Chế tài đi cùng chính sách
Đón nhận thông tin này, nhiều sinh viên học ngành sư phạm tỏ ra vui mừng. Em Trần Thị Thanh Nhàn (Sinh viên khoa Ngữ văn, ĐH Sư phạm Hà Nội) cho biết: “Học sư phạm được miễn giảm học phí nhưng hoàn cảnh gia đình em vẫn còn khó khăn. Em ở ký túc xá nhưng vẫn phải đi làm thêm, gia sư để có thêm tiền trang trải. Nếu có thêm mức tiền này, em sẽ đầu tư thêm vào việc học ngoại ngữ, giảm áp lực làm thêm để tập trung học tập hơn”.
Ngày hội việc làm của ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức có sự tham gia của 38 đơn vị tuyển dụng với 900 vị trí việc làm đã đăng ký trước với nhà trường. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN
Trao đổi với phóng viên, TS Cao Bá Cường, Trưởng phòng Công tác Chính trị - Học sinh sinh viên, ĐH Sư phạm Hà Nội 2 cho biết: Ngay từ khi Nghị định 116 là dự thảo, trường đã đăng thông tin trên fanpage. Nhiều em đón nhận thông tin này với niềm vui rất lớn. Hiện tại, sinh viên trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 được hưởng chính sách miễn học phí theo Nghị định 86. Việc miễn học phí đối với sinh viên sư phạm từ năm 1998 đã tạo ra sức hút rất lớn với ngành học này. Nhưng càng về sau việc miễn giảm học phí này không còn hiều ý nghĩa nữa. Sinh viên giỏi vào trường sư phạm giảm đáng kể. Do đó, với nghị định mới này được xem như một cú hích để khuyến khích người học.
“Học phí của sinh viên trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 trung bình là 1 triệu/tháng - đối với ngành phải đóng học phí. Mức tiền 3,63 triệu đồng đủ đảm bảo cuộc sống ký túc xá và trang trải sinh hoạt phí cho các em”, TS Cao Bá Cường cho biết.
Theo quy định, để nghị định thực sự hiệu quả thì sinh viên đã hưởng chính sách không công tác trong ngành giáo dục sau 2 năm kể từ ngày có quyết định công nhận tốt nghiệp sẽ phải bồi hoàn kinh phí hỗ trợ. Trường hợp chuyển sang ngành đào tạo khác, bỏ học, không hoàn thành chương trình đào tạo cũng phải bồi hoàn. Nếu bồi hoàn chậm, sinh viên phải chịu lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn do Ngân hàng nhà nước Việt Nam quy định đối với khoản tiền chậm bồi hoàn. Trường hợp không thực hiện nghĩa vụ thì cơ quan thu hồi kinh phí bồi hoàn có quyền khởi kiện tại tòa án.
Nghị định 116 có hiệu lực từ 15/11/2020, nhưng áp dụng bắt đầu từ khóa tuyển sinh năm học 2021-2022.
Vẫn bài toán "đầu ra" và lương giáo viên
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, những người sâu sát với đời sống sinh viên sư phạm thì để chính sách có hiệu quả và lâu dài cần có kế hoạch dài hơi.
Khi tiếp cận nghị định mới, nhiều sinh viên ĐH Sư phạm Hà Nội 2 đặt ra vấn đề với nhà trường là việc làm sau khi ra trường. TS Cao Bá Cường cho biết, sinh viên tốt nghiệp ngành sư phạm ra trường thất nghiệp không còn là mới. Báo chí nói nhiều đến 20.000 cử nhân sư phạm thất nghiệp, các trường sư phạm chủ chốt cắt giảm 10% chỉ tiêu hàng năm.
“Vậy làm thế nào để sinh viên sư phạm ra trường có việc làm đúng ngành đúng nghề là rất quan trọng. Tôi nghĩ cần có sự tham gia mạnh mẽ của địa phương”, TS Cao Bá Cường đặt vấn đề.
Chỉ ra thực trạng lựa chọn ngành sư phạm trong những năm qua, TS Vũ Thu Hương, khoa Giáo dục Tiểu học, trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết: Khi có hỗ trợ kinh phí cho sinh viên sư phạm, các trường tuyển sinh dễ dàng, thậm chí đắt hàng. Điều này cho thấy nhiều sinh viên đăng ký học vì hỗ trợ học phí chứ không phải là tìm nghề nghiệp mơ ước. Rất nhiều năm, sinh viên lựa chọn trường để học dựa vào điểm thi tuyển, chế độ thi tuyển. Tình trạng một học sinh được đăng ký tới 10 - 20 nguyện vọng rồi hết năm thứ nhất, bỏ trường, bỏ nghề đi tìm nghề nghiệp khác là rất phổ biến.
Theo TS Vũ Thu Hương, nên chăng, chúng ta tăng mức trợ cấp cho giáo viên, đẩy mức thu nhập của giáo viên lên thật cao. Nghĩa là tách thu nhập của giáo viên ra khỏi hệ thống ngành nghề chung hoặc có trợ cấp riêng. Điều này sẽ khiến các giáo viên trân trọng nghề nghiệp hơn, làm việc trách nhiệm và tâm huyết hơn.
“Đầu vào tuyển được, đầu ra giáo viên không làm được việc hoặc không xin được việc, hay lương thấp, thì cũng không có nhiều giá trị để trợ giúp phát triển giáo dục”, TS Vũ Thu Hương chia sẻ. Theo TS Cao Bá Cường để những vấn đề như sinh viên ra trường có việc làm, nâng mức sống giáo viên, rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ của địa phương.
“Tôi mong trong thời gian tới Bộ Giáo dục và Đào tạo có thông tư hướng dẫn để các ngành liên quan thực hiện. Hoặc áp dụng hình thức như tín dụng sinh viên, hay nói cách khác địa phương cấp tiền, địa phương thực hiện hướng dẫn nghị định. Điều này địa phương làm tốt hơn”, TS Cao Bá Cường nhận định.
Chính sách không thu học phí đối với học sinh, sinh viên sư phạm thực hiện từ Luật Giáo dục năm 1998. Nhưng nhu cầu thị trường lao động thay đổi, số sinh viên ra trường thất nghiệp hoặc làm trái ngành nhiều, gây lãng phí lớn. Luật Giáo dục 2019 quy định học sinh, sinh viên sư phạm được hỗ trợ học phí và chi phí sinh hoạt nhưng phải bồi hoàn nếu công tác trong ngành không đủ thời gian.
Theo TTXVN/Báo Tin tức