Trước hết, với câu 2 điểm, loại câu kiểm tra kiến thức cơ bản về văn học sử, về tác gia, tác phẩm, các em cần thuộc trong những phần được học trên lớp mà các thầy cô đã lưu ý. Tuy là kiến thức cần thuộc lòng, song cũng cần nắm vững một số vấn đề mang tính khoa học để trình bày đúng với yêu cầu của đề bài.
Ví dụ, giới thiệu sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh, nên chú ý đến các thể loại chính như: truyện ngắn, thơ ca và văn chính luận. Mỗi thể loại cần có dẫn chứng cụ thể để làm nổi bật chủ đề tư tưởng cũng như hình thức nghệ thuật thành công của tác giả. Về truyện ngắn được viết bằng tiếng Pháp, tác giả tập trung tố cáo tội ác của thực dân cũng như vạch trần bản chất bù nhìn của triều đình An Nam lúc bấy giờ. Truyện viết cho độc giả Pháp là chủ yếu, nên được viết rất hiện đại, “rất Pháp”.
Về thơ được viết bằng chữ Hán (và một số bài sáng tác bằng tiếng Việt sau 1945), chủ yếu là hình ảnh của chủ thể trữ tình – tác giả, một chiến sĩ và một thi sĩ. Thơ viết một cách linh hoạt, phong phú, tự nhiên.
Văn chính luận, tiêu biểu là “Tuyên ngôn độc lập” thể hiện tư tưởng lớn của thời đại: quyền bình đẳng giữa các dân tộc và tuyên bố nền độc lập của nước Việt Nam mới. Tác phẩm được viết giản dị, dễ hiểu và đặc biệt là thuyết phục người nghe, người đọc ở lí lẽ sắc bén, lập luận chặt chẽ, và tình cảm mãnh liệt. Từ những luận điểm trên, cần có kết luận chung về: tư tưởng chủ yếu trong các tác phẩm của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh và phong cách nghệ thuật đặc sắc, phong phú của tác giả.
Cũng có trường hợp khác, các em lại trình bày theo giai đoạn sáng tác, ví dụ Tố Hữu và con đường thơ ca của ông. Như vậy, cố gắng trình bày hợp lí, khoa học. Không nên để mất điểm trong loại câu này. Một số trường hợp thí sinh những năm trước thường trình bày cuối bài viết, vội vàng và sơ sài, nên mất điểm một cách đáng tiếc!
Với loại câu 5 điểm – nghị luận văn học, các em được quyền chọn một trong hai câu. Có thể tùy theo sở trường của mỗi thí sinh mà chọn lựa. Ví dụ có thế mạnh về thơ hay văn xuôi? Hoặc thích thú với tác phẩm nào hơn trong hai câu a và b? Tuy nhiên, vấn đề vẫn là đáp ứng đúng yêu cầu của đề bài. Đây là loại bài các em được học tập rất kỹ càng và thành thục. Chỉ thêm mấy ý kiến cùng các em trao đổi.
Với văn xuôi, chủ yếu là truyện ngắn, các em nên chú ý đến nhân vật và tình huống. Khi phân tích nhân vật, đừng sa vào kể lể và trình bày tính cách, hoặc số phận của nhân vật; mà quan tâm nhiều đến nghệ thuật xây dựng của tác giả: từ cách dựng chân dung đến ngôn ngữ và hành động của nhân vật. Đồng thời, nhà văn đặt nhân vật trong từng hoàn cảnh cụ thể nào, từ đó, bộc lộ tính cách và phẩm chất. Cuối cùng sẽ là tư tưởng của tác giả cùng thành công của nhà văn ấy.
Ví dụ, khi phân tích nhân vật người vợ nhặt trong “Vợ nhặt” của Kim Lân. Từ vẻ ngoài rách rưới tả tơi của bộ áo quần “như tổ đỉa” cùng hành động “cong cớn”, “sưng sỉa” với Tràng, người đàn bà này đã tự bộc lộ thân phận như thế nào? Trong cảnh đói khát và nguy cơ chết đói, thị đã theo không Tràng thể hiện thực trạng gì? Song, trên đường về nhà Tràng, với nhiều chi tiết sinh động và chân thực, nhà văn đã bộc lộ dần những phẩm chất tốt đẹp của nhân vật này ra sao? Tư tưởng chủ đề của tác phẩm qua nhân vật này là gì? Đó là khát vọng hạnh phúc, là tình yêu thương, sự đồng cảm…Tuy nhiên, với từng yêu cầu cụ thể của đề bài, các em cần thận trọng phân tích kỹ lưỡng để vận dụng kiến thức và phương pháp phù hợp.
Với đề bài phân tích thơ, dù là một đoạn thơ, cũng nên chú ý đến tính chỉnh thể nghệ thuật, cấu trúc tác phẩm cùng sự hài hòa giữa hình thức và nội dung của tác phẩm đó. Đồng thời, quan tâm đến hoàn cảnh sáng tác, và cuối cùng là phong cách nghệ thuật của tác giả.
Ví dụ, phân tích hình tượng người lính qua bài thơ “Tây tiến” của Quang Dũng; các em lưu ý đến hoàn cảnh ra đời của bài thơ: đó là những năm tháng đầu tiên của cuộc kháng chiến chống Pháp vô cùng gian khổ, thiếu thốn ở vùng đất Tây Bắc hiểm trở và hiểm nguy. Chú ý đến bút pháp đối lập giữa hiện thực và lãng mạn rất linh hoạt của Quang Dũng trong bài thơ. Người lính vượt qua những hiểm nguy gian nan qua những hình ảnh: “không mọc tóc”, “xanh màu lá” và vẻ đẹp của ý chí, nghị lực kiêu dũng và can trường qua “dữ oai hùm”. Bên cạnh đó là, vẻ đẹp tâm hồn lãng mạn, hào hoa của những người thanh niên rất trẻ trung, đầy mơ mộng. Vẻ đẹp ấy còn hiện lên trong những câu thơ bi thương viết về sự ra đi của họ. Nét đẹp riêng của thơ Quang Dũng, có thể so sánh với Chính Hữu, Tố Hữu, Thôi Hữu… cùng viết về người lính. Tuy nhiên, tránh đề cao nhà thơ này mà vô tình hạ thấp nhà thơ khác là điều thiếu công bằng trong văn chương.
Có thể nói, với câu 5 điểm, các em cũng nên lưu ý thêm về thời gian cho phép của một bài thi. Không nên quá tham lam chiếm hết thời gian của câu khác, đây là tình trạng thường xảy ra, khiến bài văn bị mất điểm không cần thiết.
Cuối cùng là câu 3 điểm – nghị luận xã hội. Trước khi bàn luận về một vấn đề tư tưởng đạo lí hay hiện tượng đời sống xã hội, các em cũng phải xác định được khái niệm hoặc phạm vi mà đề bài yêu cầu. Mặc dù, tư tưởng đạo lí và hiện tượng xã hội là hai vấn đề có khác nhau nhưng vẫn liên quan chặt chẽ với nhau. Ví dụ bàn về “bệnh vô cảm” trong đời sống xã hội, đó vừa là tư tưởng đạo lí, vừa là hiện tượng cần quan tâm trong xã hội. Xác định vấn đề xong, cần trình bày đến thực trạng hiện nay như thế nào? Nó có những biểu hiện gì đáng phê phán? Tác hại của căn bệnh này? Cuối cùng, là những giải pháp khả thi mà quan trọng nhất là sự chân thành trong suy nghĩ cá nhân, tình cảm cá nhân của người viết. Rất tránh những lời hô hào suông, hoặc máy móc. Đây là câu mà người viết được trình bày quan điểm cá nhân rõ nhất, nên vận dụng điều đó để bài văn thực sự mang dấu ấn riêng, bài văn sẽ đạt được kết quả mong muốn.
Những điều trình bày trên đây chỉ là những gợi ý tham khảo cùng các em. Môn Ngữ Văn trong chương trình còn nhiều vấn đề khác nữa. Mong các em có thể vận dụng sáng tạo vào khả năng của mình để thực làm bài thi tốt nhất. Cần chú ý thêm về vấn đề phân lượng thời gian cho mỗi câu phù hợp và chủ động thực hiện các thao tác đã được học trong nhà trường.
Nguồn Báo GD&TĐ