Các làng Chăm vui đón Katê

Những năm gần đây, đời sống của đồng bào Chăm trong tỉnh không ngừng được nâng lên, nên việc tổ chức đón Katê cũng rộn ràng hơn.

Để Lễ hội Katê diễn ra vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm và đậm đà bản sắc dân tộc, các địa phương chỉ đạo các thôn tuyên truyền, hướng dẫn bà con treo cờ Tổ quốc ở các tuyến đường, làm vệ sinh nhà cửa, đường làng ngõ xóm, tổ chức luyện tập văn nghệ, bóng chuyền, bóng đá và các trò chơi dân gian. Đồng thời, thành lập các tổ an ninh thường xuyên tuần tra đảm bảo an ninh trật tự để người dân yên tâm vui đón Lễ hội Katê.

Về thôn Hữu Đức, xã Phước Hữu (Ninh Phước) trong những ngày này, chúng tôi cảm nhận được không khí chuẩn bị đón Lễ hội Katê năm 2020 của đồng bào Chăm theo đạo Bàlamôn ở địa phương khá nhộn nhịp.

Thôn Hữu Đức hiện có 748 hộ/3.496 nhân khẩu, sống chủ yếu bằng nghề nông. Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự hỗ trợ của chính quyền các cấp, kết cấu hạ tầng nông thôn được đầu tư khá hoàn chỉnh, tạo điều kiện thuận lợi giúp bà con phát triển sản xuất. Cùng với đó, bà con thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa các loại giống lúa mới, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất theo mô hình “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa; thực hiện hiệu quả mô hình liên kết với Công ty TNHH Jimmy Hung Anh Food sản xuất gạo sạch với diện tích khoảng 50 ha, nhằm tạo ra sản phẩm nông nghiệp theo hướng hàng hóa, chất lượng cao; đặc biệt mô hình cánh đồng lớn sản xuất lúa được thực hiện qua các vụ sản xuất cho năng suất đạt trên 7 tạ/sào/vụ, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Ngoài trồng lúa, bà con còn đầu tư phát triển chăn nuôi bò, dê, cừu theo hướng trang trại, gia trại để nâng cao thu nhập. Hiện nay tổng đàn bò hiện có 400 con, đàn dê, cừu 3.500 con, heo 300 con… Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người đạt 40 triệu đồng/người/năm.

Người dân mua sắm vật dụng chuẩn bị đón Lễ hội Katê. Ảnh: Hồng Lâm

Cùng với phát triển kinh tế, trong những năm qua, phong trào xây dựng NTM được bà con hưởng ứng tích cực. Ông Đàng Năng Tiên, Trưởng thôn Hữu Đức, cho biết: Hệ thống điện, đường, trường học trên địa bàn được đầu tư khang trang; đã bê tông hóa được trên 70% tuyến đường liên thôn, nội thôn; 100% hộ dân sử dụng nước sạch, 100% hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia nên bà con rất vui mừng. Đặc biệt, càng phấn khởi hơn khi mới đây được Ấn Độ tài trợ kinh phí 16 tỷ đồng đầu tư xây dựng các công trình như nhà sinh hoạt cộng đồng, sân vận động, cổng làng vừa được hoàn thành và đưa vào sử dụng tạo cho bộ mặt nông thôn mới thêm phần khang trang.

Đời sống ngày càng khởi sắc, bà con còn có điều kiện chăm lo cho con em ăn học. Nhiều tộc họ đã xây dựng nguồn Quỹ Khuyến học để kịp thời hỗ trợ con cháu trong tộc họ có thêm điều kiện đến trường. Bên cạnh đó, người dân trong thôn luôn phát huy tốt mối quan hệ, hỗ trợ nhau trong cuộc sống, sản xuất; thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước; tích cực tham gia các hoạt động, phong trào do địa phương phát động như: phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học”.

Là nơi diễn ra lễ rước y trang, nghi thức quan trọng trong Lễ hội Katê của đồng bào Chăm theo đạo Bàlamôn, nên những ngày này, đâu đâu cũng thấy người dân phấn khởi dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị lễ vật, sắm sửa đồ dùng… mừng đón lễ hội. Đặc biệt là khẩn trương tập luyện các nghi lễ và văn nghệ để chuẩn bị đón lễ hội. Ông Nại Thành Hữu, người dân trong thôn, chia sẻ: Lễ hội Katê diễn ra đúng thời điểm bà con được mùa lúa hè-thu nên rất vui vì có điều kiện mua sắm lễ vật, trang hoàng nhà cửa để đón Katê thêm phần đầm ấm, sung túc hơn.

Đồng chí Huỳnh Kiều Minh, Chủ tịch UBND xã Phước Hữu, cho biết: Những năm gần đây, đời sống của đồng bào Chăm trong xã không ngừng được nâng lên, nên việc tổ chức đón Katê cũng rộn ràng hơn. Để Lễ hội Katê diễn ra vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm và đậm đà bản sắc dân tộc, xã chỉ đạo các thôn tuyên truyền, hướng dẫn bà con treo cờ Tổ quốc ở các tuyến đường, làm vệ sinh nhà cửa, đường làng ngõ xóm, tổ chức luyện tập văn nghệ, bóng chuyền, bóng đá và các trò chơi dân gian. Đồng thời, thành lập các tổ an ninh thường xuyên tuần tra đảm bảo an ninh trật tự để người dân yên tâm vui đón Lễ hội Katê.

* Đón Lễ hội Katê năm nay, bà con đồng bào Chăm xã Phước Hậu (Ninh Phước) vui mừng, phấn khởi khi vừa thu hoạch xong lúa vụ hè-thu đạt kết quả cao. Không khí rộn ràng đón lễ hội truyền thống đến với mọi nhà.

Bộ mặt nông thôn mới ở làng chăm Hữu Đức, xã Phước Hậu (Ninh Phước) ngày càng khởi sắc. Ảnh: T.Mạnh

Cũng như các địa phương khác trong tỉnh, đồng bào Chăm ở xã Phước Hậu nêu cao tinh thần đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, chung tay thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Là vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của huyện Ninh Phước, phát huy thế mạnh, tiềm năng đất đai màu mỡ, cấp ủy, chính quyền xã tập trung triển khai nhiều giải pháp thiết thực, lãnh đạo nhân dân từng bước khắc phục sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, đẩy mạnh áp dụng khoa học-kỹ thuật vào canh tác; các loại giống cây trồng, vật nuôi chủ lực được bố trí phù hợp, tạo ra sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, đưa đời sống người dân toàn xã nói chung và các làng Chăm nói riêng ngày càng nâng lên.

Từ những định hướng đúng đắn, bà con ở các thôn Phước Đồng, Hiếu Lễ, Chất Thường mạnh dạn thay đổi phương thức canh tác cũ, chủ động liên kết với Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nha Hố thực hiện có hiệu quả mô hình sản xuất lúa giống trên 200 ha đã giúp nông dân tăng lợi nhuận từ 15-17 triệu đồng/ha so với sản xuất lúa thương phẩm. Đáng chú ý hơn, thực hiện chủ trương xây dựng mô hình cánh đồng lớn của tỉnh, trong vụ hè-thu năm 2017, bà con thôn Hiếu Lễ tiên phong tham gia triển khai thí điểm với diện tích ban đầu 56 ha, đến nay đã được nhân rộng ra toàn xã trên diện tích 743 ha, năng suất bình quân đạt 77 tạ/ha; đây được xem là thành công lớn nhất trong sản xuất nông nghiệp ở địa phương. Vài năm trở lại đây, ngoài lúa là cây trồng chủ lực, bà con còn trồng táo theo quy trình VietGAP, chú trọng phát triển chăn nuôi bò, dê, cừu theo hướng sản xuất hàng hóa cho thu nhập khá cao.

Phước Hậu được ghi nhận là xã có nhiều cách làm hay, sáng tạo trong xây dựng NTM. Bên cạnh sự đầu tư của Nhà nước, người dân ở các thôn tham gia đóng góp tiền và ngày công thực hiện các công trình kết cấu hạ tầng, tạo diện mạo nông thôn thêm phần khởi sắc. Lễ hội Katê năm nay, xã đã xây dựng và hoàn thành một số công trình, trong đó có sự đóng góp của người dân như bê tông đường giao thông nội thôn Hiếu Lễ, Phước Đồng 1, đường nội động Phước Đồng 2, với chiều dài 2.820 mét, kinh phí trên 1,6 tỷ đồng. Qua đó, không chỉ góp phần giữ vững và nâng cao các tiêu chí đã đạt được. Ông Trượng Văn Chuối, Trưởng thôn Hiếu Lễ, cho biết: Nhằm phục vụ người dân cũng như du khách đến tham quan trong dịp lễ hội, bà con trong thôn đóng góp hơn 15 triệu đồng để trồng hoa trên một số tuyến đường chính, ra quân làm vệ sinh môi trường tại sân vận động, khu vực tổ chức hoạt động văn nghệ, thể thao, thành lập đoàn tham gia hội thi văn hóa, thể thao do huyện tổ chức và phối hợp cùng với Đoàn nghệ thuật dân gian Chăm Ninh Thuận biểu diễn trong những ngày diễn ra lễ hội. Trong niềm vui đón Katê, người dân Phước Hậu cũng đặt kỳ vọng, niềm tin vào sự thành công của Đại hội Đảng bộ tỉnh sắp tới. Bà Tạ Thị Nhập, ở thôn Chất Thường, phấn khởi: Chúng tôi hết sức vui mừng trước những thành tựu tỉnh ta đạt được trong nhiệm kỳ 2015-2020, mong muốn nhiệm kỳ tới, tỉnh sẽ có nhiều giải pháp bứt phá, thúc đẩy phát triển toàn diện kinh tế-xã hội của tỉnh; tiếp tục quan tâm, hỗ trợ đời sống người dân, nhất là khu vực đồng bào dân tộc thiểu số.

Ông Huỳnh Hồng Phúc, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Hậu, cho biết: Để lễ hội Katê thêm phần nhộn nhịp, ý nghĩa; đồng thời, tạo khí thế thi đua sôi nổi thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2020 và hướng đến Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025, trên tinh thần chỉ đạo của UBND huyện, xã hướng dẫn các thôn đồng loạt treo cờ Tổ quốc tại trung tâm hành chính xã, trụ sở các thôn; huy động kinh phí 80 triệu đồng để thực hiện mô hình tuyến đường hoa, phát dọn vệ sinh môi trường ở các tụ điểm văn hóa và nhà dân, thành lập tổ đảm bảo an ninh trật tự; đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền trong đồng bào vui đón lễ hội với tinh thần chu đáo và tiết kiệm đúng theo phong tục tập quán, góp phần thắt chặt tình đoàn kết các dân tộc.