Chúng ta không thể xác định được giới hạn của bản thân ở mức nào, bởi người này giỏi thì lại có người khác tài giỏi hơn nữa. Mọi sự so sánh đều khập khiễng, vì vậy không thể áp đặt giới hạn của mình lên người khác làm mất đi sự tự tin của họ. Tôn trọng người khác chính là tôn trọng bản thân và đó cũng là cách để ta thấu hiểu người khác, làm cho cuộc sống thêm ý nghĩa. Đừng bao giờ xâm phạm vào quyền tự do của mỗi cá nhân, hãy có một giới hạn và cố gắng đừng bao giờ vượt qua giới hạn đó. Điều mà chúng ta cần quan tâm là những giới hạn nào không được vượt qua, những giới hạn nào có thể vượt qua được và giới hạn nào giúp chúng ta có thể hoàn thiện bản thân. Có những giới hạn để chúng ta có thể giữ mình, nghiêm khắc với bản thân, tránh sa ngã để rồi đánh mất mình. Giới hạn giúp chúng ta cảm thấy hài lòng, hạnh phúc với những gì mình đang có. Nếu bạn đã biết đến giới hạn, điều đó đồng nghĩa với việc bạn là một người có lối sống chuẩn mực, đạo đức. Trong các mối quan hệ, giới hạn là điều cần thiết để mỗi người được tự do sống với những suy nghĩ của mình, đưa ra những quyết định của mình sau khi suy nghĩ một cách chín chắn.
Giới hạn đối với mỗi người không giống nhau. Chúng ta tự đặt cho mình những giới hạn, có những giới hạn vì sự an toàn của bản thân, tuy nhiên cũng có những giới hạn vượt ra khỏi khả năng của bản thân. Khi đặt ra cho mình giới hạn ấy, chính chúng ta đã kìm hãm sự phát triển của bản thân trước những thử thách của cuộc sống. Giới hạn mặc dù là điều không thể thiếu trong cuộc sống, nhưng có những giới hạn chúng ta không nên duy trì mà cần đột phá để làm mới bản thân. Khả năng của mỗi người là vô hạn, chỉ cần bạn kiên trì, nhẫn nại, tất cả mọi khó khăn sẽ không thể làm khó được bạn. Cuộc sống cần có những thay đổi, nếu bạn cứ mãi chấp nhận những giới hạn, không chịu phấn đấu, bạn sẽ không thể thành công.
Nếu biết phá vỡ giới hạn đúng thời điểm và vượt qua những giới hạn không cần thiết, chúng ta sẽ có thêm bản lĩnh để chiến thắng mọi nghịch cảnh, nhanh chóng nắm bắt cơ hội, vươn tới thành công.
Minh Uyên