Có thể kể đến trường hợp anh Ngô Đình Phát, thôn Tân Hiệp, xã Hòa Sơn tham gia dự án chăn nuôi bò vỗ béo năm 2016. Sau khi được hỗ trợ 30 triệu đồng cùng với nguồn vốn đối ứng của gia đình, anh đã mua 4 con bò đực, xây dựng chuồng trại và trồng cỏ để phục vụ chăn nuôi. Lứa đầu tiên gia đình thu lãi 25 triệu đồng, nhận thấy hiệu quả kinh tế cao từ việc chăn nuôi bò theo phương thức bán thâm canh, anh đã mạnh dạn đầu tư nhân rộng cả quy mô và số lượng. Đến nay, gia trại của anh có 36 con bò được nuôi theo hình thức sinh sản và vỗ béo. Cùng với việc sản xuất mía và mỳ trên diện tích gần 11 ha, thu nhập trung bình mỗi năm của gia đình gần 500 triệu đồng. Hay như ông Huỳnh Cúc, thôn Lâm Hòa, xã Lâm Sơn. Năm 2000, ông bắt tay vào khai hoang và trồng cây ăn quả với diện tích 1 ha gồm 3 loại cây chủ đạo là chôm chôm, dừa xiêm và sầu riêng. Đến năm 2018, thông qua Hội Nông dân xã, ông được tham gia dự án cải tạo vườn cây ăn trái với số tiền vay 30 triệu đồng, mở rộng diện tích, trồng thêm cây măng cụt, chặt bỏ những cây lâu năm cho năng suất thấp bố trị lại giống cây mới. Đến nay, diện tích đất trồng cây ăn trái của gia đình ông là 1,5 ha, mỗi năm cho lợi nhuận hơn 200 triệu đồng.
Mô hình chăn nuôi bò đem lại hiệu quả kinh tế cao của gia đình anh Ngô Đình Phát thôn Tân Hiệp (xã Hòa Sơn).
Hiện nay, nguồn vốn Quỹ HTND huyện có trên 531 triệu đồng, nhận ủy thác từ Trung ương và Tỉnh hội hơn 3,521 tỷ đồng. Gần 10 năm qua, từ nguồn vốn, Hội Nông dân huyện đã xây dựng và giải ngân 41 dự án/309 hộ tham gia với số tiền gần 9,5 tỷ đồng, tập trung vào các mô hình chăn nuôi và cây trồng có giá trị kinh tế như: Chăn nuôi bò sinh sản, vỗ béo ở xã Hòa Sơn, trồng cây ăn trái ở xã Lâm Sơn hay nuôi bò đực giống Brahman tại thị trấn Tân Sơn. Năm 2020, Hội Nông dân huyện quản lý 18 dự án; trong đó, 4 dự án của Trung ương, 8 dự án của tỉnh và 6 dự án của huyện, với tổng số tiền trên 3,1 tỷ đồng cho 128 hộ vay.
Ông Lê Văn Nhứt, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ninh Sơn, cho biết: Tiếp tục phát huy hiệu quả nguồn vốn, thời gian tới Hội sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát quản lý chặt chẽ việc sử dụng quỹ; làm tốt công tác tuyên truyền. Lựa chọn mô hình phù hợp để xây dựng dự án, đáp ứng được nhu cầu thực tế của hội viên. Khuyến khích nông dân đầu tư phát triển các mô hình kinh tế trang trại, gia trại, tập thể cùng sở thích theo nhu cầu của thị trường nhằm giải quyết việc làm tại chỗ.
Có thể nói, Quỹ HTND đã trở thành “điểm tựa” giúp hội viên, nông dân trên địa bàn huyện Ninh Sơn đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, từng bước vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần vào công tác giảm nghèo của địa phương.
Lê Tuấn