Khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập
Cách đây 75 năm, ngay sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời ngày 3-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng: “nạn dốt là một trong những phương pháp độc ác mà bọn thực dân dùng để cai trị chúng ta. Hơn 90% đồng bào ta mù chữ... Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu, vì vậy tôi đề nghị mở một chiến dịch để chống nạn mù chữ” (1).
Thực hiện ý kiến của Bác, ngay sau phiên họp đầu tiên của Chính phủ, ngày 8-9-1945, Chính phủ đã ban hành 3 sắc lệnh, đó là: Sắc lệnh 17/SL thành lập Nha bình dân học vụ, Sắc lệnh 19/SL quy định mọi làng phải có lớp học bình dân và Sắc lệnh 20/SL cưỡng bách học chữ quốc ngữ không mất tiền; đặt sự nghiệp bình dân học vụ vừa là một phong trào cách mạng, vừa là thiết chế giáo dục của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Sau đó, ngày 4-10-1945, Bác ra lời kêu gọi “Chống nạn thất học” gửi tới toàn thể quốc dân đồng bào. Bác viết: “Muốn giữ vững nền độc lập, muốn làm cho dân mạnh nước giàu, mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà, và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ” (2).
Thực hiện sắc lệnh và hưởng ứng lời kêu gọi của Bác, phong trào Bình dân học vụ nhanh chóng được triển khai, lan rộng và ăn sâu vào từng thôn xóm, bản làng. Người học bao gồm đầy đủ các thành phần, từ trẻ em đến thanh niên, phụ nữ và các cụ già. Giáo viên là thầy giáo giáo dạy ở các trường học, là cán bộ các ngành, là học sinh, bộ đội, từ mọi tầng lớp nhân dân và cả những người vừa thoát nạn mù chữ. Lớp học là trụ sở của các trường phổ thông, các cơ quan chính quyền, doanh trại quân đội, nhà của người dân, đình, chùa... Và chỉ một năm sau, đã có 75.000 lớp học được tổ chức với sự tham gia của 95.000 giáo viên; trên 2,5 triệu người đã biết đọc, biết viết. Đây là một kỳ tích có một không hai về xã hội hóa học tập trong lịch sử giáo dục.
75 năm đã trôi qua, kể từ ngày Bác phát động phong trào Bình dân học vụ, sự nghiệp giáo dục phát triển trên nền tảng xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam đã có những phát triển vượt bậc và gặt hái được nhiều thành công. Từ chỗ 95% dân số nước ta có mù chữ (năm 1945), đến nay, 97,35% dân số trong độ tuổi từ 15-60 biết chữ, tỷ lệ biết chữ của đồng bào dân tộc thiểu số cũng tăng lên 92,56%; 100% đơn vị cấp tỉnh, huyện và 99% đơn vị cấp xã duy trì đạt chuẩn xóa mù chữ. Chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở được giữ vững và nâng cao: 63/63 tỉnh, thành phố đều đạt chuẩn phổ cập giáo dục. Mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học được củng cố và phát triển ở khắp các khu dân cư lớn, các vùng và một số tỉnh/thành phố. Năm 2019, hệ thống giáo dục đại học Việt Nam xếp thứ 68/196 quốc gia trên thế giới, tăng 12 bậc so với năm 2018. Lần đầu tiên, Việt Nam có 3 cơ sở giáo dục đại học được vào top 1.000 trường đại học tốt nhất thế giới; có 8 cơ sở giáo dục đại học Việt Nam nằm trong danh sách 500 trường đại học hàng đầu châu Á. Chất lượng nguồn nhân lực được chuyển biến tích cực. Trong những thành tựu về tăng trưởng và phát triển kinh tế của đất nước 10 năm qua có phần đóng góp quan trọng của đội ngũ lao động trình độ cao mà đa số được đào tạo trong nước.
Bên cạnh công tác phổ cập, ngành giáo dục và đào tạo đã mở ra nhiều cơ hội học tập cho mọi lứa tuổi với nhiều hình thức và phương thức khác nhau, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân. Hệ thống Hội khuyến học đã phủ kín từ cấp tỉnh đến cấp xã với trên 17 triệu hội viên là các cựu giáo viên, các nhà hoạt động chính trị, xã hội quan tâm thúc đẩy sự nghiệp học tập cho mọi lứa tuổi. Cả nước có hơn 8 triệu gia đình đạt danh hiệu “Gia đình học tập”, gần 40.000 dòng họ đạt danh hiệu “Dòng họ học tập”, hơn 62.000 “Cộng đồng học tập” cấp thôn bản, tổ dân phố và 27.500 tổ chức nằm trên địa bàn hành chính cấp xã, do cấp xã quản lý đạt danh hiệu “Đơn vị học tập”.
Có thể thấy, việc khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đã trở thành phong trào rộng lớn, phát triển mạnh mẽ, rộng khắp trong cả nước, đưa sự nghiệp giáo dục của Việt Nam phát triển cả về lượng và chất, đáp ứng yêu cầu công cuộc xây dựng và phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Chuyển đổi số thúc đẩy học tập suốt đời
Trường Cao đẳng nghề Ninh Thuận ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng
đào tạo nguồn nhân lực trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0. Ảnh: Văn Nỷ
Trong những năm gần đây, việc chuyển đổi số đã diễn ra như một xu thế tất yếu, đặc biệt trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang triển khai các chiến lược quốc gia về chuyển đổi số với nội dung rộng lớn và đa dạng, bao gồm: chính phủ số (dịch vụ công trực tuyến, dữ liệu mở), kinh tế số (tài chính số, thương mại điện tử), xã hội số (giáo dục, y tế, văn hóa) và chuyển đổi số cả trong các ngành trọng điểm như nông nghiệp, du lịch, điện lực, giao thông...
Theo sát xu thế của thế giới, ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 749/QĐ-TTg về việc phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Theo đó, giáo dục là lĩnh vực được ưu tiên chuyển đổi số thứ 2 sau lĩnh vực y tế. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của giáo dục và việc chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục đóng vai trò hết sức quan trọng, không chỉ đối với ngành mà còn tác động rất lớn đối với đất nước
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã ban hành Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT về điều lệ trường trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học, trong đó có quy định nếu được giáo viên cho phép và để phục vụ học tập, học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông được dùng điện thoại di động và các thiết bị khác trong giờ học. Quy định có hiệu lực từ ngày 1-11-2020 này đã tạo thêm điều kiện cho công tác chuyển đổi số trong giáo dục diễn ra nhanh hơn, góp phần thúc đẩy phong trào học tập suốt đời trong nhân dân.
Để nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của chuyển đổi số đối với việc học tập suốt đời; đồng thời tăng cường trách nhiệm của các cấp chính quyền, các ngành, các tổ chức, đoàn thể, lực lượng xã hội trong việc xây dựng và cung ứng các kênh và công cụ học tập suốt đời cho người dân, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Công văn số 3589/BGDĐT-GDTX gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương về việc tổ chức tổ chức Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2020. Theo đó, Tuần lễ được tổ chức từ ngày 1 đến 7/10/2020, với chủ đề “Chuyển đổi số thúc đẩy học tập suốt đời”.
Các hoạt động trong Tuần lễ gồm: Tổ chức thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các cổng thông tin điện tử của đơn vị, tổ chức liên quan, các trang mạng xã hội (facebook, zalo, viber...) về tầm quan trọng của việc học tập suốt đời cũng như vai trò của chuyển đổi số trong việc thúc đẩy cơ hội học tập suốt đời cho mọi người; treo băng rôn, khẩu hiệu tại các cơ sở giáo dục, các công xưởng, nhà máy, văn phòng, cơ quan và nhũng nơi công cộng; tổ chức các đoàn xe lưu động tuyên truyền về chủ đề và các hoạt động của Tuần lễ để người dân biết và tham gia; triển khai các hoạt động của Tuần lễ theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, nhằm lan tỏa thông điệp và đưa chủ đề của Tuần lễ vào cuộc sống một cách thiết thực.
Theo TTXVN
--------
(1): Hồ Chí Minh-Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.4, tr. 8.
(2): Hồ Chí Minh-Toàn tập Sđd, tr. 36.