Bác Ái: Khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế

Là một trong những huyện nghèo, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, huyện miền núi Bác Ái gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với việc tổ chức có hiệu quả phong trào Thi đua yêu nước, huyện Bác Ái đã phát huy nội lực, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư, tạo được sự chuyển biến khá toàn diện trên các lĩnh vực phát triển kinh tế- xã hội.

Đặc biệt, với mức tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt trên 15% và công tác giảm nghèo đạt gần 6% /năm, góp phần đảm bảo cuộc sống cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Điểm nổi bật trong 5 năm qua là huyện Bác Ái đã thu hút đầu tư về phát triển các dự án năng lượng mặt trời, chế biến thức ăn gia súc và phát triển các loại cây trồng như: Bưởi da xanh, sầu riêng, thanh long, chuối Nam Mỹ, dưa lưới... theo hướng nông nghiệp công nghệ cao. Qua đó, giảm được diện tích đất bỏ hoang, đưa giá trị sử dụng đất tăng lên và tạo sức bật đối với nhóm ngành kinh tế trọng yếu.

 

Đẩy mạnh sản xuất, nâng cao chất lượng đời sống người của dân. Trong ảnh: Thu hoạch lúa tại cánh đồng Trà Co (xã Phước Tiến).

Công tác chuyển giao khoa học - kỹ thuật vào sản xuất được thực hiện từ nhiều chương trình trên tất cả các lĩnh vực. Thực hiện có hiệu quả về cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với biến đổi khí hậu, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, thị trường và phòng, chống thiên tai; ngành Nông nghiệp tiếp tục phát triển đúng hướng và làm nền tảng để phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo nhanh và bền vững. Trong 5 năm qua, huyện đã triển khai nhân rộng nhiều mô hình sản xuất từ các nguồn vốn hỗ trợ thuộc Chương trình 30a, 135... với 62 mô hình, dự án, trong đó có 33 dự án trồng trọt và 29 dự án chăn nuôi: Hỗ trợ chuyển đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng cạn, tưới nước tiết kiệm, các chương trình hỗ trợ sản xuất, phát triển các loại cây trồng, vật nuôi mới, thích nghi với khí hậu, thổ nhưỡng của huyện. Triển khai thí điểm trồng cây ăn trái: Bưởi, sầu riêng, trồng dưa lưới trong nhà kính, thanh long, dược liệu. Cùng với đó, huy động các nguồn lực đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất, chăn nuôi ứng dụng khoa học công nghệ nhằm khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của huyện như: Triển khai dự án trồng luân canh cây bắp lai, cây đậu xanh giống mới, chịu hạn; quy trình ứng dụng công nghệ vi sinh chế biến phụ phẩm nông nghiệp (thân lá sắn, thân lá bắp) làm thức ăn dự trữ cho gia súc.

Mô hình trồng bưởi da xanh mang lại thu nhập cao cho nhiều hộ dân huyện Bác Ái. Ảnh: V.M

5 năm qua, huyện Bác Ái đã đầu tư vào nền kinh tế hơn 1.230 tỷ đồng vốn ngân hàng; 500 tỷ đồng vốn Chương trình 30a và hơn 1.100 tỷ đồng từ các nguồn huy động đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện, công trình phúc lợi xã hội... Đây là nguồn lực quan trọng giúp cho huyện Bác Ái thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt trên 15% và đưa giá trị gia tăng ngành xây dựng tăng hàng năm trên 30%; nâng thu nhập bình quân đầu người lên 17,2 triệu đồng/người/năm, tăng 72% so với năm 2015. Qua đó, đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 52,13% (năm 2016) xuống còn 29,25% vào năm 2020.

Ông Hồ Xuân Ninh, Chủ tịch UBND huyện Bác Ái cho biết: Phát huy nội lực và tinh thần đoàn kết, tranh thủ các nguồn lực xã hội, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương, những năm qua huyện Bác Ái đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Nền kinh tế tiếp tục đà tăng trưởng khá; sản xuất ngày càng phát triển, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đúng hướng, nhân dân từng bước áp dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, nhiều mô hình giảm nghèo hiệu quả; ngành công nghiệp-xây dựng tăng trưởng cao, thu ngân sách trên địa bàn hàng năm gia tăng. Các công trình đầu tư có trọng tâm, trọng điểm tập trung phục vụ cho sản xuất và đời sống dân sinh.

Trên lĩnh vực văn hóa-xã hội cũng đạt được nhiều tiến bộ, giáo dục, y tế được chú trọng đầu tư phát triển; chất lượng giáo dục ngày càng nâng lên; công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng; đa dạng hóa các hoạt động văn hóa gắn với bảo tồn các giá trị truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động được chú trọng và trở thành điểm sáng tích cực trong nhiệm kỳ qua. Các chính sách an sinh xã hội được triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt; nhân dân đồng tình, ủng hộ và tin tưởng vào sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp. Trong 5 năm qua, huyện Bác Ái đã luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận, tặng Cờ thi đua và nhiều Bằng khen các loại.

Trong thời gian tới, với mục tiêu tranh thủ tối đa cơ hội và điều kiện thuận lợi, chủ động khắc phục khó khăn, huyện Bác Ái chủ trương tích cực thu hút đầu tư, đẩy mạnh phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo giữ vững quốc phòng-an ninh. Trong đó, xác định một số chỉ tiêu phát triển về tốc độ tăng tổng giá trị sản xuất bình quân hàng năm từ 12% trở lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm 4%, có 95% hộ dân sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; tỷ lệ che phủ rừng đạt 57%...