Nhằm trợ giúp, chăm sóc phục hồi chức năng (PHCN) của NTT, thời gian qua tỉnh ta kịp thời triển khai thực hiện chính sách, pháp luật đối với NTT và đạt được những kết quả tích cực, từng bước dỡ bỏ nhiều rào cản, tạo môi trường, cơ hội thuận lợi cho NTT tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, phát huy khả năng, vươn lên tự lực trong cuộc sống.
Theo số liệu thống kê của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh hiện có 5.270 NTT, trong đó có 2.888 người tâm thần phân liệt; 751 người bị chứng động kinh...Để huy động gia đình và cộng đồng cùng tham gia trợ giúp về vật chất, tinh thần, phục hồi chức năng để NTT ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng, đồng thời phòng ngừa người rối nhiễu tâm trí dẫn đến bị tâm thần, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai Đề án “Trợ giúp xã hội và PHCN cho NTT, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng, giai đoạn 2012 – 2020” (Đề án 1215). Theo đó, NTT được thụ hưởng các dịch vụ xã hội, các chế độ chính sách của Nhà nước kịp thời và đầy đủ. Cùng với việc chăm sóc, khám chữa bệnh, NTT được hưởng chế độ trợ cấp xã hội thường xuyên theo Nghị định số 136/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội. Từ năm 2011 đến nay tỉnh đã chi trợ cấp xã hội thường xuyên tại cộng đồng cho 166.746 lượt đối tượng, với kinh phí thực hiện 695 tỷ đồng.. Cùng với đó, các cơ sở bảo trợ đã nuôi dưỡng, chăm sóc khoảng 2.288 lượt đối tượng, với kinh phí khoảng 30 tỷ đồng. Thực hiện mua bảo hiểm y tế hàng năm cho 100% đối tượng tại các cơ sở.
Các y, bác sỹ Bệnh viện Chuyên khoa Da liễu-Tâm thần khám, chữa bệnh cho bệnh nhân.
Ngoài việc trợ giúp,chăm sóc sức khỏe NTT, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội chú trọng phát triển nguồn nhân lực làm công tác trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí tại các cơ sở trợ giúp xã hội và cộng đồng. Hằng năm, sở tổ chức các lớp tập huấn, cập nhật những quy định mới của chính sách an sinh xã hội, các đề án như đề án phát triển nghề công tác xã hội cho cán bộ, công chức Lao động-Thương binh và Xã hội, cộng tác viên công tác xã hội xã, phường, thị trấn; lãnh đạo, viên chức, nhân viên tại các cơ sở bảo trợ xã hội công lập và ngoài công lập nhằm nâng cao năng lực trong công tác tham mưu, trợ giúp các đối tượng có nhu cầu hiệu quả, đảm bảo công tác trợ giúp được kịp thời, đúng đối tượng, đúng quy định.
Có dịp tham gia một buổi tập huấn nâng cao năng lực về chăm sóc sức khỏe tâm thần do Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức dành cho các cán bộ, nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội ở cơ sở, chị Mai Thị Thủy, CTV xã Công Hải (Thuận Bắc) chia sẻ: Tham gia lớp tập huấn chúng tôi được giảng viên cung cấp đầy đủ các thông tin kiến thức cơ bản về bệnh tâm thần và đặc biệt là cách chăm sóc, kỹ năng xử lý các tình huống trong quá trình chăm sóc người bệnh…Qua đó, tôi có thể “bỏ túi” một ít kinh nghiệm để áp dụng trong quá trình tiếp cận, chăm sóc đối tượng ở cơ sở.
Là đơn vị trực tiếp tham gia khám, chữa bệnh cho NTT, Bác sỹ Lê Văn Đổng, Phó Giám đốc Bệnh viện Chuyên khoa Da liễu-Tâm thần cho biết: Bệnh nhân tâm thần được điều trị theo hệ thống mở để họ không suy sụp tinh thần, tức kết hợp điều trị thuốc và tái thích ứng xã hội (lao động, vui chơi, nghỉ ngơi). Trong thời gian trị bệnh, bệnh nhân vẫn có thể lao động tạo ra của cải vật chất, tham gia học tập và các hoạt động có ích khác. Do vậy, để người bệnh sớm phục hồi chức năng, ngoài việc điều trị của các cơ sở y tế, đòi hỏi sự quan tâm, sẻ chia, hỗ trợ của thân nhân và cộng đồng. Đặc biệt là tránh sự kỳ thị phân biệt đối xử với NTT để giúp họ sớm phục hồi, hòa nhập cộng đồng.
Tin rằng, với sự phối hợp chặt chẽ các ngành liên quan, sự quan tâm sẻ chia của người thân, NTT từng bước thay đổi hành vi, cải thiện bệnh tật, góp phần giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Duy Nam