-Phóng viên: Đ/c cho biết ý nghĩa ra đời của Hội Nông dân Giải phóng miền Nam?
- Đ/c Nguyễn Văn Ngọt (ảnh): Sau Hiệp định Giơ-ne-ve (20-7-1954), đế quốc Mỹ vẫn tiếp tục âm mưu kéo dài chiến tranh ở Đông Dương. Để thực hiện chiến tranh xâm lược nước ta, Mỹ thiết lập ở miền Nam chế độ bù nhìn Ngô Đình Diệm. Cùng với việc thi hành chính sách “tố cộng, diệt cộng” nhằm triệt phá cơ sở cách mạng các địa bàn nông thôn miền Nam, Mỹ - Diệm còn âm mưu phục hồi giai cấp địa chủ, ban bố Đạo Dụ (Đạo luật) lừa bịp, bần cùng hóa nông dân. Đi đôi với kế hoạch lập “Khu dinh điền”, Mỹ - Diệm còn thành lập “khu trù mật” ở các vùng từ Tây Nguyên đến vùng đồng bằng Nam bộ nhằm bình định nông thôn, khống chế nông dân, cắt đứt mối liên hệ giữa nông dân với Đảng. Đặc biệt từ giữa năm 1959, trước sự khủng bố dã man của kẻ thù, phong trào nông dân khắp miền Nam đã vùng lên đập tan từng mảng chính quyền cơ sở của địch. Ở tỉnh ta có cuộc cuộc nổi dậy của hơn 5.000 nông dân Ra glai, huyện Bác Ái, phá khu tập trung Bà Râu - Tầm Ngân. Tại Hội nghị lần thứ 15 của Ban Chấp Trung ương Đảng (khóa II) đã đề ra nhiệm vụ cho cách mạng miền Nam là: Giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc và phong kiến, thực hiện độc lập dân tộc và “người cày có ruộng”, xây dựng nước Việt Nam hòa bình thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh. Thực hiện Nghị quyết 15 Trung ương Đảng, từ giới tuyến 17 đến mũi Cà Mau, ngọn lửa đấu tranh cách mạng bùng lên như “Thác trào bão cuốn” mở ra cao trào “Đồng khởi” của nhân dân miền Nam, đập tan kế hoạch lập “khu trù mật” và chính sách “cải cách điền địa” của địch. Trước thắng lợi to lớn của phong trào Đồng khởi, ngày 20-12-1960, Đại hội Đại biểu Quốc dân miền Nam đã họp tại căn cứ Bắc Tây Ninh, tuyên bố thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam, ngày 21-4-1961, Hội Nông dân Giải phóng miền Nam chính thức ra đời. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước cho đến nay, Hội Nông dân Giải phóng miền Nam là tổ chức nòng cốt của cách mạng nông thôn miền Nam, đi đầu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa, là cầu nối giữa nông dân với Đảng, góp phần tăng cường khối liên minh vững chắc Công - Nông - Trí thức và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
- Phóng viên: Đ/c có thể nêu một số kết quả nổi bật của Hội Nông dân tỉnh ta trong thời gian qua?
- Đ/c Nguyễn Văn Ngọt: Kế thừa truyền thống cách mạng giai cấp nông dân Việt Nam, các cấp Hội, cán bộ, hội viên, nông dân tỉnh nhà luôn nêu cao vai trò, trách nhiệm, tích cực tuyên truyền, thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn”. Chỉ tính riêng năm 2010, đã có 50.481 hộ nông dân đăng ký gia đình sản xuất kinh doanh giỏi; 53.149 hộ đăng ký gia đình nông dân văn hoá. Các cấp Hội đã phối hợp vận động xóa 899 nhà tạm, trên 350 triệu đồng xây dựng quỹ hỗ trợ, tương hỗ nông dân; đồng thời phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT, Ngân hành Chính sách Xã hội cho hội viên vay vốn phát triển sản xuất với tổng dư nợ trên 436 tỷ đồng. Hội còn phối hợp mở các lớp dạy nghề cho 4.460 hội viên nông dân, tập trung các nghề như: Kỹ thuật chăn nuôi thú y, kỹ thuật trồng trọt, sửa chữa và sử dụng máy nông nghiệp, nữ công gia chánh...Với những việc làm thiết thực đó, năm 2010, Hội đã góp phần giúp 1.989 hội gia đình hội viên, nông dân thoát nghèo, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động nông thôn, đời sống bà con không ngừng được cải thiện.
- Phóng viên: Vậy nhiệm vụ trọng tâm của Hội trong thời gian tới là gì?
- Đ/c Nguyễn Văn Ngọt: Ngoài nhiệm vụ củng cố, xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, chúng tôi đặc biệt chú trọng vận động nông dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng liên quan đến nông dân, nông nghiệp và nông thôn. Cụ thể, Hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh 3 phong trào thi đua lớn: Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, Nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới; Nông dân tham gia bảo đảm quốc phòng-an ninh, đồng thời chỉ đạo các cấp Hội thực hiện tốt công tác vận động xây dựng quỹ hỗ trợ nông dân; phối hợp thực hiện có hiệu quả các chương trình liên tịch để tạo vốn, hỗ trợ dịch vụ, đào tạo nghề; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp từng vùng, miền; chuyển giao và phối hợp chuyển giao khoa học kỹ thuật, từng bước cơ giới hóa vào sản xuất nhằm làm ra sản phẩm có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo các tiêu chuẩn về vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường từng bước nâng cao khả năng cạnh tranh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và tích cực xây dựng nông thôn mới.
Xin cảm ơn đồng chí!
Uyên Thu (thực hiện)