Môn sinh học vừa có đặc thù của một môn khoa học tự nhiên với những hệ thống lý thuyết tổng quát, với những công thức và hệ thống bài tập tương đối phức tạp vừa mang đặc thù của một môn khoa học thực nghiệm, có sự kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết và thực nghiệm. Ở cấp độ phổ thông, đó là sự kết hợp giữa hệ thống lý thuyết và hệ thống bài tập vận dụng tương ứng.
Ở nước ta hiện nay, đặc biệt là ở cấp Phổ thông việc gắn giữa lý thuyết và thực nghiệm ít được chú trọng, rất nhiều bài thực hành bị bỏ qua do vậy đối với rất nhiều học sinh, việc học môn Sinh chỉ đơn thuần là học thuộc lòng một “mớ” lý thuyết nên dễ gây nhàm chán và khô khan, thậm chí là rất khó hiểu.
Nội dung kiến thức trong kỳ thi tốt nghiệp và kỳ thi Đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ yếu nằm ở chương trình lớp 12, tuy nhiên để nắm vững và làm tốt được, đòi hỏi học sinh phải có được hệ thống kiến thức nền có ở các cấp học và lớp học trước đó.
Để học tốt và làm bài tốt môn Sinh học trong kỳ thi Tốt nghiệp và kỳ thi Đại học sắp tới thiết nghĩ cũng không khó, chỉ có điều người học có tuân theo được những nguyên tắc của bí quyết ấy hay không? Những lời khuyên của tôi dành cho các em học sinh các lớp Chuyên Sinh THPT Chuyên Đại học Sư phạm sau đây hy vọng sẽ giúp ích cho các học sinh khác:
Có thái độ nghiêm túc trong học tập
Khi xác định học theo khối B hay đơn giản là thi tốt môn Sinh trong kỳ thi Tốt nghiệp, đơn thuần bạn đã có mục tiêu để theo đuổi. Khi đã có mục tiêu rồi, cần phải nghiêm túc xác định việc học là của bản thân mình, cho mình và kết quả cuối cùng do mình chịu trách nhiệm – không phải thầy cô, bố mẹ hay ai khác.
Không bỏ lỡ bất kỳ bài học nào
Mỗi nội dung kiến thức nằm trong một tổng thể, khi hiểu được vấn đề trước đó sẽ tạo tiền đề cho việc hiểu những kiến thức sau. Ví dụ, nếu bạn không nắm được cấu tạo của gen thì bạn sẽ không hiểu được sự điều hòa biểu hiện gen, nếu bạn không nắm được cấu trúc NST bạn sẽ không hiểu được bản chất của đột biến cấu trúc và số lượng NST… Vì vậy, đừng bỏ bất kỳ bài học nào!
Có kế hoạch học sớm và học thường xuyên
Đừng đợi nước đến chân mới nhảy, khi đó thời gian sẽ tạo cho bạn một áp lực lớn, kết quả rất khó có thể đạt tối đa được. Hãy có kế hoạch học sớm, thường xuyên. Hãy tiếp thu hết những kiến thức mà thầy cô giảng trên lớp, về nhà hệ thống hóa lại và mở rộng, đào sâu… hãy biết quý trọng thời gian trong các giờ học.
Rèn luyện bài tập vận dụng ngay sau khi học lý thuyết, định hướng trước các câu hỏi trắc nghiệm có thể ra về vấn đề mà mình đang học. Khi học đến phần nào, hãy làm những bài tập vận dụng tương ứng, hãy suy nghĩ và dự đoán những câu trắc nghiệm có liên quan đến vấn đề đang học sẽ giúp đỡ các em rất nhiều.
Người có phương pháp học tốt là người vừa học vừa bảo vệ sức khỏe của mình!
Như đã nói ở trên, đừng “chơi dài” rồi khi không còn thời gian nữa thì “co giò mà chạy” học khuya đến 2h sáng, 3h sáng là một thói quen không tốt và ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe thần kinh! Hãy tạo thói quen ăn uống và chế độ nghỉ ngơi hợp lý, khoa học để giữ sức khỏe chuẩn bị cho kỳ thi.
Đừng bao giờ ngần ngại hỏi những người khác
Đừng ngại hỏi người khác, đặc biệt là thầy, cô và các bạn khác khi hỏi và được trả lời là một phương pháp để nhớ kiến thức tốt.
Thời gian học và thời gian biểu
Với những học sinh sử có thái độ học như đã kể trên, việc học tốt môn Sinh không có gì là khó khăn. Tuy nhiên, với cách học để thi thì việc định lượng khoảng thời gian trước khi thi là rất quan trọng. Hãy lập một kế hoạch học và thời gian biểu cho môn Sinh học cũng như tất cả các môn học khác. Tuần này, sẽ học hết những phần nào, hiểu bằng được các dạng bài tập nào, làm nhuần nhuyễn dạng bài tập nào… sẽ làm bạn bớt căng thẳng.
Phương pháp đọc và ghi nhớ
Trên lớp, hãy cố gắng ghi nhớ những gì thầy cô giảng. Nên sử dụng phương pháp sơ đồ hệ thống hóa kiến thức kiểu bản đồ tư duy. Nên sử dụng bút nhớ trong quá trình đọc. Tuy nhiên, đừng tô vàng cả cuốn sách, hãy tìm những từ khóa, đánh dấu và nhớ những từ khóa đó. Các em sẽ thấy việc nhớ kiến thức Sinh cũng chẳng phải là cực hình đâu!
Vận dụng bài tập để hiểu lý thuyết
Một bước cũng rất quan trọng là làm bài tập nhuần nhuyễn, đặc biệt là các bài tập vận dũng những kiến thức lý thuyết đã học. Hệ thống lại các dạng bài tập để dễ ghi nhớ.
Với kỳ kiểm tra, đọc kỹ đề trước khi làm bài
Đây là điều muôn thủa giáo viên nhắc học sinh nhưng rất nhiều học sinh không để ý đến điều này, đặc biệt trong đề trắc nghiệm hãy chú ý những câu mang tính chất phủ định để trả lời câu hỏi một cách chính xác. Ví dụ: Điều khẳng định nào dưới đây là không chính xác về Chọn lọc tự nhiên?
Làm câu dễ trước, làm câu khó sau đừng để mất điểm một cách ngớ ngẩn, nên làm bài theo nhiều vòng.
Đối với bài thi trắc nghiệm, đừng làm tuần tự từ đầu đến hết điều này sẽ dẫn đến tình trạng mắc kẹt và đi vào bế tắc mặc dù nhiều câu khác có thể làm được. Theo kinh nghiệm của tôi, nên làm bài thi làm nhiều vòng, lượt thứ nhất có thể trả lời nhanh được 50% số câu hỏi tùy khả năng, lượt thứ 2 suy nghĩ để trả lời những câu còn lại. Đừng mất quá nhiều thời gian cho một câu hỏi.
Như vậy, việc học môn Sinh học không hề khó, không hề là học thuộc lòng một mớ lý thuyết như nhiều học sinh suy nghĩ. Nếu vận dụng được các phương pháp tư duy, phương pháp học có kế hoạch và khoa học, cũng như các thức làm bài thi phù hợp, để giành được điểm cao trong môn Sinh không khó!
Theo Báo GD&TĐ