Mô tả cây
Cây nhàu là một cây cao chừng 6- 8m, thân nhẵn, thường mọc hoang ở những nơi ẩm thấp dọc bờ song bờ suối.
Cây có nhiều cành to, lá mọc đối hình bầu dục, nhọn ở đầu, dài 12-15cm. Hoa nở vào tháng 1-2. Quả chín vào tháng 7-8. Quả hình trứng, xù xì, dài chừng 5-6cm, khi non có màu xanh nhạt, khi chín có màu trắng hoặc hồng, mùi nồng và cay. Ruột quả có một lớp cơm mềm ăn được chính giữa có một nhân cứng. Nhân dài chừng 6-7mm, ngang chừng 4-5mm, có 2 ngăn chứa 1 hạt nhỏ mềm.
Công dụng và liều dùng
Rễ nhàu được dùng ở miền Nam làm thuốc chữa bệnh cao huyết áp. Nhân dân dùng rễ nhàu sắc uống hằng ngày thay nước chè, uống hằng tháng. Một số hiệu thuốc đã chế thành cao rễ nhàu. Liều dùng hằng ngày 30-40g rễ, sắc và uống thay nước chè trong ngày. Sau chừng 15 hôm sẽ thấy kết quả. Nhưng phải uống tiếp tục 2-3 tháng liền sau đó tiếp tục uống với liều giảm xuống.
Công dụng trong nhân dân: Quả nhàu ăn với muối dễ tiêu, nhuận tràng, làm thuốc điều kinh, trị bang huyết, bạch đới, ho, cảm hen, thũng, đau gân, đái đường. Nướng chín ăn để chữa lỵ.
Rễ nhàu nhuộm màu đỏ quần áo, vải lụa. Nhân dân Việt Nam thái nhỏ, sao vàng ngâm rượu, uống chữa bệnh nhức mỏi, đau lưng (có thể dùng quả nhàu non, thái mỏng sao khô thay rễ này).
Lá nhàu giã nát, đắp chữa mụn nhọt, làm chóng lên da. Sắc uống chữa lỵ, đi ngoài, chữa sốt và làm thuốc bổ. Liều dùng 8-10g sắc với 500ml nước chia làm 2 lần uống trong ngày (chữa những người hay nhức đầu chóng mặt). Lá nhàu còn dùng nấu canh lươn để ăn cho bổ.
Đức Doãn (Theo Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam)