Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển; nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT - GS.TSKH. Trần Văn Nhung, TS Nguyễn Văn Vọng; Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy tỉnh Quảng Ninh Đỗ Thị Hoàng, cùng các nhà khoa học, các chuyên gia, GV trực tiếp giảng dạy môn toán đại diện một số trường thuộc các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Hội thảo quốc gia về giảng dạy Toán học ở trường phổ thông
Mục đích Hội thảo nhằm tổng kết thành tựu nghiên cứu lý luận, thực tiễn giảng dạy toán học phổ thông, đào tạo GV toán trong những năm đầu của thế kỷ XXI. Từ đó kiến nghị phương hướng phát triển GD Toán học phổ thông ở Việt Nam trong thời gian tới, góp phần nần cao chất lượng GD Toán học phổ thông, chuẩn bị tốt cho việc xây dựng chương trình toán giai đoạn sau năm 2015, cần thiết có những đánh giá khách quan, trung thực về những điểm mạnh và hạn chế của GD Toán học phổ thông trong những năm qua, đồng thời đưa ra những định hướng trong thời gian tới.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đã khẳng định: Việt Nam tiến hành CNH- HĐH trong bối cảnh thế giới phát triển kinh tế tri thức. Ở bậc học phổ thông, toán học luôn chiếm vị trí quan trọng. Trong những năm tới cần đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp dạy và học toán học bằng cách kế thừa những gì tiêu biểu, tiên tiến và khắc phục những hạn chế.
5 vấn đề có liên quan trực tiếp đến GD Toán học phổ thông được các đại biểu tập trung thảo luận là: Chương trình và SGK môn Toán cho trường phổ thông; phương pháp và phương tiện dạy học; đánh giá kết quả học tập; nghiên cứu GD Toán học; cuối cùng là đào tạo GV toán cho các trường phổ thông.
Sau phiên thảo luận chung, các đại biểu tham dự đã chia thành 4 nhóm thảo luận với 4 chủ đề: Những vấn đề chung và chương trình GD phổ thông, phương pháp dạy học và đánh giá, thiết bị dạy học và ứng dụng CNTT, đào tạo và bồi dưỡng GV.
Theo PGS.TS. Trần Kiều, Chủ tịch Hội giảng dạy toán học phổ thông cho biết: toán học nói chung và môn toán trong nhà trường phổ thông nói riêng, cho đến nay và trong tương lai chắc chắn vẫn có được vai trò mà nó từng có đối với sự phát triển của KHKT và KTXH. Càng ngày con người càng nhận thức được khả năng vô tận của việc ứng dụng toán học bởi toán học đưa ra những mô hình rất tổng quát và đủ chính xác để nghiên cứu thực tế xung quanh, khác hẳn với những mô hình kém tổng quát và thiếu chính xác của các khoa học khác đưa ra.
Chương trình và SGK môn Toán ở nước ta đã trải qua nhiều lần thay đổi, đáp ứng yêui cầu các cuộc cải cách GD, các đợt chỉnh lý lớn cũng như đổi mới chương trình GD phổ thông. Cấu trúc chương trình môn toán phù hợp với cấu trúc chung về chương trình của nhiều nước trên thế giới.
Nội dung chương trình từ TH đến THPT đã giảm được tính hàn lâm, kinh viện, quan tâm hơn đến thực hành, ứng dụng, yêu cầu liên bộ môn thông qua việc xây dựng chuẩn kiến thức và kỹ năng. SGK Toán là bộ sách ít có sai sót nhất so với các bộ sách khác, đã bám sát nội dung của chương trình để cụ thể hoá nội dung cần học một cách đầy đủ, đảm bảo tính vừa sức, sự phát triển logic của kiến thức, hệ thống bài tập đa dạng, phù hợp với các trình độ, nhiều bài tập có nội dung thực tiễn...vv. Đặc biệt hệ thống trường chuyên, trong đó có các lớp chuyên toán đã có một thời gian phát triển lâu dài hơn cả so với các bộ môn khác.
Về đào tạo GV toán cho các trường phổ thông, trước đây tuyệt đại đa số GV được đào tạo trong các trường SP, nhưng trong thời gian qua đã có sự thay đổi khi nhiều trường CĐ, ĐH khác đã có khoa SP, tham gia đào tạo GV. Nếu trước đây chúng ta nói đào tạo GV toán với tư cách đào tạo chuyên gia bộ môn toán, thì ngày nay không yêu cầu như thế nữa mà đào tạo người GD học trò (thế hệ trẻ) thông qua việc học môn toán, bằng cách dạy và tác động chính nhân cách người học. Vì vậy, ngày nay cần đào tạo con người đi dạy chứ không phải đào tạo ra con người để nghiên cứu toán học. Trong tương lai, GV cũng cần có những hiểu biết cần thiết về tâm lý học trẻ em, tâm lý học sư phạm, về lý luận dạy học môn toán...
Nguồn Báo GD&TĐ