Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản liên quan đến công tác gia đình như: Quyết định số 629/QĐ-TTg ngày 29/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết số 81/NQ-CP ngày 04/12/2012 của Chính phủ, Chỉ thị số 49/CT-TW ngày 21/02/2005 của Ban Bí thư, Nghị định số 02/2013/NĐ-CP ngày 03/1/2013 của Chính phủ.
Việc triển khai thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Hòa giải cơ sở... trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả thiết thực. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo về gia đình được thực hiện đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở; công tác tuyên truyền, vận động được triển khai đa dạng, phong phú; thông qua đó đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thực sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội. Nhờ đó, đến nay tình hình bạo lực gia đình đã giảm đáng kể, những vụ bạo lực xảy ra đều được can thiệp và xử lý kịp thời, từ đó thúc đẩy thực hiện tốt phong trào xây dựng gia đình văn hóa, thôn, khu phố văn hóa trên địa bàn tỉnh; đã khơi dậy được tiềm năng và sức mạnh của mỗi người, mỗi gia đình, mỗi cộng đồng dân cư. Các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình được thực hiện và ngày càng được nhân rộng như: Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững; nhóm phòng, chống bạo lực gia đình; điểm tạm lánh cho nạn nhân bạo lực gia đình; địa chỉ tin cậy tại cộng đồng... đã tạo thành mạng lưới về phòng, chống bạo lực gia đình rộng khắp trên toàn tỉnh.
Niềm vui các bé.
Bên cạnh đó, các ngành, các cấp trong tỉnh cũng luôn chú trọng triển khai thực hiện Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Công ước Quốc tế về quyền trẻ em; thường xuyên tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của xã hội, các thành viên trong gia đình về tầm quan trọng của gia đình và giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về thực hiện quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em. Truyền thông tư vấn kỹ năng sống cho trẻ; hướng dẫn vai trò, trách nhiệm của gia đình, cộng đồng trong việc triển khai các biện pháp phòng ngừa xâm hại trẻ em, phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em... nhất là trong dịp hè. Bên cạnh đó lồng ghép thực hiện và nhân rộng phong trào “Toàn dân chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em” gắn với cuộc vận động “Xây dựng nông thôn mới” đến từng địa bàn dân cư, gắn kết tiêu chí về thực hiện quyền trẻ em, quy định tiêu chuẩn, đánh giá công nhận xã, phường, thị trấn phù hợp với đánh giá nông thôn mới, đô thị văn minh. Ngoài ra, tăng cường tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, các điểm vui chơi, giải trí, những buổi trải nghiệm thực tế từ cuộc sống với nhiều hình thức đa dạng, phong phú giúp cho trẻ em có đầy đủ kỹ năng ứng phó trong cuộc sống.
Phát huy những kết quả đạt được trong những năm qua, để tiếp tục thực hiện tốt Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam giai đoạn 2020 – 2030, tỉnh ta sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách, pháp luật liên quan đến gia đình và trẻ em bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với đặc điểm vùng miền; đưa nội dung giáo dục tiền hôn nhân cho học sinh trung học phổ thông, tăng cường sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giáo dục trẻ em, phòng chống bạo lực trong học đường, tai nạn thương tích trẻ em, xâm hại tình dục trẻ em trong nội dung công tác gia đình giai đoạn 2020-2030. Thường xuyên tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, công chức, viên chức và người lao động về tầm quan trọng của gia đình; tổ chức các hoạt động nhân Ngày Gia đình Việt Nam (28-6) như: Hội thi tìm hiểu Luật PCBLGĐ, Hội thảo về hôn nhân và gia đình… Lồng ghép các nội dung của công tác gia đình trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn. Đặc biệt chú trọng tuyên truyền trong Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới hàng năm. Nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, trách nhiệm của gia đình và cộng đồng trong việc thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật về hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, ngăn chặn các tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình. Tiếp tục kiện toàn, đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình các cấp đủ mạnh để đáp ứng thực hiện nhiệm vụ quản lý, tổ chức thực hiện công tác gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Phạm Thị Xuân Hương