Mô tả cây
Tía tô là loại cỏ mọc hằng năm, cao chừng 0,5-1,5cm. Thân thẳng đứng có lông. Lá mọc đối, hình trứng, đầu nhọn, mép có răng cưa to, phiến lá dài từ 4-12cm, rộng 2,50-10cm, màu tím hoặc xanh tím, trên có lông màu tím. Người ta phân biệt thứ tía tô có lá màu tím hung là Perilla ocymoides var. purpurascens và thứ tía tô có lá màu lục, chỉ có gân màu hung (Perilla ocymoides var. bicolor). Cuống lá ngắn 2-3cm. Hoa nhỏ, màu trắng hoặc tím nhạt, mọc thành từng chùm ở kẽ lá hay đầu cành, chùm dài 6-20cm. Quả là hạch nhỏ, hình cầu, đường kính 1mm, màu nâu nhạt, có mạng.
Công dụng liều dùng
Theo tài liệu cổ tía tô có vị cay, tính ôn, vào hai kinh phế và tỳ. Có tác dụng phát tán phong hàn, lý khí khoan hung, giải uất, hóa đờm, an thai, giải độc của cua cá. Cành không có tác dụng phát biểu, chỉ có tác dụng lý khí. Dùng chữa ngoại cảm phong hàn, nôn mửa, động thai, ngộ độc cua cá.
Thông thường lá tía tô có tác dụng là cho ra mồ hôi, chữa ho, giúp sự tiêu hóa, giảm đau, giải độc, chữa cảm mạo, cón có tác dụng chữa bị ngộ độc nôn mửa, đau bụng do ăn cua cá.
Cành tía tô có tác dụng chữa ho trừ đờm, hen xuyễn, tê thấp.
Liều dùng hằng ngày: lá và hạt ngày uống 3-10g, cành ngày uống 6-20g dưới dạng thuốc sắc.
Dầu hạt tía tô: Ở Ấn Độ, Trung Quốc và Nhật Bản dùng trong kỹ nghệ vẽ trên đồ sứ, thực phẩm.
Đơn thuốc có tía tô
1. Sâm tô ẩm: Chữa bệnh cảm mạo, sốt, nhức đầu, đau các khớp xương. Lá tía tô, nhân sâm, trần bì, chỉ xác, cát cánh, cam thảo, mộc hương, bán hạ, can khương, tiền hồ mỗi vị 2g, nước 600ml. Sắc còn 200ml, chia 3 lần uống trong ngày.
2. Tử tô giải độc thang: Chữa trúng độc đau bụng do ăn phải cua cá. Lá tía tô 10g, sinh khương 8g, sinh cam thảo 4g, nước 600ml, chia 3 lần uống trong ngày, uống khi thuốc còn đang nóng.
3. Chữa sưng vú: Tía tô 10g sắc lấy nước uống, bã đắp vào vú.
4. Ăn phải cua hay cá mà trúng độc: Giả lá tía tô tươi vắt lấy nước hoặc sắc lá khô (10g khô) uống nóng.
Đức Doãn (Theo Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam)