Hệ thống pháp luật cồng kềnh, phức tạp
Luật Khám, chữa bệnh quy định rõ: Cấm hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh vượt quá phạm vi hoạt động chuyên môn được ghi trong chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động, trừ trường hợp cấp cứu.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Tuy nhiên, Nghị định 155/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Y tế lại cho phép người phụ trách chuyên môn của cơ sở khám, chữa bệnh được quyết định người hành nghề thực hiện kỹ thuật chuyên khoa khác sau khi có chứng chỉ hoặc chứng nhận đào tạo kỹ thuật chuyên môn đó do cơ sở đào tạo hợp pháp cấp mà không cần bổ sung phạm vi hành nghề.
Như vậy, quy định tại Nghị định 155/2018/NĐ-CP và Luật Khám, chữa bệnh đang có sự "vênh" nhau, gây khó khăn, lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện. Đây cũng minh chứng cho thấy rõ tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong các quy định của pháp luật thời gian qua.
Theo Báo cáo của Chính phủ về kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước, qua rà soát 8.779 văn bản, các cơ quan đã phát hiện 28 nội dung quy định trong 41 văn bản quy phạm pháp luật được nhận định là có mâu thuẫn, chồng chéo; 64 nội dung quy định trong 77 văn bản quy phạm pháp luật được nhận định là có bất cập, không phù hợp thực tiễn.
Mặc dù công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thời gian qua đạt nhiều kết quả tích cực, điều chỉnh toàn diện các lĩnh vực kinh tế-xã hội, tuy nhiên, Báo cáo cũng chỉ rõ: Hệ thống pháp luật vẫn còn cồng kềnh, phức tạp với số lượng lớn văn bản dưới luật, nhất là văn bản của các bộ, cơ quan ngang bộ. Một số quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn; tính khả thi, tính dự báo chưa cao, ảnh hưởng đến tính ổn định của hệ thống pháp luật. Một số quy định chưa đáp ứng yêu cầu "chính xác, phổ thông, cách diễn đạt phải rõ ràng, dễ hiểu" theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, dẫn đến việc hiểu, áp dụng không thống nhất. Một số cơ quan soạn thảo văn bản chưa quan tâm đúng mức đến việc rà soát đầy đủ, kỹ lưỡng quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật liên quan khi sửa đổi, bổ sung, ban hành quy định mới, dẫn đến mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy định.
Bên cạnh đó, tình trạng chậm, nợ đọng văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành vẫn chưa được khắc phục triệt để, làm giảm hiệu lực, hiệu quả thi hành luật, pháp lệnh, ảnh hưởng đến hoạt động quản lý nhà nước và quyền lợi, lợi ích của người dân.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đến hết Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã ban hành 55 luật; trong đó, 53 luật đã có hiệu lực thi hành, 2 luật có hiệu lực thi hành từ 1/1/2021.
Tính đến tháng 8/2020, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, trưởng ngành đã ban hành văn bản quy định chi tiết được 485/572 (chiếm 85%) nội dung được giao trong các luật; còn lại 87/572 (chiếm 15%) nội dung chưa ban hành văn bản quy định chi tiết. Một số luật có từ 80% - 100% nội dung chưa có văn bản quy định chi tiết được ban hành, đặc biệt, có một số nội dung sau gần 3 năm luật có hiệu lực nhưng vẫn chưa có văn bản quy định.
Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ xây dựng pháp luật
Chỉ ra nguyên nhân của tình trạng văn bản chồng chéo, hết hiệu lực hoặc chưa phù hợp với thực tế, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho rằng, đó là do khả năng còn hạn chế. "Chúng ta chưa dự liệu hết được các vấn đề đặt ra trong đời sống kinh tế - xã hội; đặc biệt là chưa xử lý được vấn đề liên ngành. Bên cạnh đó, nhiều vấn đề rất khó và có biến động phải cập nhật ngay lập tức như dịch COVID-19 hay Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư...", Bộ trưởng phân tích.
Để giải quyết tình trạng này, Bộ trưởng Lê Thành Long cho rằng, các chủ thể đề xuất xây dựng luật, pháp lệnh và các văn bản cần cân nhắc, rà soát, đánh giá kỹ tác động và thực hiện nghiêm các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Ngoài ra, các cơ quan soạn thảo cần đặt dự thảo văn bản trong bối cảnh liên ngành, liên lĩnh vực; bởi chỉ cần vướng mắc trong một lĩnh vực sẽ ảnh hưởng đến các lĩnh vực khác, từ đó luật không thực thi được. Việc tập trung nguồn lực và yếu tố con người cũng rất quan trọng, trong đó cần đào tạo, bồi dưỡng những cán bộ trực tiếp làm công tác xây dựng pháp luật và cán bộ chỉ đạo điều hành của các bộ, các cơ quan ngang bộ.
Về tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, bên cạnh lý do chủ quan của bản thân các bộ, các ngành, Bộ trưởng Lê Thành Long nhấn mạnh đến lý do khách quan. "Thời gian qua, có những luật ban hành rất nhiều văn bản quy định chi tiết, như Luật Thi hành án hình sự đến 40 nội dung phải quy định chi tiết, Luật Đầu tư công 30 nội dung và thời hạn chỉ có 6 tháng sau khi Luật ban hành. Trong khi đó, nhiều vấn đề rất nhạy cảm, khó khăn...", Bộ trưởng dẫn chứng.
Bộ trưởng cho rằng, để khắc phục vấn đề này, trước hết, bản thân từng bộ, ngành phải cố gắng và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm đồng thời là tiêu chí để đánh giá cán bộ trong công tác thi đua khen thưởng và bổ nhiệm cán bộ. Các cơ quan khi làm luật phải song song với văn bản quy định chi tiết. Nếu chưa "chín" thì chưa trình và chưa đưa vào chương trình, đồng thời thực hiện nghiêm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Theo TTXVN/Báo Tin tức