tôi đã tìm hiểu kỹ. Mong muốn của chúng tôi là địa phương tạo điều kiện cho chúng tôi thuê 20 ha đất cạnh trang trại để có điều kiện mở rộng trang trại thành lập HTX. Vì hiện tại đất khu vực xung quanh đây hầu hết là đất hoang, sẽ rất uổng phí nếu không được khai thác”. Theo anh Quang, để thực hiện mô hình chăn nuôi dê theo tiêu chuẩn GAP, 30 ha đất sẽ được chia làm 30 ô, tất cả các ô đều được trồng cỏ, mỗi ngày gia súc được chăn thả trong 1 ô, rồi lần lượt cho đến ô thứ 30. Như thế sau 30 ngày đủ thời gian cỏ mọc trở lại cung cấp đủ nguồn thức ăn cho đàn dê, lại vừa dễ dàng quản lý, vệ sinh chuồng trại... bảo đảm chất lượng vật nuôi. Nếu mô hình thành công, anh sẽ tiếp tục nhân rộng, không chỉ đối với đàn dê mà còn tiến hành thực hiện mô hình cừu, bò sạch.
Mặc dù còn quá sớm để đánh giá về hiệu quả mô hình chăn nuôi dê sạch của anh Trần Minh Quang, nhưng với những việc làm, ý tưởng của mình, anh Quang cũng để lại cho chúng tôi ấn tượng đẹp về một người luôn sáng tạo, có ý chí vươn lên, biết làm giàu chính đáng từ đôi tay của mình.
Uyên Thu