Cần tăng cường cơ sở vật chất, đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình giáo dục mới

Thực hiện chủ trương đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh ta đã tích cực chuẩn bị các điều kiện nhằm thực hiện hiệu quả chương trình. Tuy nhiên, hiện nay do cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu nên việc triển khai chương trình đang gặp nhiều khó khăn.

Theo thống kê của Sở GD&ĐT, toàn tỉnh hiện có 219 cơ sở giáo dục phổ thông, với gần 120 ngàn học sinh, tăng 3.374 học sinh so với năm học trước. Riêng lớp 1 có gần 500 lớp với khoảng 13 ngàn em. Để đáp ứng nhu cầu dạy và học theo quy định của chương trình giáo dục mới, cả tỉnh cần có 2.138 phòng học, tuy nhiên đến nay, mới chỉ có 1.871 phòng, đáp ứng hơn 87% nhu cầu. Trong số này, số phòng học bán kiên cố chiếm tỷ lệ không nhỏ trên 12%. Do thiếu phòng học, hiện nay nhiều trường học phải bố trí học 2 ca/ngày, không còn phòng trống để bố trí dạy 2 buổi/ngày cho khối lớp 1.

Đơn cử tại địa bàn Tp. Phan Rang- Tháp Chàm là trung tâm của tỉnh, nhưng hiện có đến 3 trường tiểu học phải bố trí cho học sinh khối 1 học ngày thứ bảy. Trong đó Trường Tiểu học Phủ Hà 2, hiện có hơn 200 học sinh của khối lớp 1, vẫn phải đến trường vào ngày nghỉ cuối tuần. Không chỉ học ngày thứ bảy, những ngày học trong tuần, các em cũng phải học đến 5 tiết/buổi. Nguyên nhân là do nhà trường thiếu phòng học nên chưa thể tổ chức dạy 2 buổi/ngày theo quy định của Bộ GD&ĐT. Cô giáo Nguyễn Thị Khuyên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phủ Hà 2, cho biết: Do cơ sở vật chất của nhà trường đang thiếu, số phòng học hiện chưa đáp ứng quy định mỗi lớp 1 phòng, nên phải tranh thủ học cả ngày nghỉ mới đủ bố trí giờ lên lớp. Không những thế, trường chưa có các phòng chức năng như: Mỹ thuật, Hát nhạc, Tin học, Tiếng Anh. Toàn trường có hơn 1.400 học sinh nhưng chỉ có 6 bồn vệ sinh. Thư viện trường cũng nhỏ hẹp không có chỗ ngồi cho các em đọc sách.

Giờ lên lớp của cô và trò Trường TH Mỹ Sơn C (Ninh Sơn). Ảnh: S.N

Theo Sở GD&ĐT, mặc dù Bộ GD&ĐT đã ban hành thông tư quy định mức danh mục tối thiểu đối với lớp 1 và các hướng dẫn liên quan đến sách giáo khoa cho học sinh và sách giáo viên. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí được cấp chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu nên mới chỉ trang bị sách, thiết bị đạt ở mức cơ bản, tối thiểu. Về nhu cầu đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025, cần 1.682 phòng học, phòng học bộ môn, phòng làm việc, với nhu cầu vốn 2.142 tỷ đồng và 281 nhà vệ sinh với nhu cầu vốn khoảng 103,9 tỷ đồng. Đồng chí Lê Bá Phương, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết: Mặc dù cơ sở vật chất của ngành GD&ĐT những năm gần đây đã có nhiều chuyển biến rõ nét, nhưng vẫn còn nhiều trường thiếu phòng học, phòng học bộ môn, phòng chức năng. Có những trường được xây dựng trước năm 1975, nay đã xuống cấp mà chưa thể bố trí vốn để xây dựng mới hoặc chống xuống cấp, nên số trường đạt chuẩn quốc gia của tỉnh còn thấp so với các tỉnh trong khu vực và cả nước. Do khó khăn về thu ngân sách nên nguồn vốn của tỉnh phân bổ cho đầu tư còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển và kiên cố hóa trường lớp học. Mặt khác, do đời sống của phần lớn nhân dân trong tỉnh còn ở mức thấp, nên công tác xã hội hóa rất khó khăn; các nhà đầu tư vào giáo dục cũng chỉ ở quy mô nhỏ, chưa theo hướng chuẩn quốc gia.

Để thực hiện được các mục tiêu đề ra trong thời gian tới cần phải thực hiện các giải pháp chính đó là tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền tạo sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân về thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Tiếp tục thực hiện quy hoạch lại mạng lưới trường, lớp học giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030; giảm điểm trường lẻ và sáp nhập vào trường chính; sắp xếp lại hệ thống trường, lớp vừa đảm bảo nhu cầu học tập của học sinh vừa tăng khả năng quản lý và đảm bảo hiệu quả đào tạo ở tất cả các cấp học. Cần có sự ưu tiên bố trí ngân sách nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển giáo dục; tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương để tăng các dự án ODA, vốn trái phiếu Chính phủ, chương trình mục tiêu… nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển và đảm bảo đầu tư theo hướng đạt chuẩn quốc gia. Cùng với đó, đẩy mạnh xã hội hóa để mở rộng hệ thống trường, lớp; huy động thêm nguồn lực để đa dạng hóa loại hình đào tạo, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đóng góp vào sự phát triển GD&ĐT trên địa bàn tỉnh.